Hôm 13-9, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ điều khu trục hạm USS Wayne E. Meyer áp sát khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) nhằm thách thức yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh cũng như bảo đảm quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Được biết đây là chiến dịch tuần tra tự do hàng hải thứ sáu ở biển Đông chỉ trong năm 2019 của Hải quân Mỹ. Lực lượng này cũng đã tổ chức tám chiến dịch tương tự vào hai năm 2017 và 2018.
Theo hãng tin AFP, đây rõ ràng là một sự tăng cường đáng kể trong các hoạt động quân sự đối trọng với Trung Quốc, khi Mỹ chỉ thực hiện vỏn vẹn sáu chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trong suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama.
Tàu sân bay USS Carl Vinson tập trận cùng hai tàu tuần tra thuộc Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản hồi tháng 5-2018. Ảnh: AP
Trước đó vào ngày 11-9, lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đồn trú tại Okinawa (Nhật Bản) tuyên bố diễn tập đổ bộ chiếm sân bay và đảo ở khu vực đảo Tori Shima, phía nam thủ đô Tokyo.
Cuộc tập trận được nhiều chuyên gia đánh giá là một hành động thể hiện sự ưu việt quân sự của Mỹ và là một lời khẳng định Washington hoàn toàn đủ khả năng can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực.
"Những cuộc tấn công diễn tập như vậy cho phép các chỉ huy ở mặt trận Ấn Độ - Thái Bình Dương biểu dương sức mạnh và tiến hành các chiến dịch viễn chinh ở những vùng nhiều xung đột" - Trung tá Anthony Cesaro khẳng định.
Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Adam Ni thuộc ĐH Macquarie (Úc), cuộc tập trận cho thấy Thủy quân Lục chiến Mỹ đủ năng lực tiến hành một chiến dịch trên quy mô rộng bao trùm cả biển Đông và biển Hoa Đông.
Hiện Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang tranh chấp đối với một số đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông.
"Cuộc tập trận thể hiện sự áp đảo của Mỹ trước Trung Quốc, dù cách biệt về tiềm lực quốc phòng giữa hai nước đã rút ngắn trong thời gian gần đây. Thông điệp chính là quân đội Mỹ vẫn đủ sức giành lại các thực thể bị Trung Quốc kiểm soát tại biển Đông trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn" - ông Adam Ni cho biết.
Hồi tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã chọn châu Á là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông. Chuyến đi diễn ra chỉ vài tuần sau khi ông Esper tuyên thệ nhậm chức.
Bộ trưởng Esper tuyên bố Mỹ muốn nhanh chóng triển khai các tên lửa mới tại châu Á, có thể trong vòng vài tháng tới, nhằm đối phó sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Phát biểu tại phiên điều trần Thượng viện Mỹ ngày 12-9, Thứ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy khẳng định chương trình tên lửa tầm trung mới mà Mỹ muốn phát triển sẽ “làm thay đổi cục diện khu vực Đông Nam Á”. Theo ông, Mỹ hiện không còn bị ràng buộc bởi Hiệp ước Các lực lượng tên lửa tầm trung (INF) mà nước này ký với Nga từ thời Chiến tranh Lạnh.
“Nếu chúng ta đạt được những mối quan hệ đối tác phù hợp cũng như được đặt căn cứ viễn chinh ở các nước đối tác trong khu vực, chúng ta có thể thay đổi cục diện và về cơ bản đảo ngược chiến thuật chống tiếp cận và chống xâm nhập đang được các đối thủ ngang hàng với chúng ta triển khai” - ông McCarthy nói, ám chỉ Nga và Trung Quốc.
Hồi tháng 8, Lầu Năm Góc cũng chọn khu vực Thái Bình Dương là nơi thử nghiệm tên lửa tầm trung thông thường đầu tiên kể từ khi Mỹ chính thức rút khỏi INF.
AFP đánh giá dù Mỹ tuyên bố rút khỏi INF với cáo buộc Nga là bên vi phạm thỏa thuận trước, song mục đích thật sự là Washington muốn đối phó Trung Quốc - nước không bị ràng buộc bởi INF. Mỹ cho rằng hơn 80% tên lửa của Trung Quốc có tầm bắn 500-5.500 km, loại tên lửa nằm trong danh sách hạn chế của INF.