Kênh truyền hình châu Âu Euro News ngày 6-4 nói rằng một tia hy vọng mới về tình hình dịch bệnh COVID-19 khi các quốc gia báo cáo số ca nhiễm mới hằng ngày ít hơn và có nước đã xác định thời gian dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Tây Ban Nha vẫn là quốc gia dẫn đầu châu Âu về số ca nhiễm COVID-19.
Với tổng số 136.675 ca nhiễm được ghi nhận đến cuối ngày 6-4, chỉ tăng có 5.029 người so với 24 giờ trước đó (số người nhiễm mới ngày 5-4 là 5.478).
Tây Ban Nha cũng ghi nhận tổng số người tử vong vì COVID-19 là 13.341. Ngày 6-4, số người tử cong mới là 637 ca, thấp hơn số người tử vong mới hôm 5-4 (694 ca) và 4-4 (700 ca).
Các chuyên gia nói rằng số ca nhiễm mới hằng ngày cũng như số ca tử vong mới đã giảm trong ngày thứ tư liên tiếp tại Tây Ban Nha. Điều này được cho là nhờ các biện pháp giãn cách xã hội đã bắt đầu phát huy hiệu quả.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói rằng đường cong về số ca nhiễm bệnh có thể được bẻ cong thêm. Ảnh: AP
Thủ tướng Pedro Sanchez nói rằng việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa hiện chưa phải là phương án được cân nhắc tới. Nhưng theo ông Sanchez, với số ca nhiễm mới và tử vong mới giảm thì Tây Ban Nha có thể “bẻ cong đường cong đà tăng ca nhiễm".
“Chúng ta đang bắt đầu thấy ánh sáng cuối đường hầm” - ông Sanchez nói.
Những đám tang diễn ra trong xe hơi tại Tây Ban Nha. Ảnh: AP
Tây Ban Nha quyết định tổ chức tang lễ cho các nạn nhân tử vong vì COVID-19 ngay trên xe. Các hình ảnh cho thấy những chiếc xe chở thi hài các nạn nhân ghé đến cửa nhà nguyện để được làm phép một cách nhanh chóng rồi sau đó được chôn cất hay hỏa táng.
Đám tang của những nạn nhân COVID-19 vẫn được phép tổ chức trên toàn Tây Ban Nha nhưng nước này quy định không quá ba người tham dự lễ tang.
Quốc gia có số người tử vong cao nhất thế giới là Ý đã chứng kiến số người chết dần giảm cũng như số ca nhiễm COVID-19 mới giảm xuống trong vài tuần qua. Tuy nhiên, số người tử vong ngày 6-4 đã tăng trở lại từ mức thấp nhất trong hơn hai tuần qua.
Hãng tin AFP dẫn thông tin từ Cơ quan bảo vệ dân sự Ý cho biết tổng số người chết vì COVID-19 đến ngày 6-4 là 16.523, tức tăng lên 636 ngày so với một ngày trước đó và cao hơn so với ngày 4-4 (525 ca tử vong mới).
Trong ngày 6-4, tổng số ca nhiễm COVID-19 là 132.547, tăng 3.599 ca nhiễm so với một ngày trước.
Mặc dù số ca nhiễm còn tăng như vậy nhưng các quan chức Ý nói rằng nước này có lẽ qua được đỉnh dịch COVID-19 và nhiều tháng khó khăn vẫn còn ở trước mắt.
Họ còn nói thêm rằng hàng ngàn người sẽ được cứu sống nhờ vào các biện pháp giãn cách xã hội, theo Euro News.
Tại Pháp, số tử vong của nước này hiện ở mức 8.911, tăng 833 ca nhiễm mới so với ngày 5-4. Con số này cho thấy sự tăng trở lại sau vài ngày giảm.
Còn tổng số ca nhiễm tại Pháp (có kết hợp số liệu giữa bệnh viện và viện dưỡng lão) là 98.010 ca, tức tăng 5.171 ca mới trong 24 giờ qua. Như vậy, Pháp có thể sẽ trở thành quốc gia thứ năm có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giớ sau Ý, Tây Ban Nha, Mỹ và Đức.
