Xử vụ Ethanol Phú Thọ: Nhiều người được miễn hình sự

Sáng nay (8-3), TAND TP Hà Nội mở lại phiên xét xử vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB).
12 bị cáo hầu tòa gồm ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí - PVC) và nhiều cựu lãnh đạo, nhân viên của PVB.
Trước đó, hồi tháng 1-2021, phiên tòa từng được mở song phải hoãn do vắng mặt bị cáo Trần Thị Bình (cựu phó tổng giám đốc PVN) và nhiều người liên quan.
“Liên doanh” Đinh La Thăng - Trịnh Xuân Thanh 
Theo cáo trạng, ngày 17-7-2007, HĐQT PVN có nghị quyết giao tổng giám đốc PVN xây dựng đề án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu ở phía Bắc. Tiếp đó, với vai trò chủ tịch tập đoàn, ông Đinh La Thăng ký nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư dự án với phương thức thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư.
Tháng 9-2008, PVB phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu TK05 xây dựng nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu. Lúc này, Trịnh Xuân Thanh ký văn bản gửi PVB đề nghị hạ một số tiêu chí đánh giá về năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính và kinh nghiệm nhà thầu nhưng không được chấp thuận.
Để có thể tham gia dự tuyển gói thầu, PVC thành lập liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T. Tuy nhiên, thời điểm đóng hồ sơ, sáu nhà thầu tham gia ứng tuyển, trong đó có PVC/Alfa Laval/Delta-T đều chưa đạt đủ các tiêu chí.
Theo CQĐT, mặc dù biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về lĩnh vực ethanol nhưng ông Thăng đã chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng việc giao thầu cho PVC theo như đề nghị của Trịnh Xuân Thanh.

Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa hồi tháng 1-2021. Ảnh: UYÊN TRANG

Thiệt hại hơn 543 tỉ đồng
Dựa trên chỉ đạo này, Trịnh Xuân Thanh yêu cầu thuộc cấp gửi văn bản đề nghị PVN và PVB xin chỉ định thực hiện dự án. Về phía mình, ông Thăng bút phê chỉ đạo cấp dưới giải quyết theo chủ trương chung của tập đoàn.
Thực hiện chỉ đạo của ông Thăng, PVB không tổ chức đấu thầu theo kế hoạch mà lập hồ sơ để chỉ định thầu cho PVC/Alfa Laval/Delta-T.
Cáo trạng nhấn mạnh quá trình thực hiện, PVB đánh giá liên danh của PVC không đạt rất nhiều tiêu chí nhưng ông Thăng vẫn chỉ đạo việc đồng ý chủ trương giao cho liên danh này thi công gói thầu.
Hậu quả, dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ liên tục bị chậm tiến độ. PVC sau đó cũng có báo cáo thừa nhận liên danh của mình không đủ năng lực để thực hiện dự án.
Tháng 3-2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án khi chưa có hạng mục nào hoàn thành, lý do bởi gặp nhiều khó khăn về tài chính, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm…
VKSND Tối cao xác định PVB đã sử dụng gần 1.500 tỉ đồng để thực hiện dự án, trong đó vay ngân hàng 754 tỉ đồng. Thiệt hại trong vụ án là toàn bộ số tiền lãi phát sinh mà PVB đã trả và còn phải trả cho các ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố, tức hơn 543 tỉ đồng.
Được miễn hình sự vì mắc bệnh hiểm nghèo
Cũng theo cáo trạng, ngoài các bị cáo bị đưa ra xét xử, nhiều cá nhân có trách nhiệm liên quan, thậm chí đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng được miễn trách nhiệm hình sự.
Điển hình là ông Vũ Quang Nam (phó tổng giám đốc PVN từ năm 2006-2012), là phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, phụ trách pháp lý.
Ngày 24-3-2009, ông Nam đã chủ trì cuộc họp ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, kết luận đồng ý chủ trương chỉ định thầu tổ hợp PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu EPC dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ.
Hành vi của ông Nam đồng phạm với các bị can đã khởi tố trong vụ án. Tuy nhiên, do ông Nam đang bị ung thư phổi giai đoạn IV, thuộc danh mục các bệnh hiểm nghèo nên cơ quan tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hay như ông Trần Ngọc Hà, nguyên là tổ phó tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, phụ trách lập hồ sơ yêu cầu. Ông Hà tham gia lập hồ sơ yêu cầu nhưng lại không đưa các tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu để chỉ định cho liên danh của PVC thực hiện dự án.
Hành vi này của ông Hà đồng phạm với các bị can tại PVB đã bị khởi tố trong vụ án. Tuy nhiên, do ông Hà bị nhồi máu não cũ diện rộng thùy trán - thái dương trái, thoái hóa myelin chất trắng quanh não thất bên hai bên, polyp xoang bướm trái dẫn đến bệnh Alzeheimer, thuộc danh mục các bệnh hiểm nghèo nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Hoặc ông Trần Văn Tặng, nguyên là phó trưởng phòng dự án đầu tư, thành viên tổ chuyên gia giúp việc thẩm định đấu thầu. Ông Tặng tham gia ký báo cáo thẩm định đánh giá kết cấu, nội dung hồ sơ yêu cầu phù hợp với quy định hiện hành, đề xuất ra quyết định phê duyệt hồ sơ yêu cầu cho liên danh nhà thầu.
Hành vi của ông Tặng là đồng phạm với các bị can nhưng do ông Tặng đã qua đời từ năm 2011 nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, nhiều cá nhân khác được xác định có tham gia thực hiện công việc theo nhiệm vụ được phân công, giao việc và không biết liên danh của PVC không đủ năng lực nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật là phù hợp.

 Trịnh Xuân Thanh đang mang án chung thân

Tính đến nay, ông Đinh La Thăng đã bị tòa tuyên phạt ba bản án. Đó là vụ án liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, vụ gây thiệt hại 800 tỉ đồng tại OceanBank và vụ dự án cao tốc Trung Lương - TP.HCM. Tổng hợp hình phạt chung mà ông Thăng phải chịu từ ba bản án trên là 30 năm tù.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng đã bị tòa tuyên hai bản án, đó là bản án liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và bản án về tham ô tài sản tại Công ty PVP Land. Hình phạt chung mà bị cáo Thanh phải nhận là tù chung thân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm