Số người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 200.000 người vào tối 18-3 (giờ Việt Nam) trong tình hình đại dịch vẫn lan rộng sang nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc, được biết là tâm dịch ban đầu, theo đài CNBC.
Tính đến sáng 19-3, dữ liệu từ nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết đại dịch đã lan sáng 170 quốc gia, với số người nhiễm là 206.226 người.
Virus này đã giết chết hơn 8.764 người trên khắp thế giới nhưng cũng có đến hơn 82.862 người đã được chữa khỏi bệnh.
Biểu đồ lây nhiễm dịch COVID-19 trên toàn cầu. Đồ họa: CNBC
Virus SARS-CoV-2 được biết đã bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc nhưng chỉ trong vòng vài tuần, dịch bệnh đã lan sang nhiều nước khác trên thế giới. Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng châu Âu đã trở thành tâm dịch mới.
Trung Quốc có số ca nhiễm nhiều nhất với hơn 80.000 ca nhiễm và hơn 3.000 người chết vì virus. Dù vậy, những ngày gần đây tỉ lệ nhiễm và tử vong đã giảm.
Hai tâm dịch xếp sau Trung Quốc là Ý và Iran. Ý đã có hơn 35.000 ca nhiễm và gần 3.000 người chết vì COVID-19, trong khi đó số ca nhiễm tại Iran tính đến sáng 19-3 là hơn 17.000 ca. Truyền thông quốc gia Iran ngày 18-3 cho biết chỉ trong 24 giờ qua, nước này có thêm 147 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2.
Tổng số ca nhiễm tăng gấp đôi trong hai tuần
Theo dữ liệu của WHO, tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới dao động khoảng 100.000 người vào ngày 6-3. Tuy nhiên, chỉ đến ngày 18-3, con số này đã tăng gấp đôi, vượt mốc 200.000 người nhiễm bệnh.
"Trong hai tuần qua, số lượng các trường hợp bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số lượng các quốc gia bị ảnh hưởng đã tăng gấp ba lần. Trong những ngày và tuần tới, chúng tôi e rằng con số người tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ còn gia tăng" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Xịt khử trùng tại một ngôi đền ở Iran. Ảnh: REUTERS
WHO cũng đã lên tiếng chỉ trích phản ứng chậm của một số quốc gia, nên đã không kịp thời thực hiện các biện pháp chủ động ngăn chặn đại dịch lây lan, khiến tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ. Chưa kể, một số quốc gia hiện vẫn đang vật lộn với sự thiếu thốn nhân lực và tài chính, cũng như sự quyết tâm.
Để hạn chế sự lây lan của virus, hiện các chính phủ trên khắp thế giới đang tạm thời đóng cửa trường học, hạn chế các sự kiện cũng như khuyến cáo người dân ở nhà, không nên ra đường để tránh các nguồn lây nhiễm.
Số ca nhiễm ở Ý vượt mốc 35.000 người
Ngày 18-3 (theo giờ Việt Nam), phát biểu sau cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho biết EU sẽ đóng cửa biên giới đối với công dân các nước ngoài khối trong thời hạn 30 ngày để chặn dịch COVID-19, theo hãng tin Reuters.
"EU và các nước thành viên sẽ làm bất kỳ điều gì để ứng phó với các thách thức hiện nay" - ông Michel khẳng định.
Dù vậy, việc đi lại trong nội khối giữa các nước thành viên với nhau tạm thời chưa bị cấm.
Tính đến nay, Ý là nước hứng chịu tổn thất nhân mạng nặng nhất ở châu Âu vì dịch COVID-19, với 2.978 người chết kể từ bệnh dịch bùng phát ở nước này vào ngày 21-2. Số trường hợp dương tính tại nước này hiện đã là 35.713 ca, cao nhất lục địa.
"Chúng tôi không có thời gian. Những con số đang cho thấy đã có sự gia tăng đáng kể về việc lây nhiễm dịch bệnh và số ca tử vong. Chúng ta phải thay đổi thói quen ngay bây giờ. Chúng ta phải từ bỏ mọi thứ vì nước Ý" - Thủ tướng Ý Giuseppe Conte phát biểu.
Các nước châu Âu khác có trên 1.000 ca nhiễm tính tới 18-3 là Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Hà Lan, Na Uy, Áo, Bỉ và Thụy Điển. Tình hình tại Đan Mạch cũng khá căng thẳng khi đã ghi nhận 977 ca nhiễm tới nay.
Trên thế giới, châu Âu, châu Á và Trung Đông là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì virus SARS-Cov-2. Số liệu tại châu Phi còn ít nhưng cũng có biểu hiện lan rộng. Reuters ngày 18-3 cho biết Zambia đã ghi nhận hai ca nhiễm đầu tiên.