Vì vậy, việc điều động một phó giám đốc Sở Tư pháp sang làm phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh là một việc làm bình thường của tổ chức.
Phó giám đốc Sở Tư pháp là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, vì thế khi điều động nhân sự này, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã có báo cáo và Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã bàn bạc, xem xét và quyết định (QĐ). Việc phó chủ tịch UBND tỉnh thay mặt công bố các QĐ về công tác cán bộ, trong đó có trường hợp điều động này là theo đúng chức năng, thẩm quyền.
Khoản 4 Điều 3 Điều lệ Đảng quy định đảng viên có quyền: “Trình bày ý kiến khi tổ chức Đảng nhận xét, QĐ công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình”. Ông Nhơn cho biết khi tiếp xúc với UBND tỉnh trước khi có QĐ đã trình bày nguyện vọng là muốn tiếp tục công tác trong ngành tư pháp hoặc điều động thì qua sở, ngành phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, ý kiến này đã được ghi nhận. Trường hợp này, các cơ quan có trách nhiệm đã làm đúng quy định và quy trình công tác cán bộ.
Khoản 1 Điều 2 Điều lệ Đảng cũng quy định nhiệm vụ của đảng viên là: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền đã mời ông Nhơn để nghe ông trình bày nguyện vọng nhưng vẫn điều động ông là theo đúng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, ông Nhơn phải chấp hành QĐ này.
Một lý do khác ông Nhơn từ chối nhận QĐ điều động là bản thân ông đang là công chức, nếu điều chuyển thì coi như không còn công chức. Đây là cách hiểu không đúng và nếu ông Nhơn hiểu như vậy thì cần phải xem lại trách nhiệm của chính các cơ quan làm công tác cán bộ của tỉnh Hậu Giang khi đã không giải thích rõ cho ông Nhơn.
Theo QĐ 68/2010/QĐ-TTg ngày 1-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù thì Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một trong 28 tổ chức thuộc danh sách hội có tính chất đặc thù. Khi điều động một phó giám đốc Sở Tư pháp sang làm phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thì đối với chức danh này vẫn được coi là công chức.
Ngoài ra, Điều 12 Nghị định 06/2010/NĐ-CP (hướng dẫn Điều 6 Thông tư 08/2011 của Bộ Nội vụ) thì công chức được luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp vẫn được xác định là công chức khi giữ các chức vụ chủ chốt như chủ tịch chuyên trách, phó chủ tịch chuyên trách, tổng thư ký của tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở trung ương, cấp tỉnh.
Như vậy, đối với trường hợp ông Nhơn được luân chuyển giữ chức vụ chủ chốt là phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (ở đây là chuyên trách) thì ông vẫn là công chức. Vì vậy, ông Nhơn vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách đối với công chức, trong đó có chế độ phụ cấp công vụ theo điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 34 ngày 15-4-2012 của Chính phủ về chế độ phụ cấp công vụ.
Tóm lại, điều động ông Nhơn chỉ là việc tổ chức điều động công chức, đảng viên thôi vị trí công tác này để chuyển qua nhiệm vụ khác. Đây hoàn toàn không phải là việc bị cách chức hay kỷ luật, cũng không có nghĩa bị đánh giá về năng lực, trình độ. Đây chỉ là thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ về sắp xếp tổ chức, cán bộ trong hệ thống thuộc thẩm quyền của tỉnh Hậu Giang. Mặc dù ông Nhơn được bổ nhiệm lại phó giám đốc Sở từ năm 2016 và phải đến năm 2021 mới hết thời hạn bổ nhiệm nhưng việc điều động này không sai. Không có quy định nào của Đảng và Nhà nước cho rằng bổ nhiệm một người thì phải hết thời gian bổ nhiệm đó mới điều động, luân chuyển.
Chỉ có một điều lưu ý là ông Nhơn có trình độ cử nhân luật và có thâm niên 27 năm liên tục công tác trong ngành. Vì vậy, việc muốn sang làm việc tại các cơ quan phù hợp với chuyên môn là nguyện vọng chính đáng của ông. Tức là trong điều động, luân chuyển cán bộ cần quan tâm nhiều hơn đến công tác tư tưởng, lắng nghe, giải đáp tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của người thuộc diện luân chuyển, điều động.
Về nguyện vọng riêng của cá nhân có thể tùy từng trường hợp cụ thể mà xem xét, tất nhiên vẫn phải trên cơ sở tuân thủ quy định nhưng không nên để cho người trong diện luân chuyển, điều động hiểu rằng bản thân họ bị đì, bị kỷ luật, bị giáng chức…