Trung Quốc vừa giảm mục tiêu tăng trưởng GDP xuống con số thấp nhất trong gần ba thập niên qua. Cùng lúc Mỹ vừa công bố một nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng nước này đang phải chi hàng tỉ USD mỗi tháng cho thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ đất nước ông Tập Cận Bình.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung sẽ giải quyết mọi khác biệt giữa hai bên hoặc sẽ là ngòi nổ cho một cuộc chiến khác, điều này vẫn còn là bí ẩn.
Thách thức không của riêng ai
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phàn nàn về các hoạt động giao dịch của Trung Quốc (TQ) từ trước khi ông nhậm chức vào năm 2016. Sau đó, Mỹ đã mở một cuộc điều tra về các chính sách thương mại của TQ vào năm 2017 và bắt đầu áp thuế đối với các sản phẩm TQ trị giá hàng tỉ USD vào năm ngoái.
Bắc Kinh tương tự trả đũa bằng mức thuế quan cao vào hàng xuất khẩu của Mỹ vào nước này. Cuộc đo găng giữa hai nước gây thiệt hại không nhỏ vào doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai bên.
Theo một điều tra mới nhất của các nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ, thuế quan đối với gần 250 tỉ USD hàng nhập khẩu của TQ đã khiến các công ty Mỹ và người tiêu dùng phải trả thêm 3 tỉ USD mỗi tháng chi phí thuế, và các công ty thiệt hại thêm 1,4 tỉ USD để thay đổi cách kinh doanh thích ứng với thuế quan. Các nhà kinh tế cũng chỉ ra 165 tỉ USD thương mại mỗi năm sẽ được chuyển hướng để tránh bị đánh thuế.
Về phía TQ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hạ mức tăng trưởng GDP mới từ 6,0% đến 6,5% cho năm 2019, mức tăng trưởng thấp nhất trong gần ba thập niên kể từ năm 1990. Lãnh đạo TQ khuyến cáo nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với những thách thức nặng nề và môi trường phức tạp hơn cả trong và ngoài nước, dẫn lời Hãng tin Reuters.
Xuất khẩu của TQ sang Mỹ đã giảm 3,7%, trong khi hàng nhập khẩu từ Mỹ sang TQ giảm 41,1% đầu năm nay, một con số thấp nhất từ năm Tổng thống Trump đắc cử, theo Tổng cục Hải quan TQ. Các bất ổn trong nước như những vụ bê bối y tế công cộng, những cuộc biểu tình của công nhân, sinh viên cũng đang là mối lo ngại hàng đầu của chính quyền ông Tập Cận Bình.
Mỹ - Trung: Ai mong chờ thỏa thuận hơn?
Sau nhiều tháng chiến sự, một sự đột phá từ hai bên đã đến vào tháng 12 năm ngoái. Cả hai nước đồng ý tạm dừng thuế quan thương mại mới trong 90 ngày để đàm phán bắt đầu. Họ đặt thời gian vào tháng 3 để giải quyết mọi khác biệt hoặc một cuộc chiến khác lại bùng nổ.
Tờ Fortune cho biết có những lực lượng cạnh tranh trong chính quyền Trump đang tranh luận về việc sẽ nâng mức thuế trong ngày đầu tiên của thỏa thuận vì việc giữ một số thuế quan sẽ cho phép Mỹ duy trì đòn bẩy. Một số cố vấn cho rằng thuế quan chỉ nên được gỡ bỏ hoàn toàn một khi TQ tuân thủ tất cả các cam kết của mình, có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Tổng thống Trump được tin rằng sẽ quyết tâm đạt được thỏa thuận cuối tháng này để khôi phục thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế, tạo bàn đạp cho con đường tranh cử vào ghế tổng thống năm 2020, CNBC đưa tin. Trong khi đó, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump khẳng định tiến bộ trong các cuộc đàm phán hai tuần qua chỉ để cho chúng ta biết rằng kết quả cuối cùng vẫn là một bí ẩn.
Theo tờ Financial Times, cũng như Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn chấm dứt chiến tranh thương mại này. Một mặt, chính quyền Bắc Kinh khó chấp nhận để bất cứ điều gì ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai phát triển của TQ. Mặt khác, lãnh đạo TQ cũng lo ngại về tác động bất lợi của thuế quan Mỹ đối với tăng trưởng, đầu tư và việc làm, và sẽ do dự để nhân dân phải chịu đựng lâu hơn.
Cơ quan lập pháp TQ vừa thông báo sẽ bỏ phiếu cho đạo luật loại bỏ yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ độc quyền cho TQ. Đó là lời đáp trả cho những lo ngại về sự thiếu tôn trọng của chính quyền Bắc Kinh với tài sản trí tuệ mà Tổng thống Mỹ đã nêu ra khi áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ nước này.
Bên lề cuộc họp quốc hội thường niên, người đứng đầu cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước TQ Guo Shuqing nói với báo chí rằng TQ hoàn toàn có thể đạt được một thỏa thuận với Mỹ về việc mở cửa ngành tài chính ngay cả khi bộ trưởng thương mại của đất nước thừa nhận các cuộc đàm phán với Washington đã gặp khó khăn.
Thỏa thuận nào dành cho Trung-Mỹ?
Theo Bloomberg, Trung Quốc đề nghị giảm thuế đối với nông sản, hóa chất, ô tô và các sản phẩm khác của Mỹ. Nước này sẽ mua 18 tỉ USD khí tự nhiên từ công ty năng lượng Cheniere tại Houston (Mỹ) và hứa sẽ đẩy nhanh tiến trình dỡ bỏ hạn chế sở hữu nước ngoài với các dự án kinh doanh ô tô, giảm mức đánh thuế lên ô tô nhập khẩu, hiện ở mức 15%.
Mỹ hứa sẽ dỡ bỏ thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu trị giá ít nhất 200 tỉ USD của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc không trả đũa hay nhờ đến sự can thiệp của Tổ chức Thương mại Quốc tế. Trung Quốc phải tuân thủ cam kết như bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ, mua thêm hàng hóa Mỹ.
Hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình có thể đàm phán một thỏa thuận thương mại tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 27-3 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-lago ở Florida (Mỹ).
* Hà Minh Thu là nhà báo đang làm việc tại đài truyền hình địa phương ở nước Cộng hòa Moldova, châu Âu.