AstraZeneca lên tiếng bảo vệ vaccine COVID-19 của mình

Trước những lo ngại sau một số trường hợp bị đông máu sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược Anh AstraZeneca phát triển, công ty này đã lên tiếng bảo vệ sản phẩm của mình, đài CNN đưa tin.

Ngày 12-3, AstraZeneca cho rằng “không có bằng chứng về việc tăng nguy cơ đông máu” có liên quan tới việc tiêm ngừa COVID-19 bằng vaccine của hãng dược này.

AstraZeneca còn chỉ ra rằng các dữ liệu của công ty này cho thấy trong những trường hợp đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược này, hơn 10 triệu người không có dấu hiệu nào của chứng tắc mạch phổi hay huyết khối tĩnh mạch sâu. Có nghĩa là, tỉ lệ người tiêm vaccine của AstraZeneca bị các biến chứng này “thấp hơn đáng kể” so với tỉ lệ tương ứng của dân số toàn cầu. 

Một lo vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP

Giới chức y tế tại châu Âu cũng xác nhận chưa tìm thấy mối liên hệ giữa vaccine của AstraZeneca với việc người được tiêm chủng mắc chứng đông máu.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết họ không khuyến cáo các nước trong Liên minh châu Âu (EU) tạm ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca.

“Lợi ích của vaccine tiếp tục vượt trội so với nguy cơ và vaccine có thể tiếp tục được tiêm trong khi việc điều tra nguyên nhân gây ra các triệu chứng thuyên huyết tắc vẫn đang diễn ra” - EMA viết trong bản tuyên bố hôm 11-3.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh (MHRA) cũng ra tuyên bố rằng vaccine của AstraZeneca vẫn an toàn và khuyên người dân tiếp tục tiêm vaccine này.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 12-3 cũng nói rằng không có mối liên hệ giữa việc tiêm vaccine với một số trường hợp tử vong sau tiêm chủng. WHO khuyến cáo rằng không có lý do để ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca.

Trước đó, một số nước EU đã tạm ngừng dùng vaccine của AstraZeneca, coi đây như một biện pháp phòng ngừa rủi ro và chờ đợi kết quả cuối cùng về mối liên hệ giữa việc tiêm chủng và chứng đông máu.

Hôm 7-3, một phụ nữ 49 tuổi ở Áo được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca đã tử vong vì đa huyết khối. Tuy nhiên, EMA nói rằng không có dấu hiệu cho thấy tiêm vaccine là nguyên nhân gây ra trường hợp tử vong này.

Trong khi hầu hết các nước có thái độ khá bình tĩnh, Pháp được coi là phản ứng mạnh mẽ trước những lo ngại liên quan tới vaccine của AstraZeneca.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho rằng cần các cuộc điều tra một cách có hệ thống để tìm hiểu bất kỳ trường hợp nào bị tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhấn mạnh rằng biến chứng đã xuất hiện ở khoảng 30 trường hợp trong tổng số hơn 5 triệu người dân châu Âu đã được tiêm vaccine. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm