Tờ South China Morning Post hôm 12-3 dẫn kết quả một nghiên cứu cho thấy rằng cuộc chiến chống ô nhiễm hạt vật chất, đặc biệt là các hạt mịn có kích thước nhỏ hơn 2,5 micron, đã góp phần ngăn chặn tự tử.
Nghiên cứu trên được thực hiện tại Trung Quốc trong giai đoạn 2013-2017. Kết quả được xuất bản vào tháng trước trên tạp chí Nature Sustainability. Theo đó, công tác chống ô nhiễm ở Trung Quốc trong thời gian này đã ngăn chặn khoảng 46.000 trường hợp tự tử ở nước này.
“Điều này có vẻ lạ lẫm nhưng nghiên cứu của chúng tôi xác nhận rằng thực sự có mối quan hệ nhân quả giữa hai hiện tượng trên” - nhà nghiên cứu Trương Bằng tại ĐH Trung Quốc Hồng Kông, và là đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho hay.
Một đồng tác giả khác của nghiên cứu trên là bà Tamma Carleton - hiện làm việc tại ĐH California (Mỹ) cho biết rằng mức độ ô nhiễm không khí giảm ở Trung Quốc đã giúp tỉ lệ tự tử ở nước này giảm nhanh hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới.
Để xác định tác động mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tỉ lệ tự tử, các nhà nghiên cứu cố gắng tách biệt những ngày ô nhiễm không phải do hoạt động của con người gây ra để lấy số liệu khảo sát. Cụ thể, đó là những ngày khí quyển gặp phải hiện tượng khối không khí ẩm ô nhiễm bị giữ lại gần bề mặt Trái Đất.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã đối chiếu mối tương quan giữa 140.000 đợt quan sát về các báo cáo tự tử hàng tuần ở cấp quận tại Trung Quốc trong giai đoạn 2013-2017 với khoảng 1.400 máy giám sát ô nhiễm không khí trên khắp nước này.
“Tỉ lệ tự tử hàng tuần tăng ngay lập tức khi ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ hơn trong tuần đó” - nhà nghiên cứu Trương kết luận, đồng thời cho biết thêm rằng những người lớn tuổi và phụ nữ là những đối tượng dễ bị tổn thương hơn.
Thông qua bài nghiên cứu, ông Trương hy vọng có thể cải thiện sự hiểu biết của người dân và cộng đồng khoa học về những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra. Ông Trương cũng khuyến khích nhà chức trách ban hành các chính sách để cải thiện môi trường sống.
“Các nhà hoạch định chính sách nên xem xét có thể cứu được bao nhiêu mạng người khi tính đến rủi ro và lợi ích của các chính sách liên quan không khí trong tương lai” - ông Trương khuyến nghị.