Thế giới mở cửa, thích ứng với COVID-19 ra sao? - Bài 1

Mở cửa là sống còn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc

Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc nhưng các nước không thể cứ “bế quan tỏa cảng” đợi ngày hết dịch. Tại sao nói mở cửa là sống còn? Hãy cùng điểm lại một số hậu quả vô cùng lớn khi tiếp tục chần chừ trong chuyện mở cửa.

Hậu quả khủng khiếp sau hai năm đại dịch

Những điều dễ thấy nhất là kinh tế tăng trưởng chậm lại, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá cả “trên trời” trong khi thu nhập “chạm đáy”.

Các biện pháp kiểm soát biên giới và hạn chế di chuyển vì đại dịch COVID-19 đã để lại hệ lụy nan giải, đó là chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở tất cả mắt xích: Thiếu nguồn nguyên liệu, sản xuất ngừng trệ, vận chuyển khó khăn, giao hàng nhỏ giọt, thiếu trầm trọng nhân lực bán hàng đến người tiêu dùng, theo kênh CNBC.

Xe container chen chúc tại cảng Los Angeles, bang California (Mỹ)
ngày 13-11-2021. Ảnh: BLOOMBERG

Nếu các nước mở cửa và hỗ trợ việc đi lại, du lịch với các quy tắc đơn giản hóa nhằm cho phép ngành du lịch trở lại hoạt động an toàn, sẽ có cơ hội để cứu lấy việc làm và thúc đẩy sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Chủ tịch Hội đồng Du lịch và lữ hành Thế giới JULIA SIMPSON 

Hậu quả của tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn khi người dân bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch và bắt đầu tăng nhu cầu. Lúc này, các nhà sản xuất và phân phối không thể phục vụ hết nhu cầu của người dân vì nhiều lý do như thiếu nhân công, thiếu nguyên liệu, chi phí vận chuyển hàng hóa cao... Cầu nhiều hơn cung đã khiến giá hàng hóa tăng rất cao.

Theo thông tin từ trang web chính thức của Nhà Trắng, từ tháng 5-2020 đến tháng 5-2021, giá hàng hóa Mỹ được theo dõi theo chỉ số giá sản xuất (PPI - chỉ số phản ánh những thay đổi bình quân trong giá tất cả hàng hóa và dịch vụ của nhà sản xuất) tăng 19%. Đây là mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ năm 1974.

Như vậy, nếu cứ tiếp tục “ngăn sông cấm chợ” thì hậu quả là hàng hóa đến tay người tiêu dùng sẽ mang mức giá “trên trời”.

Trong khi giá cả leo thang thì thu nhập của người dân lại xuống dốc chưa từng thấy. Suy thoái kinh tế do dịch COVID-19 đã khiến nhiều công ty phải cắt giảm nhân công, giảm giờ làm hoặc công nhân tự nghỉ việc do lo ngại nhiễm bệnh, trang Eurostat của Cơ quan thống kê châu Âu cho hay.

Một cuộc khảo sát do công ty thăm dò ý kiến Gallup (Mỹ) thực hiện trên 300.000 người ở 117 nước chỉ ra rằng cứ trong hai người thì một người bị giảm thu nhập do COVID-19. Hậu quả nặng nề hơn ở những nước thu nhập thấp.

Không chỉ ảnh hưởng cuộc sống người dân, các hậu quả từ đại dịch cũng khiến kinh tế chững lại. Đơn cử như Trung Quốc. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 4,9% trong quý III-2021, giảm mạnh so với mức tăng quý I là 18,3% và mức tăng quý II là 7,9%, theo số liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc.

Một trong những du khách quốc tế đầu tiên đến Philippines khi nước này mở cửa vào ngày 10-2-2022. Ảnh: REUTERS

Phải mở cửa, không thể chờ COVID-19 bị xóa sổ

Theo tạp chí khoa học Nature Portfolio, các nước nên có những chính sách sống chung với dịch bởi chắc chắn chưa thể xóa sổ COVID-19 trong tương lai gần.

Theo tạp chí, đa phần ca nhiễm hiện nay là nhiễm biến thể Omicron có đặc tính lây lan nhanh nhưng những bằng chứng ban đầu cho thấy nó gây bệnh nhẹ hơn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã công nhận điều này vào hồi tháng 1.

Mặc dù hằng ngày thế giới vẫn ghi nhận các ca nhiễm nhưng nhìn chung số ca tử vong đã giảm so với trước khi đã có các biện pháp phòng và chữa COVID-19. Theo Nature Portfolio, các loại vaccine hiện tại, đặc biệt là các mũi tăng cường có khả năng bảo vệ cơ thể đáng kể chống các triệu chứng nặng và tử vong.

Bên cạnh vaccine, còn có những loại thuốc trị COVID-19 có thể dùng điều trị sớm để giảm nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong. Đơn cử, trong thời gian qua, một số quốc gia đã cho phép sử dụng các loại thuốc viên trị COVID-19 như thuốc Molnupiravir của Merck hay Paxlovid của hãng dược Pfizer.

Một học sinh Trung Quốc học online, còn mẹ làm việc ở nhà trong đại dịch.
Ảnh: UNICEF

Trước những “chỗ dựa” vững chắc này, trong khoảng cuối tháng 1 đầu tháng 2, hàng loạt quốc gia đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại hoặc nới lỏng hạn chế biên giới, trong đó có những nước từng áp dụng các biện pháp siết biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới để phòng dịch COVID-19, theo CNBC.

Úc thông báo mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm vaccine từ ngày 21-2 sau hai năm đóng cửa biên giới. Như vậy, thời kỳ “pháo đài Úc” chốt chặn mọi ngả vào đất nước phòng COVID-19 đã chấm dứt, Úc bước sang giai đoạn sống chung với đại dịch.

New Zealand cũng từng có chính sách kiểm soát biên giới nghiêm ngặt không kém gì Úc. Tuy nhiên, khác với chính sách mở cửa của Úc, New Zealand đã vạch ra một kế hoạch mở cửa lại theo từng giai đoạn gồm năm bước, theo đó từng đối tượng sẽ được nhập cảnh vào từng thời điểm quy định.

Các nước Đông Nam Á cũng gấp rút nới lỏng hạn chế, mở cửa biên giới phục hồi ngành du lịch, cứu nền kinh tế.

Trong các quốc gia khu vực, Thái Lan là nước tiên phong mở cửa du lịch, chào đón du khách đã tiêm chủng tới TP Phuket từ ngày 1-7-2021. Ngày 1-2, Thái Lan tiếp tục cho phép khách quốc tế đã tiêm chủng từ tất cả các nước nhập cảnh vào hàng loạt địa điểm du lịch của nước này.

Sau gần hai năm “bế quan tỏa cảng”, Philippines đã công bố kế hoạch mở cửa du lịch trở lại vào ngày 10-2 cho du khách đã tiêm vaccine đến từ hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đầu tháng 2, Indonesia chào đón du khách quốc tế đã chủng ngừa COVID-19. Trước đó, hồi tháng 10-2021, đảo Bali đã mở cửa cho du khách từ 19 quốc gia nhưng lượng khách đến đây không nhiều do thiếu các chuyến bay quốc tế và quy định phòng dịch nghiêm ngặt.

Singapore cũng cho biết sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục kiểm dịch nhập cảnh đối với những du khách đã tiêm phòng COVID-19. Từ ngày 22-2, du khách đã tiêm vaccine không cần xét nghiệm PRC mà khi đến nơi chỉ cần xét nghiệm nhanh COVID-19.

Các nước Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã cho phép người dân tự do đi lại trong nội khối với điều kiện có thẻ xanh COVID-19. Từ ngày 1-3, EU tiếp tục nới lỏng các hạn chế biên giới đối với du khách ngoài khu vực, cho phép du khách quốc tế đã tiêm hai mũi vaccine sẽ được nhập cảnh vào khối.

Còn ở Mỹ, theo thông tin từ Nhà Trắng, từ 8-11-2021, Mỹ đã cho phép du khách nước ngoài đã tiêm chủng, có xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận đã khỏi COVID-19 nhập cảnh.

Báo động kiến thức, kỹ năng của trẻ khi học online

Các quy tắc về hạn chế đi lại trong đại dịch đã khiến ngành du lịch chao đảo. Trang The National dẫn số liệu của Hội đồng Du lịch và lữ hành Thế giới (WTTC) cho biết đại dịch đã xóa sổ 62 triệu việc làm trong lĩnh vực này. Riêng ở EU, WTTC ước tính khu vực này mất khoảng 1 tỉ euro mỗi tháng và khiến 13 triệu người mất việc.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), năm nước châu Âu là Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Áo, Tây Ban Nha và Ý phụ thuộc nhiều vào du lịch và đã chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội.

WTTC còn cho biết sự phục hồi du lịch diễn ra chậm do sự thiếu phối hợp quốc tế, các lệnh hạn chế, cách ly phức tạp và tỉ lệ tiêm chủng thấp ở nhiều nơi trên thế giới.

Trường học phải đóng cửa do dịch COVID-19 kéo theo những hệ lụy khôn lường. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của trẻ em do tình trạng lạm dụng sức lao động trẻ em và bạo lực gia đình gia tăng mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của trẻ, theo trang The World Economic Forum.

Lượng lớn trẻ em gặp khó khăn trong việc học trực tuyến. Trẻ thuộc những gia đình có thu nhập thấp không đủ điều kiện mua thiết bị học trực tuyến, hay trẻ lứa tuổi nhỏ gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ.

Ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, tỉ lệ trẻ em sống trong tình trạng học hành thiếu hiệu quả trước đại dịch là khoảng 50% thì sau đại dịch có thể lên tới 70%, do trường học đóng cửa và học trực tuyến. Đây là số liệu trong báo cáo “Hiện trạng khủng hoảng giáo dục toàn cầu: Con đường phục hồi” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp thực hiện.

Kết quả khảo sát của hai bang ở Mexico cho thấy kết quả học tập giảm đáng kể trong môn đọc và toán ở học sinh từ 10 đến 15 tuổi. Chính vì lẽ này mà các nhà khoa học cảnh báo rằng lượng kiến thức, kỹ năng và cả mức thu nhập sau này của thế hệ học sinh thời học trực tuyến sẽ giảm đi nhiều, gây ra những hậu quả về kinh tế - xã hội. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm