Bỏ bản quyền vaccine ngừa COVID-19, không đơn giản

Mới đây, hãng tin Reuters cho biết Tổng thống Joe Biden đã đánh tiếng ủng hộ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với một số loại vaccine ngừa COVID-19, qua đó giúp các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, tăng cường sản xuất và đẩy nhanh quá trình tiêm chủng. Quyết định lập tức được giới nghiên cứu y khoa hoan nghênh là một bước tiến đáng kể trong nỗ lực bình đẳng hóa phân phối vaccine toàn cầu.

Theo hãng tin DW, quyết định cuối cùng về việc có hay không từ bỏ bản quyền vaccine ngừa COVID-19 sẽ do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gồm 164 thành viên quyết định. Trong số này, hơn 100 nước đã ủng hộ đàm phán hướng tới từ bỏ các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, chỉ cần một nước không đồng ý thì WTO cũng không thể thông qua đề xuất này.

Dù vậy, vẫn có nước phản đối động thái của Mỹ. Họp báo về vấn đề này hôm 6-5, phát ngôn viên của chính phủ Đức cảnh báo việc này sẽ làm các hãng dược, các công ty công nghệ sinh học mất động lực nghiên cứu, phát triển vaccine, tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành công nghiệp vaccine nói chung. Vì thế “việc bảo vệ tài sản trí tuệ là nguồn lực cho sáng tạo và phải được duy trì trong tương lai”.

Chuyện từ bỏ bản quyền vaccine cũng không giúp gì nhiều cho mục tiêu tăng phủ sóng tiêm chủng thế giới. Lý do, “những yếu tố làm giới hạn số lượng vaccine được tiêm chủng là năng lực sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng chứ không phải câu chuyện bản quyền”.

Bảo vệ công sức gi động lc nghiên cứu

Theo đài CNN, trong bối cảnh hiện tại thì chuyện từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine là một vấn đề rất phức tạp. Một vaccine sau khi được nghiên cứu bào chế thành công là tập hợp của một loạt thành phần, nguyên liệu khác nhau và mỗi thành phần, nguyên liệu này đều được ít nhất một công ty hay một nhà nghiên cứu nào đó đăng ký bản quyền trí tuệ.

Ví dụ, bên trong vaccine của hãng dược Pfizer (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) sản xuất có 280 thành phần và nguyên liệu được mua bản quyền từ nhiều bên đến từ 19 quốc gia. Một khi kịch bản từ bỏ bản quyền vaccine xảy ra, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận và sử dụng thoải mái các loại thành phần, nguyên liệu này trong loại vaccine này - gây thiệt hại đáng kể cho Pfizer, BioNTech và những bên đang nắm bản quyền các thành phần và nguyên liệu đó.

Nhân viên y tế tại thủ đô Berlin (Đức) chuẩn bị các lọ chứa vaccine để đưa đi tiêm chủng hồi tháng 4. Ảnh: DW

“Một liều vaccine chứa đựng tất cả tài sản trí tuệ từ thỏa thuận cấp phép, bản quyền, kiểu dáng công nghiệp đến các luật bảo hộ bí mật thương mại, bí mật sáng chế. Nếu từ bỏ bản quyền vaccine ngừa COVID-19 thì làm sao những nội dung này có thể được thực thi nữa?” - chuyên gia về quyền sở hữu trí tuệ Achal Prabhala thuộc Quỹ Shuttleworth (Nam Phi) phân tích.

Ông Prabhala còn khẳng định bản quyền trí tuệ là xương sống cho toàn ngành dược và y tế bởi quá trình nghiên cứu và tạo ra được một sản phẩm sử dụng an toàn trên người thật sự rất khó và tốn thời gian. Việc công nhận và bảo vệ bản quyền là cách tôn trọng công sức của nhà nghiên cứu.

Nguy cơ lộ bí mật công nghệ

Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém khi nhắc tới vấn đề bản quyền vaccine là việc bảo vệ công nghệ và công thức bào chế vaccine. Hiện Pfizer, BioNTech và Moderna (Mỹ) là các hãng dược và công ty công nghệ đi đầu trong việc sử dụng công nghệ mRNA thế hệ mới giúp gia tăng đáng kể hiệu quả vaccine.

Công nghệ này cũng được đánh giá là có tính ứng dụng cao không chỉ trong phòng ngừa COVID-19 mà còn ở các bệnh khác trong tương lai. Trong khi đó, các hãng dược ở Nga hay Trung Quốc thì chưa áp dụng hoàn chỉnh được công nghệ này; các loại vaccine mà các nước này sản xuất và đưa vào sử dụng không có công nghệ mRNA nên mức độ hiệu quả vì thế cũng có phần không cao bằng.

“Pfizer và Moderna phải mất rất nhiều năm nghiên cứu để có thể phát triển những vaccine này. Trung Quốc và Nga cùng những nước khác đều muốn tiếp cận nó. Mục tiêu của họ là sở hữu công nghệ nền để bào chế vaccine không chỉ để ngăn ngừa COVID-19 mà còn cho các bệnh khác” - cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke nói với Reuters.

Trong trường hợp bản quyền vaccine bị từ bỏ, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ bắt các hãng dược nói trên giao nộp công nghệ nếu muốn hoạt động ở thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, Bắc Kinh cũng có thể yêu cầu các công ty khác thu nhập giúp các thông tin đó mà không sợ bị chỉ trích là đánh cắp bí mật của công ty nước ngoài. Nếu các hãng dược từ chối cung cấp thông tin thì sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả pháp lý.

Còn nhớ, bản quyền trí tuệ là một khúc mắc lớn giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm nay, là một trong những nguyên nhân chính khiến thương chiến Mỹ-Trung bùng phát năm 2018.•

 

EU hoàn tất hợp đồng mua 1,8 tỉ tiền vaccine

Hãng tin Reuters ngày 10-5 dẫn lời ông Thierry Breton - Ủy viên phụ trách công nghiệp và thị trường nội địa Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này sẽ không tiếp tục mua vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) sản xuất. Lý do AstraZeneca đã không đáp ứng cam kết cung cấp vaccine cho EU.

Hết quý I-2021, EU mới chỉ nhận được 67 triệu liều vaccine từ AstraZeneca, dù mục tiêu ban đầu là 300 triệu liều. Dự tính trong quý II, EU sẽ nhận thêm 250 triệu liều. Khoảng 280 triệu liều còn lại sẽ được AstraZeneca giao cho EU trong sáu tháng cuối năm 2021.

Ngoài các tranh cãi pháp lý với EU, uy tín về công dụng vaccine của AstraZeneca cũng bị suy giảm do các thông tin liên quan đến phản ứng phụ. Một số nước châu Âu như Đan Mạch đã ngưng sử dụng vaccine của AstraZeneca, còn tại hầu hết các nước khác trong khu vực, vaccine hãng này chỉ được sử dụng cho người trên 55 tuổi.

Sau khi ngưng hợp đồng với AstraZeneca, EU dự tính sẽ đặt mua nhiều hơn các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA như của Pfizer/BioNTech hay của Moderna. Trên thực tế, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cuối tuần qua cho biết EU đã chính thức hoàn tất hợp đồng mua đến 1,8 tỉ liều vaccine của Pfizer/BioNTech trong hai năm tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm