Các bậc làm cha mẹ ở Hàn Quốc gần đây đang tìm kiếm các nhà cung cấp "dịch vụ chú bác" để đảm bảo con cái của họ không bị bắt nạt khi đến trường học, Oddity Central đưa tin.
Cụ thể, các "ông chú ông bác" này sẽ làm công tác bảo vệ, giám sát, hù dọa hoặc chỉ đơn giản là thu thập bằng chứng về việc con em bị bắt nạt để cung cấp cho nhà trường hoặc liên hệ với phụ huynh của kẻ bắt nạt để giải quyết riêng.
Ba gói dịch vụ phổ biến của "dịch vụ chú bác". Ảnh: Nate
Theo Nate.com, dịch vụ chú bác thường có ba gói: "Uncle Package" (gói chú bác); "Evidence Package" (gói bằng chứng) và "Chaperone Package" (gói kèm cặp).
Trong “Uncle Package", một người đàn ông to béo, tuổi từ 30-40 sẽ giả vờ làm chú bác của học sinh, hộ tống các em từ nhà đến trường. Ông chú dữ dằn này còn có nhiệm vụ đưa ra cảnh báo cho bọn đầu gấu.
Trong “Evidence Package”, các ông chú sẽ điều tra và thu thập bằng chứng về việc bắt bạt của bè lũ đầu gấu bằng cách quay phim. Bằng chứng bằng video và ảnh chụp sẽ được mang đến ban giám hiệu nhà trường, kèm theo tuyên bố: "Nếu nhà trường không điều tra việc bắt nạt, đánh đập học sinh và đưa ra giải pháp rõ ràng, tôi sẽ nộp đơn khiếu nại chính thức lên hội đồng...". Tùy chọn này được cung cấp với giá 354 USD (8,2 triệu đồng).
Một ông chú đang làm nhiệm vụ ở trường học. Ảnh: Nate
Trong "Chaperone Package", người chú được thuê sẽ đến nơi mà bố mẹ của kẻ bắt nạt làm việc và biểu tình. Đại loại là tác động gián tiếp để gia đình trừng trị kẻ bắt nạt sau. Người chú sẽ hét lên liên tục: "Bố mẹ của kẻ bắt nạt con người khác đang làm việc ở đây!" trước tòa nhà nơi họ làm việc. Tùy chọn này có giá lên tới 1.772 USD (hơn 41 triệu đồng), lặp đi lặp lại trong bốn lần.
Trong khi nhiều người Hàn Quốc đang xem loại hình dịch vụ này là một giải pháp tích cực nhằm bảo vệ con em họ khỏi bắt nạt học đường thì một số người khác cho rằng đây chỉ là một hình thức bắt nạt những kẻ bắt nạt chứ không phải là một phương pháp hiệu quả để xử lý triệt để vấn nạn bắt nạt học đường.
"Trừng trị cá nhân chỉ là hình thức bạo lực khác thôi. Bạo lực học đường cần phải được xử lý bằng cách cải thiện hệ thống giáo dục" - GS Kim Yoon Tae ở ĐH Hàn Quốc chia sẻ.
Theo một báo cáo gần đây của tờ Chosun Ilbo, "dịch vụ chú bác" không chỉ đang phổ biến ở Hàn Quốc mà dần lan nhanh đến nhiều quốc gia châu Á khác. Trước tình hình nở rộ của dịch vụ mới này, giới chuyên môn Hàn Quốc mong rằng những cuộc đối thoại xoay quanh dịch vụ này sẽ góp phần nâng cao nhận thức và giảm thiểu tỉ lệ bạo lực học đường ở Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Á.