Các hoạt động gần đây của Không quân Mỹ ở biển Đông có thể không thu hút sự chú ý như các hoạt động của Hải quân Mỹ ở vùng biển này, tuy nhiên chúng vẫn có một vai trò rất quan trọng trong thương lượng, đối phó với Trung Quốc (TQ), SCMP dẫn lời một số quan chức Không quân Mỹ cho biết.
Theo lời Tướng Charles Brown - Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, các máy bay chiến đấu Mỹ như máy bay ném bom, máy bay do thám U-2, máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk liên tục thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông.
Các chiến dịch này diễn ra thường xuyên, bất kể các trở ngại từ các cơ sở phòng không được lắp đặt trên các đảo, đá nhân tạo mà TQ xây dựng trái phép ở vùng biển này.
“Chúng tôi thực hiện các chuyến bay vào và bay xung quanh biển Đông trong khoảng 15 năm qua và tôi có thể nói với các bạn là chúng tôi vừa thực hiện một số chuyến bay tuần tra trong tuần này” - Tướng Brown nói với báo chí từ Hawaii ngày 6-12, sau hội nghị chuyên đề Các lãnh đạo Không quân Thái Bình Dương năm 2019.
Tướng Charles Brown - Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết các máy bay chiến đấu Mỹ thường xuyên thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông. Ảnh: STAR AND STRIPES
Tướng Brown cho biết các máy bay của Không quân Mỹ được triển khai bay cùng các máy bay chống tàu ngầm P-3/P-8 của Hải quân Mỹ. Và theo Tướng Brown, trong khi các chiến dịch tuần tra của Không quân Mỹ ở biển Đông không được truyền thông chú ý và đưa tin nhiều như các chiến dịch tuần tra của Hải quân Mỹ, phản ứng của TQ lại rất mạnh.
Biển Đông là một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới, là khu vực bị tranh chấp giữa nhiều nước ASEAN và TQ. Những năm qua, TQ đã cải tạo nhiều đảo, đá mà nước này chiếm đóng trái phép ở biển Đông cũng như quân sự hóa biển Đông bằng cách xây dựng trái phép nhiều cơ sở quân sự với nhiều đường băng, cảng trên các đảo, đá này, cũng như triển khai radar và tên lửa phòng không ra đây.
Máy bay do thám U-2 của Không quân Mỹ thường xuyên tuần tra trên vùng trời biển Đông. Ảnh: LOCKHEED MARTIN
Những năm gần đây, Hải quân Mỹ thường xuyên tuần tra gần các cơ sở quân sự mà TQ xây dựng trái phép ở biển Đông, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của TQ mà Mỹ cho là “quá đáng”.
Chính phủ Mỹ xác định TQ là một “đối thủ chiến lược” và ngoài biển Đông hai nước còn đang bất đồng với nhau hàng loạt vấn đề, từ thương mại đến công nghệ. Cuộc thương chiến gay gắt giữa hai nước kéo dài gần hai năm và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Cũng trong ngày 6-12, Tướng David Goldfein - Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, nói nhiệm vụ của quân đội Mỹ là tạo thuận lợi cho các nhà ngoại giao Mỹ trong đàm phán với TQ.
“Công việc của chúng tôi cuối cùng là nhằm trang bị cho các nhà ngoại giao của chúng ta khả năng có thể thương lượng đạt được điều tốt hơn. Chúng tôi cho họ thấy các phương án quân sự đáng tin cậy mà không chỉ chúng ta đang chắc chúng ta có thể thực hiện được mà còn quan trọng là mọi đối thủ tiềm tàng cũng biết chúng ta có thể thực hiện được” - Tướng Goldfein nói.
Tướng David Goldfein - Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, nói nhiệm vụ của quân đội Mỹ là tạo thuận lợi cho các ngoại giao Mỹ trong thương lượng với Trung Quốc. Ảnh: BLOOMBERG
“Công việc của chúng tôi là đảm bảo điều họ cần để có thể thương lượng tốt hơn” - theo Tướng Goldfein.
Tướng Goldfein thừa nhận, vì quá trình thu nhỏ quy mô của Không quân Mỹ vài thập niên qua, Không quân Mỹ đã “giảm đáng kể” lượng phi hành đoàn và máy bay ở châu Âu.
Tuy nhiên, quy mô triển khai ở khu vực Thái Bình Dương vẫn “rất vững vàng”, cho thấy khu vực này là “ưu tiên số một” trong chiến lược quốc phòng của Mỹ.
Hội nghị chuyên đề Các lãnh đạo Không quân Thái Bình Dương ở Hawaii có sự tham gia của các quan chức từ 18 binh chủng Không quân của các nước trong khu vực, trong đó có các nước cùng tranh chấp biển Đông với TQ: Philippines, Malaysia, Việt Nam, Brunei. Trọng tâm của hội nghị là về chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cho nên, ngoài ra hội nghị còn mời các nước khách mời ngoài khu vực Thái Bình Dương như Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal. |