Tính đến 8 giờ tối 23-2, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận toàn thế giới có 2.468 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên cũ là COVID-19, tên chính thức mới là SARS-CoV-2) gây ra, 78.909 ca nhiễm. Như vậy, so với ngày 22-2, số ca lây nhiễm tăng 98 người.
Tính đến nay có 23 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ TQ đại lục, gồm tám ca ở Iran, sáu ca ở Hàn Quốc, ba ca ở Nhật, hai ca ở đặc khu Hong Kong, hai ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, một ca ở Pháp và một ca ở Philippines.
Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 23.146 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, tăng 2.665 người so với ngày 22-2.
Tuy nhiên, dù đã hơn hai tháng chống dịch, các chuyên gia trên toàn thế giới vẫn còn rất nhiều điều chưa thể giải đáp về sự tồn tại cũng như cơ chế hoạt động của SARS-CoV-2. Những bí ẩn này làm cản trở và kìm hãm tốc độ điều chế thuốc kháng và làm giảm khả năng dập dịch thành công.
Nguồn gốc SARS-CoV-2 từ đâu?
Ban đầu, giới chuyên gia TQ cho rằng virus Corona chủng mới xuất phát từ chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) cuối tháng 12-2019. Đến ngày 22-2, Hoàn Cầu thời báo dẫn lại nghiên cứu cho rằng virus có thể có nguồn gốc ngoài Vũ Hán trong tháng 11-2019.
Hàng loạt thuyết âm mưu và tin đồn nổi lên bao gồm: Mỹ hay TQ chế vũ khí sinh học là virus Corona chủng mới, virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhân viên phòng thí nghiệm bán động vật thử nghiệm ra chợ với giá cao, thậm chí khó tin hơn là virus Corona chủng mới có nguồn gốc ngoài Trái đất.
Trong bức tâm thư minh oan ngày 22-2, Viện Virus học Vũ Hán khẳng định không có chuyện rò rỉ virus do con người tạo ra từ phòng thí nghiệm An toàn sinh học quốc gia Vũ Hán của viện, theo tờ South China Morning Post.
Tuy nhiên, cũng trong bức thư đó, viện xác nhận nhà virus học hàng đầu Shi Zhengli từng có chuyến thám hiểm hang động ở tỉnh Vân Nam và đã phát hiện ra một chủng virus Corona chết người khác, bắt nguồn từ loài dơi, rồi mang về phòng thí nghiệm để nghiên cứu và lưu trữ. Viện không nêu rõ chuyên gia này đem cả con dơi hay chỉ lấy mẫu và đem về như thế nào.
Đáng chú ý là Viện Virus học Vũ Hán trong bức tâm thư cho rằng virus do bà Shi phát hiện giống 96% so với virus Corona chủng mới. Đến nay, hàng loạt nghiên cứu nhấn mạnh virus Corona chủng mới “không do con người tạo ra” và có thể xuất phát từ dơi, tê tê truyền qua con vật khác rồi mới tới con người. Dù vậy, không ai rõ nguồn gốc chính xác của virus chết người này.
Sau nhiều lần trì hoãn, mãi đến ngày 23-2, chính phủ TQ mới đưa nhóm chuyên gia WHO đến tâm dịch Vũ Hán để điều tra tình hình bệnh sau chuyến thăm bốn tỉnh, thành phố khác bao gồm Bắc Kinh trong tuần qua.
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân SARS-CoV-2 ở TP Chuncheon (Hàn Quốc) hôm 22-2. Ảnh: AFP
Virus lây lan qua bao nhiêu đường?
Các chuyên gia TQ ban đầu xác định virus Corona chủng mới chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc bề mặt nên kêu gọi áp dụng biện pháp phòng ngừa như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, dùng khuỷu tay hoặc khăn tay bằng giấy khi ho hoặc hắt hơi.
Đến ngày 22-2, các nhà khoa học TQ lại cảnh báo virus có nguy cơ lây lan qua đường nước tiểu, phân. Tờ Hoàn Cầu thời báo gọi đây là thách thức lớn đối với hệ thống thoát nước ở TQ, nhất là tại những bệnh viện chật cứng bệnh nhân nhiễm bệnh như ở Vũ Hán.
Trước đó còn có thêm thông tin virus SARS-CoV-2 có thể lây qua các vi hạt nhỏ trong không khí (khí dung). Ngay lập tức, truyền thông TQ lên tiếng phủ định đường lây lan này, cho rằng không có bằng chứng và chưa được giới chuyên gia xác nhận.
Đến ngày 20-2, TQ công bố phiên bản thứ sáu của hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cập nhật SARS-CoV-2 lại xác nhận một người có thể bị nhiễm bệnh nếu “tiếp xúc với nồng độ khí dung cao ở môi trường tương đối kín trong một thời gian dài”. Đồng thời, các đường lây truyền chính của virus chủng mới được bổ sung “các giọt bắn của hệ hô hấp” và “tiếp xúc gần”.
Cụ thể thời gian ủ bệnh
Các chuyên gia quốc tế cho rằng trung bình mỗi người nhiễm virus Corona chủng mới sẽ lây nhiễm cho 2-3 người khác. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng tỉ lệ có thể cao hơn do còn có nhiều ca lây nhiễm từ người sang người cả ở TQ đại lục lẫn nước ngoài chưa được phát hiện hoặc bị sốt. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại trước tình hình “số trường hợp nhiễm gia tăng mà không có thông tin dịch tễ rõ ràng, chẳng hạn như lịch sử du lịch đến TQ hoặc tiếp xúc với người bệnh”.
Nguy hiểm nhất là trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng. Trong khi đó, giới chuyên gia TQ và quốc tế công bố kết quả nghiên cứu với thời gian ủ bệnh mâu thuẫn nhau: hai ngày, bảy ngày, 10 ngày, 14 ngày, 24 ngày, thậm chí hơn 30 ngày…
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ngày 23-2 khẳng định SARS-CoV-2 là “đại dịch nguy hiểm và lây lan nhanh nhất” từ khi nước này ra đời đến nay, theo tờ South China Morning Post. |
Tỉ lệ tử vong thực sự là bao nhiêu?
Virus SARS-CoV-2 hoành hành khắp thế giới đến nay làm chết hơn 2.400 người, nhiều hơn so với cúm theo mùa, cao hơn dịch SARS (gần 800 người chết) cũng là một chủng virus Corona. Hiện giới chuyên gia quốc tế lẫn WHO vẫn chưa rõ tỉ lệ tử vong. Một phần là vì chính phủ TQ nhiều lần gây ra sự nhầm lẫn về các con số thống kê do liên tục thay đổi phương pháp xác nhận ca nhiễm, điều này vốn có thể gây cản trở nỗ lực theo dõi sự lây nhiễm.
Trong báo cáo ngày 22-2, WHO ước tính tỉ lệ tử vong vào khoảng 3,07%. Theo nghiên cứu của cơ quan kiểm soát dịch bệnh TQ, tỉ lệ tử vong tăng đáng kể theo tuổi, tiền sử bệnh án và những người trên 80 tuổi có nguy cơ cao nhất với tỉ lệ 14,8%.
Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ ước tính nào về tỉ lệ tử vong toàn cầu giữa lúc dịch SARS-CoV-2 đã lan rộng đến hơn 25 quốc gia, vùng lãnh thổ và các ổ dịch mới bắt đầu bùng phát ở châu Âu, Trung Đông và châu Á. Các chủng virus Corona gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đã được xác định tỉ lệ tử vong lần lượt là 9,5% và 34,5%.
Lo ngại không truy ra được ổ dịch ngoài Trung Quốc Theo tờ The New York Post ngày 22-2, các chuyên gia WHO cho biết việc Trung Quốc mạnh tay đối phó với SARS-CoV-2 ở các khu vực của nước này đã cho thế giới có thêm thời gian chuẩn bị chống virus. Tuy nhiên, các điểm nóng đã xuất hiện khắp toàn cầu khi bệnh nhân đầu tiên của mỗi nước bắt đầu phát tán SARS-CoV-2, tạo thành nhiều ổ dịch mới. TS Amesh Adalja thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cảnh báo một khi những người đã nhiễm bệnh nhưng chưa biểu hiện triệu chứng bắt đầu lây lan, không thiết bị hay phương pháp nào có thể xác định hay phòng ngừa được. |