Anh muốn đưa tàu sân bay đến biển Đông, Trung Quốc lên tiếng

Theo tờ The Telegraph, Bộ Quốc phòng Anh đang lên kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Elizabeth đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2021. Đây là chuyến hải trình quốc tế đầu tiên của tàu sân bay này sau khi được chính thức đưa vào biên chế vào năm 2020 và là một phần của nỗ lực bảo đảm tự do hàng hải của Anh trước tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc ở biển Đông. 

Tàu sân bay HMS Elizabeth. Ảnh: CNN

Dự kiến, HMS Elizabeth sẽ có tải trọng đến 65.000 tấn và chở theo nhiều chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới F-35 thuộc biên chế Thủy quân Lục chiến Mỹ. 

Anh từ lâu đã tỏ ý muốn hỗ trợ Mỹ và Úc thực thi bảo đảm quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế. Nước này cũng nhiều lần lên tiếng ủng hộ các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của các nước và phản đối các hành vi hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông.

Đáp trả kế hoạch của London, Tùy viên quân sự của Trung Quốc tại Anh Su Guanghui mới đây đã lên tiếng đe doạ nếu Mỹ và Anh chung tay thách thức hay vi phạm "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc", đó sẽ được xem là "một hành động thù địch”. 

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming chỉ trích việc điều tàu HMS Albion đến biển Đông là một hành động "khoe cơ bắp" và chính phủ Anh nên ngừng "làm công việc dơ bẩn thay cho người khác".

"Chúng tôi không bao giờ muốn độc chiếm hay tăng cường hiện diện ở biển Đông. Đây là một khu vực rộng lớn, chúng tôi không phản đối ai di chuyển qua đây nhưng đừng đi vào lãnh hải của Trung Quốc. Nếu các nước khác không làm thế thì không có vấn đề gì cả. Biển Đông đủ rộng để tàu thuyền tự do di chuyển" - ông Xiaoming khẳng định. 

Phát ngôn viên của Anh sau đó nhấn mạnh sự hiện diện của các lực lượng hải quân quốc tế tại biển Đông là bình thường và Anh không phải ngoại lệ. Nước này có lợi ích lâu dài tại khu vực và sẽ tiếp tục duy trì an ninh khu vực. "Chúng tôi cam kết thực hiện quyền tự do hàng hải và tự do không phận theo luật pháp quốc tế" - phát ngôn viên này cho biết. 

Được biết Bắc Kinh đã từng bày tỏ sự tức giận và cáo buộc London có “hành động khiêu khích” khi tàu đổ bộ HMS Albion thuộc Hải quân Hoàng gia Anh đi qua biển Đông gần khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 2018 (đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép). 

Hôm 29-8, Anh - Pháp - Đức đã cùng đưa ra tuyên bố chung bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ở biển Đông. Với tư cách là thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), ba quốc gia này khẳng định nếu không được giải quyết, tình thế "có thể dẫn tới mất an ninh và ổn định trong khu vực", theo hãng tin Reuters.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia ven biển tại khu vực biển Đông thực hiện những biện pháp giảm căng thẳng và góp phần duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn khu vực, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển trong vùng biển chủ quyền của họ và quyền tự do hàng hải trên biển”, nội dung của tuyên bố nêu rõ. Ba nước này cũng nhấn mạnh các bên có liên quan trong tranh chấp chủ quyền ở khu vực này cần đảm bảo tuân thủ các điều khoản của UNCLOS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm