Báo The Phnom Penh Post cuối ngày 18-3 cho biết Campuchia đã xác nhận 37 ca nhiễm COVID-19, tăng gấp ba lần so với ngày 15-3.
Các ca nhiễm COVID-19 là từ nước ngoài về
Trong số các ca nhiễm bệnh, phần lớn là công dân nước ngoài hoặc người dân Campuchia đã từng tham dự sự kiện tôn giáo của đạo Hồi tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) cuối tháng 2 vừa qua.
Theo bà Or Vandine - phát ngôn viên Bộ Y tế Campuchia, hiện việc lây lan trong cộng đồng chưa được ghi nhận ở nước này nhưng có nguy cơ xảy ra hiện tượng này.
Phát ngôn viên Bộ Y tế Campuchia, bà Or Vandine. Ảnh: AP
Bà Vandine cũng thông báo rằng chính phủ Campuchia sẽ trả chi phí cho tất cả các xét nghiệm COVID-19.
“Chúng tôi sẽ không tính phí xét nghiệm cho 1.112 bệnh nhân. Chính phủ sẽ chịu hoàn toàn mọi phí tổn” - bà Vandine nói - “Một số người nói rằng những người xét nghiệm dương tính sẽ không bị tính phí, nhưng những người có kết quả âm tính thì bị tính phí. Tôi nhắc lại rõ, không ai bị tính phí cả”.
Bà nhấn mạnh việc xét nghiệm sẽ không thực sự cần thiết nếu một người nào đó không có dấu hiệu bệnh, không đi du lịch đến khu vực có dịch cũng như tiếp xúc với người đã hoặc nghi nhiễm bệnh, theo The Phnom Penh Post.
Du khách trên tàu Westerdam đều âm tính với COVID-19
Gần 800 hành khách từ tàu du lịch Westerdam còn lại ở Campuchia đã cho kết quả âm tính với COVID-19, bà Vandine cho biết.
Bộ Y tế Campuchia nói rằng nhiều hành khách khác vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm bổ sung, nhưng không nói rõ cho biết có bao nhiêu xét nghiệm phải tiến hành.
"781 hành khách, một số người trên tàu và những người khác ở trong một khách sạn ở Phnom Penh đã âm tính với COVID-19 và hiện không gặp phải vấn đề gì liên quan đến sức khỏe" - bà Vandine thông báo ngày 18-3.
Du khách rời tàu Westerdam hồi tháng 2-2020 sau khi cập cảng ở Campuchia. Ảnh: AP
Báo South China Morning Post cho biết 61 hành khách và thủy thủ đoàn của tàu Westerdam vẫn đang được cách ly tại một khách sạn ở tỉnh Kampong Cham, phía đông nam Campuchia.
Một cặp vợ chồng người Mỹ nói rằng khách sạn họ đang cách ly rất bẩn và đầy côn trùng. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia - Emily Zeeberg nói rằng đã được thông báo về công dân Mỹ được cách ly tại khách sạn trên và sẽ tìm cách hỗ trợ họ.
Về vấn đề này, hôm 14-3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong một buổi lễ ở tỉnh Battampang từ chối đề nghị của "nhân viên đại sứ quán nào đó nói rằng phải chuyển chỗ ở cho công dân nước họ tại khu vực cách ly".
"Tôi muốn gửi một thông điệp tới viên chức đại sứ quán đó rằng đây không phải là đất của bạn. Tôi cần ưu tiên sức khỏe của chính người dân của tôi. Tôi mong các bạn hiểu" - tờ The Phnom Penh Post dẫn lời ông Hun Sen.
Lệnh cấm nhập cảnh ảnh hưởng đến du lịch Campuchia
Cuối tuần qua, chính phủ Campuchia ra lệnh cấm nhập cảnh 30 ngày với người đến từ Ý, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ và cấm mọi du thuyền cập bến.
Ông Norinda Khek - Giám đốc truyền thông của các sân bay quốc tế tại Campuchia nói với South China Morning Post rằng lượng khách nước ngoài nhập cảnh du lịch Campuchia (inbound) và người Campuchia đi du lịch nước ngoài (outbound) qua những sân bay này đã giảm đáng kể xuống còn 35,4% trong 17 ngày đầu tháng 3-2020.
Cảnh sát và người dân Campuchia buộc phải đeo khẩu trang giữa bối cảnh bùng phát đại dịch COVID-19 tại nước này. Ảnh: AFP
Còn với Steve Lidgey - Tổng giám đốc của công ty du lịch tại Siem Reap (Campuchia) cho biết lệnh cấm du lịch khiến một số khách hàng của ông rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ông nói rằng những vị khách người Đức của ông không được phép nhập cảnh Campuchia và những người khách khác thì phải sắp xếp lại lịch bay ngay sau khi lệnh cấm có hiệu lực.
Một nhóm công dân Úc cũng có kế hoạch đến Campuchia từ Việt Nam đã được cảnh báo từ công ty ông Lidgey là phải quay về nước bởi lệnh cấm nhập cảnh.
“Chúng tôi đang sắp bước vào mùa thấp điểm, vì vậy chúng tôi đã mất rất nhiều yêu cầu đặt chỗ từ tháng 4 đến tháng 9” - ông Lidgey nói - “Công ty tôi sẽ phải giảm số giờ làm và tiền lương nhân viên. Lệnh cấm phần nào ảnh hưởng đến thị trường du lịch với Tây Ban Nha và Ý - những nơi có người dân đi du lịch nhiều vào mùa hè”.
Trong khi đó, Đại sứ quán Pháp tại thủ đô Phnom Penh đã không trả lời các yêu cầu bình luận khi một vài công dân của họ đang rất lo lắng về tình hình tại Campuchia.
Một tình nguyện viên người Pháp tên Clemence Jounot cho biết cô đã gọi cho Đại sứ quán ở Phnom Penh để tìm kiếm sự giúp đỡ vì thị thực Campuchia đã hết hạn nhưng vẫn phải chờ phản hồi từ đại sứ quán.
Cô Jounot rất lo lắng đến việc chăm sóc sức khỏe ở Campuchia, cho cả bản thân cô và cộng đồng ở tỉnh Kampong Cham mà cô đang làm tình nguyện.
“Tôi không muốn sợ hãi hay hoảng sợ. Tôi chỉ muốn tự bảo vệ mình nhưng mọi thứ thay đổi quá nhanh” - South China Morning Post dẫn tin nhắn từ cô.