Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hà Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (viết tắt là trung tâm), cho biết: “Mới đây, trung tâm đã tiến hành ký hợp đồng đấu giá cho thuê quảng cáo trên xe buýt với Trung tâm Đấu giá TP. Đây là lần tổ chức đấu giá quảng cáo thứ năm sau nhiều lần thất bại trước đó. Tuy nhiên, trung tâm đã nghiên cứu và đưa ra nhiều phương án để tiếp cận các nhà đầu tư, các hãng tham gia vào thị trường quảng cáo này”.
Cần xem lại thị trường
Nguyên nhân thất bại vào những lần đấu giá trước, ông Ân lý giải là do số tiền đặt cọc 5%-20% so với giá khởi điểm của gói thầu (Luật Đấu giá), như vậy các doanh nghiệp (DN) phải đặt cọc ít nhất 5% mà có thể DN đó chưa tìm được đối tác nên còn nhiều e ngại. Bên cạnh đó, thời gian cho thuê quảng cáo trên xe buýt chưa phù hợp vì khi trúng thầu đơn vị đó mới bắt đầu tìm đối tác, dán quảng cáo, nghiệm thu…, sau đó mới thu tiền quảng cáo. Vì vậy thời gian khai thác sẽ thấp hơn thực tế.
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho rằng nguyên nhân quảng cáo trên xe buýt không thu hút là do thị trường quảng cáo đã có sự thay đổi. Quảng cáo trực tuyến, trên các website, mạng xã hội, truyền hình... được ưa chuộng hơn. Các hình thức quảng cáo truyền thống trên xe buýt, nhà chờ không còn thu hút như trước. Thêm vào đó, thời gian quảng cáo được chia tại các gói thầu như trước đây kéo dài tới ba năm nên các DN thận trọng.
Ông Lâm Thiếu Quân, chuyên gia giao thông, cho rằng thị trường quảng cáo hiện nay đã có nhiều thay đổi bởi thị trường này đã thâm nhập vào mỗi cá nhân theo nhu cầu, sở thích của từng người. Ví dụ, chỉ cần bạn tìm kiếm một món hàng gì đó trên Google thì quảng cáo sẽ tự động chạy vào Facebook của bạn và kèm theo là những món hàng tương tự. Trong khi đó chi phí quảng cáo rẻ, thiết kế nhanh, còn quảng cáo trên xe buýt thì có chi phí cao. Chính vì vậy ngành giao thông TP cần xem xét lại thị trường để đưa ra mức phí hợp lý.
TP.HCM chuẩn bị tiến hành đấu thầu quảng cáo trên xe buýt lần thứ năm. Ảnh: Đ.TRANG
Giá đấu thầu quá cao
Ông Trần Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết quảng cáo trên xe buýt là một thị trường hấp dẫn, giá cả phải chăng, có hiệu quả và rất dễ mời gọi các hãng tham gia đầu tư. Hiện tại các tỉnh, thành trên cả nước đều tiến hành cho thuê quảng cáo trên xe buýt, duy chỉ có TP.HCM là chậm hơn so với các tỉnh, thành khác.
Ông Hùng lý giải nguyên nhân quảng cáo trên xe buýt tại TP.HCM không thu hút các DN là do giá đấu thầu quá cao, trong khi tuyến đường hấp dẫn đã có một DN của Nhật tham gia rồi. Để thu hút các DN quảng cáo thì ngành giao thông cần giao quyền quyết định lựa chọn đối tác quảng cáo cho các DN vận tải, HTX… Đồng thời, TP cần xem xét lại giá khởi điểm đấu thầu quảng cáo cho phù hợp, tránh tình trạng bỏ không gây lãng phí cho nguồn ngân sách nhà nước.
“Hiện nay quảng cáo xe buýt còn nhiều hạn chế như không được làm quá 2/3 dọc thân xe, không quảng cáo phía trước, phía sau… cũng gây khó khăn cho các công ty quảng cáo, trong khi Mỹ, Hàn Quốc, các nước châu Âu đã làm toàn thân xe từ lâu” - ông Trần Hùng nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Khương, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển thương hiệu Việt, nhận định không chỉ riêng ông mà một số công ty quảng cáo trong nước cũng cho rằng nhu cầu khách hàng quảng cáo trên xe buýt là có, thậm chí trước đây là tương đối cao. Tuy nhiên, do giá đấu thầu khởi điểm đưa ra của đơn vị quản lý xe buýt quá cao (378 tỉ đồng/ba năm), không phù hợp với đa số nhu cầu của các công ty trong nước.
“Đấu thầu khai thác quảng cáo trên xe buýt tại TP.HCM với giá khởi điểm cao dẫn tới giá quảng cáo trên xe buýt cao, các đơn vị có nhu cầu quảng cáo trên xe buýt sẽ phải cân nhắc bài toán hiệu quả quảng cáo và phân bổ ngân sách dành cho các kênh quảng cáo khác nhau. Và hiện nay các công ty có nhu cầu chuyển hướng sang các loại hình quảng cáo khác, dẫn tới ngành giao thông mở thầu bốn lần mà vẫn không có người tham gia” - ông Khương đánh giá.
Chia nhỏ thành 71 gói thầu Theo ông Lê Hà Ân, trong đợt đấu thầu quảng cáo trên xe buýt lần năm này, trung tâm sẽ chia nhỏ thành 71 gói đấu giá trên cơ sở 72 tuyến có trợ giá với tổng số phương tiện là 1.152 xe. Giá trị từng gói có thời gian thực hiện hợp đồng cũng linh hoạt hơn: Sáu tháng, một năm, hai năm và ba năm. Các công ty quảng cáo, các nhãn hàng quảng cáo đều có thể tham gia đấu thầu đợt này. “Tỉ lệ tiền đặt trước tương ứng với thời gian thực hiện hợp đồng để khuyến khích các DN tham gia. Cụ thể, 5% giá khởi điểm của gói đấu giá cho gói thầu thời gian thực hiện hợp đồng ba năm; 7% giá khởi điểm cho hợp đồng hai năm; 10% giá khởi điểm cho hợp đồng một năm; 15% giá khởi điểm cho hợp đồng sáu tháng. Dự kiến giá trị gói thầu lần này thấp nhất là khoảng 550 triệu đồng/tuyến/năm, cao nhất là 5 tỉ đồng/tuyến/năm” - ông Ân thông tin. Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho hay phiên đấu giá lần này đã đưa ra nhiều phương án mới, các gói quảng cáo được chia nhỏ hơn, tiệm cận với nhu cầu của các nhà đầu tư theo đúng xu hướng của thị trường. Nếu đấu giá thành công sẽ giúp TP thu về 63 tỉ đồng cho hợp đồng sáu tháng, 126 tỉ đồng cho hợp đồng một năm, 252 tỉ đồng cho hợp đồng hai năm và 378 tỉ đồng cho hợp đồng ba năm. |