"Đại dịch đã không ngừng gia tăng. Các số liệu đã chứng minh điều đó" - Bộ trưởng Bộ Y tế Olivier Veran nói với hãng tin AFP.
Nhân viên y tế tham dự cuộc họp giao ban tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Viện Mutualiste Montsouris, Paris. Ảnh: REUTERS
Hiện Chính phủ đã quyết định xét nghiệm hàng loạt tại các viện dưỡng lão - những nơi chiếm khoảng 27% tổng số người chết trên toàn quốc. "Chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực chống dịch bằng cách kêu gọi người dân ở nhà” - ông Veran cho biết thêm.
Trước đó, một số quan chức y tế nói rằng người Pháp dường như ít tuân thủ một cách chặt chẽ các quy định phong tỏa toàn quốc như các nước khác.
Hãng tin AFP nói rằng Đức là quốc gia đáng chú ý nhất bởi có tỉ lệ người tử vong vì COVID-19 ở mức thấp so với các nước châu Âu còn lại.
Theo trang Worldometer, ngày 6-4, Đức ghi nhận tổng cộng 1.810 ca tử vong vì COVID-19, tăng 226 ca tử vong mới so với một ngày trước. Trong khi đó, Đức là quốc gia có số người nhiễm đứng thứ tư thế giới, với 103.375 ca nhiễm, chỉ xếp sau Ý.
Theo AFP, tỉ lệ tử vong thấp ở Đức là do nước này đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 nhiều hơn. Chính vì vậy họ nhanh chóng phát hiện ca nhiễm ở mức cao cũng như đồng thời kiểm soát tỉ lệ tử vong.
Một nhân viên của công ty dệt Zender Germany GmbH - nơi sản xuất khẩu trang hàng loạt cho nước Đức. Ảnh: AFP
Ngoài ra, Euro News cho hay ngày 6-4 Đức ban hành một loạt các biện pháp như bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, hạn chết người tụ tập và nhanh chóng truy tìm chuỗi lây nhiễm.
Một dự thảo kế hoạch hành động do Bộ Nội vụ biên soạn nói rằng các biện pháp này sẽ giữ cho tỉ lệ lây nhiễm trung bình dưới một người. Đức hiện đang phong tỏa đất nước từ ngày 22-3 và cuộc sống có thể trở lại bình thường vào ngày 19-4 tới nếu các biện pháp phong tỏa có hiệu quả.
Với tác động của phong tỏa, quốc gia lớn nhất châu Âu này sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, nên các nhà hoạch định chính sách Đức rất lo lắng khi thấy tiếp tục cuộc sống bình thường.
Tại Anh, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã công bố đã 439 người chết mới vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết của Anh lên 5.373 người.
Trong khi đó, số người nhiễm tại Anh tính đến ngày 6-4 là 51.608 người, tăng 3082 ca so với ngày 5-4.
Sau khi Thủ tướng Boris Johnson nhập viện vào cuối ngày 5-4 vì COVID-19, Ngoại trưởng Raab đã cùng với các quan chức y tế Chính phủ đảm nhiệm công việc cập nhật tình hình dịch bệnh tại trên toàn Vương quốc Anh.
Ông Boris Johnson bày tỏ tinh thần của mình tốt khi đang nhập viện. Ảnh: TWITTER
Về phần mình, cuối ngày 6-4, Thủ tướng Johnson đăng trên Twitter từ bệnh viện nói rằng mình đang trong trạng thái tinh thần tốt.
"Tôi có tinh thần tốt và giữ liên lạc các thành viên trong Chính phủ. Chúng tôi hợp tác để chống lại virus và giữ cho mọi người được an toàn” - ông viết trên Twitter.
Ông Johnson cũng cảm ơn các nhân viên “xuất sắc” của Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh: “Trong thời điểm nước Anh khó khăn này, họ là những người tuyệt vời nhất”.