Ngân hàng tịch thu xe doanh nghiệp vận tải sau thời gian dài giãn cách

Ngày 26-10, ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Công ty TNHH vận tải Anh Tuấn Phát (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), cho biết đã có đơn trình báo mất cắp tài sản gửi đến Công an xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang.

Khách hàng: Ngân hàng lẳng lặng thu giữ tài sản đảm bảo

Theo ông Tuấn, tài sản bị mất là xe khách 47 chỗ biển số 79B-027… đang gửi tại bãi giữ xe số 5, đường Phong Châu, xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang vào khoảng 11 giờ ngày 15-10.

Đại diện chủ bãi xe cũng có đơn trình báo sự việc rằng lúc 9 giờ 40 ngày 15-10, một nhóm người đi trên hai ô tô và xe cẩu xưng là thuộc Ngân hàng TPBank đi cùng với một trung úy công an mặc sắc phục và thông báo đến thu hồi nợ. Nhóm người đã tự ý cẩu xe khách biển số 79B- 027… thuộc sở hữu của Công ty TNHH Vận tải Anh Tuấn Phát đang đậu tại đây mà không có sự chứng kiến của chủ xe hoặc người đại diện bãi xe.

Theo tìm hiểu, tháng 6-2018, công ty của ông Tuấn vay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) 5,4 tỉ đồng để mua bốn xe khách, thế chấp hai xe để đảm bảo khoản vay. Hợp đồng thế chấp có thỏa thuận về vấn đề xử lý tài sản đảm bảo.

Công ty, bãi giữ xe làm đơn trình báo mất tài sản sau khi bị ngân hàng cẩu
xe đi. Ảnh: CÔNG NGUYÊN

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết trong hai năm 2018 và 2019, công ty vẫn đóng lãi, gốc cho ngân hàng. Từ năm 2020, 2021, do dịch COVID-19 kéo dài, nguồn khách du lịch đến Khánh Hòa giảm sâu, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, nguồn thu của công ty. Bị cấm hoạt động thời gian dài nên công ty đã phát sinh nợ xấu đối với TPBank.

Công ty đã nhiều lần làm đơn gửi ngân hàng xin giảm lãi, khoanh nợ nhưng không được đồng ý. Cho đến nay, phía công ty còn nợ ngân hàng hơn 3,8 tỉ đồng. Thời gian gần đây, công ty đã nhiều lần làm việc với đại diện ngân hàng để tìm phương án cho công ty kéo dài hoạt động, tạo nguồn thu trả nợ nhưng chưa đi đến thống nhất.

Cũng theo ông Tuấn, sau khi công ty làm đơn trình báo mất tài sản vào ngày 15-10  thì ngày 16-10, nhân viên của ngân hàng đã liên hệ với ông và gửi qua email thông báo nợ, quyết định tịch thu ô tô của công ty.

Theo ông Tuấn, công ty đã cạn kiệt tài chính sau khi giãn cách kéo dài. Công ty không trốn nợ nhưng ngân hàng cần có chính sách vừa có lý vừa có tình để công ty gượng dậy làm ăn mà trả nợ. Thu tài sản lúc này khác gì ngân hàng đẩy doanh nghiệp xuống hố sâu sau đại dịch. 

 

Tịch thu xe là đẩy doanh nghiệp vào đường cùng

Dịch kéo dài, các công ty vận tải bị thiệt hại rất nghiêm trọng. Phía ngân hàng cần có những giải pháp hợp lý, hợp tình để chung tay với doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ngân hàng tịch thu tài sản, thu hồi nợ đối với doanh nghiệp trong giai đoạn này là đẩy doanh nghiệp vào đường cùng.

Luật sư NGUYỄN TƯỜNG LINH, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Ngân hàng: “Chúng tôi đã thông báo cho khách hàng”

Liên quan đến vụ việc trên, phía TPBank đã có phản hồi Pháp Luật TP.HCM rằng ngày 8-7 đã gửi văn bản thông báo tự nguyện bàn giao, thông báo thu giữ, quyết định thu giữ tới Công ty Anh Tuấn Phát qua chuyển phát nhanh. Công ty đã nhận được các văn bản này. Thông báo có ghi rõ việc ngân hàng sẽ thực hiện thu giữ tài sản và đề nghị công ty phối hợp trong bàn giao. Đồng thời, TPBank đề xuất xây dựng lộ trình trả nợ cho các khoản còn lại nhưng doanh nghiệp không hợp tác.

