Bỗng dưng bị chiếm mất 7 ha đất

Ngày 14-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Tuấn Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tuy Phong, Bình Thuận, xác nhận đã làm việc với đại diện công ty bị tố lấn chiếm gần 7 ha đất của người dân để làm dự án điện mặt trời. Đơn vị bị phản ảnh là Công ty TNHH Năng lượng xanh Eco Seido.

Ông Phương cho biết việc tự ý lấn chiếm đất là lỗi của Công ty Eco Seido và tới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất và các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu công ty này có giải pháp bồi thường thiệt hại cho người dân.

Theo đơn phản ảnh của ông Nguyễn Thế Trương (người đại diện của chủ đất), chủ đất có thửa đất với diện tích 20 ha được cấp giấy đỏ từ năm 2010 tại khu vực núi Nạng, xã Phú Lạc, Tuy Phong, sát bên dự án của Công ty Eco Seido đang đầu tư điện mặt trời. Diện tích đất trên ông Trương đã khoan một số giếng nước, xây dựng hai căn nhà tạm để chuẩn bị đầu tư trồng rau sạch.

Đất của người chủ mà ông Nguyễn Thế Trương làm người đại diện bị lấn chiếm xây dựng công trình. Ảnh: PV

Đầu tháng 3-2019, khi đến thăm đất, ông Trương tá hỏa khi phát hiện một phần diện tích đất nói trên đã bị Công ty Eco Seido lắp đặt rất nhiều tấm pin năng lượng mặt trời rồi dựng nhà kho, nhà ở cho công nhân bằng thùng container. Thậm chí công ty còn xây dựng luôn một trạm thu phát điện trên diện tích đất nói trên.

Ngoài ra, công ty này còn tập kết trên diện tích đất nói trên rất nhiều vật liệu bê tông, thiết bị điện… Tổng diện tích mà chủ đất của ông Trương bị mất lên đến khoảng 7 ha.

Theo ông Trương, sau đó ông đã tìm gặp được ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Eco Seido. Ông Tuấn Anh thừa nhận nhầm lẫn và hứa sẽ bồi thường thỏa đáng. “Tuy nhiên, sau lời hứa đó, chúng tôi nhiều lần liên lạc nhưng ông Tuấn Anh không phản hồi” - ông Trương nói.

Sau đó, ông Trương nhờ cán bộ địa chính và đại diện UBND xã Phú Lạc kiểm tra hiện trạng đất. Ngày 17-4, cán bộ địa chính-xây dựng xã Phú Lạc đã lập biên bản kiểm tra hiện trạng đất đai. Theo đó, biên bản xác nhận công trình Nhà máy điện năng lượng mặt trời Eco Seido đã lấn chiếm đất của chủ đất của ông Trương 6-7 ha và xây dựng nhiều công trình trên đất này.

Được biết ngày 3-12-2018, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định cho Công ty Eco Seido thuê đất với diện tích hơn 70 ha thuộc hai xã Phong Phú và Phú Lạc (Tuy Phong) theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm để làm điện mặt trời. Sau đó đến tháng 1-2019, căn cứ hồ sơ thỏa thuận hướng tuyến mới để đấu nối từ trạm biến áp của nhà máy đến đường dây 110 kV Tuy Phong - Phan Rí, UBND tỉnh đã lưu ý vấn đề này.

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu trong quá trình xây dựng, công ty phải chú ý có phương án giải quyết phù hợp khi băng qua đất đai, nhà ở, công trình xây dựng của người dân không để xảy ra khiếu nại.

“Nếu điều chỉnh tuyến mới băng qua diện tích đất của chủ đất, lẽ ra chủ đầu tư phải gặp phía chủ đất nói một tiếng để thỏa thuận. Đằng này họ xây dựng công trình kiên cố trên đất luôn, xem như chuyện đã rồi là không thể chấp nhận” - ông Trương cho biết.

Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với đại diện Công ty Eco Seido để hẹn làm việc nhưng không nhận được trả lời, phản hồi nào. Pháp Luật TP.HCM sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin vụ việc này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...