Sau khi hai bộ Ngoại giao và bộ Quốc Phòng Mỹ lần lượt lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì đã đâm chìm tàu cá Việt Nam, các Nghị sĩ Mỹ tiếp tục lên tiếng phản đối chính quyền Bắc Kinh vì đã có hành vi phạm pháp trên biển.
Trong thông cáo chung ngày 10-4 (giờ địa phương), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng Quốc tế của Thượng viện - ông Cory Gardner cùng hai thượng nghị sĩ Bob Menendez, Ed Markey đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ngày 2-4.
Cụ thể, thượng nghị sĩ Jim Risch nhấn mạnh hành vi đâm chìm tàu nước khác cho thấy Bắc Kinh đang trắng trợn đe dọa các quốc gia xung quanh để khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp ở biển Đông, chưa kể hàng loạt hoạt động bất hợp pháp lâu nay trên các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch trả lời họp báo hồi tháng 12-2019. Ảnh: CNN
"Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh, đối tác trong khu vực để giữ vững một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thúc đẩy hòa bình ở biển Đông" - thượng nghị sĩ Risch cho biết.
Về phía thượng nghị sĩ Bob Menendez, ông khẳng định hành động của Trung Quốc rất đáng lên án, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang phải nỗ lực cùng nhau đẩy lùi đại dịch COVID-19.
"Nhiệm vụ đầu tiên mọi lực lượng cảnh sát biển là đảm bảo được an toàn trên biển chứ không phải góp phần biến nó thành một khu vực nguy hiểm, vô luật pháp. Việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam mà không có lý do chính đáng là cách hành xử quá thiếu an toàn và không thể chấp nhận được, rất đáng bị lên án kịch liệt" - ông Menendez gay gắt tuyên bố.
Trong khi đó, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng Quốc tế của Thượng viện - thượng nghị sĩ Cory Gardner kêu gọi Nhà Trắng nên có động thái dứt khoát, sử dụng các công cụ pháp lý như Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA) để chống lại các hành vi "hiểm ác" của Bắc Kinh và giữ vững quyền tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông.
ARIA được Tổng thống Donald Trump ký ban hành vào tháng 12-2018 là ví dụ hiếm hoi về sự đồng thuận cao giữa chính quyền và Quốc hội Mỹ trong xử lý các thách thức an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
ARIA nhấn mạnh cần tập trung nguồn lực chống ảnh hưởng của Trung Quốc làm phương hại hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp, nhất là ở biển Đông. Các vấn đề vi phạm bản quyền và an ninh mạng cũng được chú trọng nhưng cũng để ngỏ khả năng hợp tác với Bắc Kinh. ARIA cũng đề cập nguy cơ hạt nhân Triều Tiên, khủng bố ở Đông Nam Á, đồng thời khuyến khích hợp tác kinh tế, thương mại, xuất khẩu năng lượng (khí hóa lỏng) và thúc đẩy quyền con người.
Cuối thông cáo, thượng nghị sĩ Ed Markey nhấn mạnh Mỹ sẽ luôn luôn lên tiếng phản đối bất kỳ hành động vi phạm luật pháp quốc tế nào của Trung Quốc. Đồng thời, cường quốc này sẽ không quay mặt làm ngơ trong lúc các nước Đông Nam Á bị Bắc Kinh dọa nạt.
Ông Markey cũng khẳng định Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục hỗ trợ các đồng minh, đối tác trong khu vực đối mặt với Trung Quốc để giữ vững quyền tự do lưu thông, tự do thương mại theo đúng luật pháp quốc tế.
Trung Quốc liên tục bị chỉ trích + Ngày 3-4: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (VN) Lê Thị Thu Hằng cho biết đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc (TQ) và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía TQ điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh TQ đã đâm chìm tàu cá của ngư dân VN. VN yêu cầu TQ không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân VN. + Ngày 6-4: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã phát đi thông cáo báo chí về vụ việc, nhấn mạnh Mỹ “cực kỳ quan ngại” hành động của TQ. “Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi dài các hành động của TQ nhằm áp đặt các yêu sách trái pháp luật hàng hải và gây bất lợi cho các quốc gia láng giềng Đông Nam Á trên biển Đông” - thông cáo báo chí phía Mỹ viết. Washington cũng nhận định TQ lợi dụng tình hình thế giới tập trung chống đại dịch COVID-19 để tuyên bố các “trạm nghiên cứu mới” (trái phép) tại các căn cứ quân sự ở Đá Chữ Thập và Đá Subi; hạ cánh máy bay quân sự (trái phép) tại Đá Chữ Thập. TQ cũng triển khai trái phép lực lượng dân quân biển quanh quần đảo Hoàng Sa. + Ngày 8-4: Bộ Ngoại giao Philippines lên tiếng ủng hộ VN liên quan đến việc tàu hải cảnh TQ đâm tàu cá ngư dân VN. Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh rằng các vụ việc như đâm chìm tàu cá VN vừa qua đã khiến quan hệ giữa ASEAN và TQ bị xói mòn trong bối cảnh hai bên đang thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Việc TQ tạo ra các sự cố như va đâm tàu trên biển sẽ không thể làm phát sinh hay tạo ra thêm cho chính quyền Bắc Kinh quyền lợi mới hợp pháp liên quan đến chủ quyền trên biển. Philippines kêu gọi TQ tập trung chống dịch COVID-19 hơn là hành xử vô lý để giành nguồn cá hay để bảo vệ yêu sách “quyền lịch sử” (đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ vào năm 2016 khi dựa vào quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển - UNCLOS 1982). + Ngày 9-4: Bộ Quốc phòng Mỹ phát đi thông cáo báo chí cho biết cơ quan này "quan ngại sâu sắc" về việc tàu hải cảnh TQ đâm chìm tàu cá VN tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN trên biển Đông. Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ, hành động của TQ đi ngược tầm nhìn của Washington về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do mà trong đó, mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được đảm bảo chủ quyền, không bị ép buộc và có quyền phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của các đồng minh và đối tác để đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. |