Sau khi thu giữ xe ngày 15-10, ngân hàng có giao lại cho bãi xe thông tin liên lạc, quyết định thu giữ để đơn vị này có căn cứ làm việc với chủ xe và yêu cầu công ty đến ngân hàng để giải quyết sự việc.

Ngày 16-10, TPBank ra Thông báo 271/2021/CV-TPB với mục đích thông báo cho công ty biết việc TPBank đã thu giữ tài sản ngày 15-10 và đề xuất thời gian để công ty cân đối nguồn tài chính thanh toán các khoản nợ quá hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký trước khi ngân hàng chuyển sang phát mại tài sản.

TPBank đã thực hiện hỗ trợ cơ cấu nợ cho Công ty Anh Tuấn Phát hai lần theo chủ trương và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Công ty chỉ thực hiện thanh toán khoản vay quá hạn một phần (ngày 9-4-2021 nộp 84,5 triệu đồng, ngày 23-4-2021 nộp 41 triệu đồng). Đến nay, công ty không đóng thêm bất kỳ khoản nào và nợ quá hạn lên nhóm 4 (234 ngày, tính đến ngày 16-10-2021).

Sau thời gian đó, TPBank có liên lạc để yêu cầu công ty thanh toán các khoản nợ quá hạn và đủ điều kiện cơ cấu nợ nhưng công ty không thực hiện được. Vào tháng 4-2021, TPBank đã làm việc bằng biên bản với công ty về việc xây dựng lộ trình giảm các khoản nợ quá hạn tại TPBank để đủ điều kiện cơ cấu nợ theo quy định. Tuy nhiên, công ty không thực hiện được như đã cam kết.

 

Tôn trọng thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp

Theo Điều 299, Điều 303 BLDS 2015, các trường hợp và các phương thức xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi khoản vay đều phải dựa trên sự thỏa thuận của các bên.

Nếu ngân hàng nhận chính tài sản đảm bảo để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của khách hàng thì phải được thỏa thuận khi xác lập giao dịch đảm bảo. Nếu không có thỏa thuận, ngân hàng chỉ được nhận chính tài sản đảm bảo để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ khi khách hàng đồng ý bằng văn bản.

Ngoài ra, để xử lý các khoản nợ xấu, ngân hàng có thể áp dụng các quy định về xử lý, thu giữ tài sản đảm bảo tại khoản 2 Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị định 163/2006 về giao dịch đảm bảo (hiện nay Nghị định 163/2006 đã được thay thế bằng Nghị định 21/2021, có hiệu lực ngày 15-5-2021) và Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Điều 4 Nghị quyết 42/2017/QH14 định nghĩa nợ xấu là khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15-8-2017 hoặc khoản nợ được hình thành trước ngày 15-8-2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian nghị quyết có hiệu lực.

Như vậy, các khoản vay hình thành sau ngày 15-8-2017 sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42/2017/QH14. Thay vào đó, các hợp đồng đảm bảo, biện pháp đảm bảo được xác lập, thực hiện từ ngày 15-5-2021 thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 21/2021.

Trường hợp hợp đồng đảm bảo, biện pháp đảm bảo được xác lập, thực hiện trong giai đoạn từ 15-8-2017 đến 15-5-2021 thì áp dụng Nghị định 163/2006 và Nghị định 11/2012 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2006) và theo quy định chuyển tiếp tại khoản 1 Điều 61 Nghị định 21/2021.

Theo thông tin của báo nêu, khách hàng có xác lập quan hệ tín dụng đầu tiên từ tháng 6-2018. Như vậy, trong trường hợp này, hợp đồng đảm bảo, biện pháp đảm bảo được xác lập, thực hiện thuộc thời gian từ 15-8-2017 đến 15-5-2021, việc xử lý tài sản đảm bảo, các bên sẽ căn cứ Nghị định 163/2006 và Nghị định 11/2012 để giải quyết.

Cụ thể, Điều 63 Nghị định 163/2006 về giao dịch đảm bảo quy định: Bên giữ tài sản đảm bảo phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản đảm bảo không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản đảm bảo theo quy định để xử lý hoặc yêu cầu tòa án giải quyết.

Luật sư HOÀNG TƯ LƯỢNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm