Diễn biến đại dịch COVID-19 24 giờ qua ở các nước châu Âu có khác nhau, có nước vẫn trên đà xấu nhưng có nước tiếp tục có dấu hiệu chững lại, mang lại hy vọng ngày kiểm soát được dịch ở châu lục này sẽ không còn quá xa.
Ý: Nhiều tín hiệu vui
Tại Ý, số người chết trong ngày 4-4 không ít, tới 681 - vẫn cao hơn rất nhiều nước khác, kênh CNA dẫn thông báo từ Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý.
Tuy nhiên, đây vẫn là con số thấp nếu so với số người chết mỗi ngày ở Ý thời gian qua và Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý - ông Angelo Dorrelli nhìn nhận đây là một tín hiệu tích cực.
“Con số giảm liên tục. Tôi muốn nhắc các bạn nhớ rằng có ngày (27-3) chúng ta mất tới gần 1.000 người” - theo ông Borrelli.
Chính xác là đã có 969 người chết vì COVID-19 ở Ý trong ngày 27-3, một kỷ lục mà Ý giữ cho đến khi Mỹ ghi nhận tới hơn 1.300 người chết trong ngày 3-4.
Tổng cộng số người chết vì COVID-19 tại Ý tính đến lúc này là 15.362.
Phân phát khẩu trang và găng tay tại một khu chợ ở TP Venice, vùng Veneto (Ý) ngày 4-4. Ảnh: REUTERS
Tổng số ca nhiễm ghi nhận tính đến lúc này là 124.632, tăng 4.805 so với một ngày trước - mức tăng hằng ngày có nhỉnh hơn một chút so với mức tăng những ngày gần đây. Tuy nhiên, các quan chức y tế vẫn ghi nhận đây không phải là tín hiệu quá xấu. Tuy nhiên, các quan chức Ý vẫn chuẩn bị sẵn sàng đối phó với ít nhất một tháng phong tỏa nữa để tiếp tục ngăn đà nhiễm.
Ngoài số tử vong - nhiễm khá chững so với thời gian trước, ngày 4-4 là một ngày khá sáng sủa ở Ý khi lần đầu tiên số bệnh nhân phải điều trị tích cực vốn khiến hệ thống y tế nước này quá tải giảm nhiều. Cụ thể, số ca phải điều trị tích cực trong bệnh viện giảm từ 4.068 của ngày 3-4 còn 3.994 trong ngày 4-4.
Cảnh sát tuần tra đường phố thủ đô Rome (Ý) đảm bảo lệnh phong tỏa được thực thi. Ảnh: AFP
Với số liệu này, thậm chí một số quan chức y tế thuộc dạng thận trọng nhất cũng vui mừng trước diễn biến này, xem đây là một tín hiệu có thể giúp níu lại đà tử vong.
Những ngày qua ông Borrelli vẫn cực kỳ thận trọng khi đánh giá các con số, vì không muốn mang lại cho người dân Ý hy vọng quá mức. Tuy nhiên, ngày 4-4 thì ông đã không giấu được sự lạc quan và gọi đây là một “thời khắc lớn” trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Ý.
“Đây là dữ liệu rất quan trọng vì nó lần đầu tiên giảm, vì nó cho phép các bệnh viện bớt quá tải” - theo ông Borrelii.
Hiện Ý có 9.284 giường chăm sóc đặc biệt, con số tăng gần gấp đôi trong một tháng qua, nhờ sự nỗ lực của ngành y tế nước này.
Pháp: Số người nguy kịch giảm
Tại Pháp, số người chết vì COVID-19 trong 24 giờ qua là 441 người, giảm so với số 588 người ngày trước đó, CNA dẫn số liệu từ Bộ Y tế Pháp công bố ngày 4-4. Hiện tổng số người chết ở Pháp ở mức 7.560 (tính cả số liệu ghi nhận ở các bệnh viện lẫn ở các viện dưỡng lão).
Hiện tổng số ca nhiễm ở Pháp là 89.953, tăng 7.788 ca trong ngày 4-4.
Nhân viên y tế tại khu vực một bệnh viện dã chiến được trưng dụng lại từ một tàu lửa cao tốc ở nhà ga TP Strasbourg (Pháp) ngày 3-4. Ảnh: REUTERS
Trong tổng số 28.143 người đang nằm viện thì có 8.838 người nguy kịch phải chăm sóc đặc biệt. Hằng ngày, số ca cần phải chăm sóc đặc biệt ở Pháp cũng giảm dần. Ngày 4-4 Pháp có 502 ca phải chăm sóc đặc biệt, so với 641 ca ngày 3-4 và 729 ca ngày 2-4.
Trong khi đó số người hồi phục xuất viện tăng thêm mỗi ngày. Nhờ đó áp lực với các bệnh viện cũng giảm.
Tây Ban Nha vượt Ý thành nước có dịch nghiêm trọng nhất châu Âu, nhì thế giới
Tại Tây Ban Nha, tỉ lệ tử vong và nhiễm mới mỗi ngày có chậm lại. Số người chết trong ngày 4-4 ở Tây Ban Nha là 809, có giảm so với số 932 của ngày 3-4 và 950 của ngày 2-4, hãng tin Reuters dẫn nguồn Bộ Y tế nước này.
Tính đến hết ngày 4-4 Tây Ban Nha đã có tổng cộng 11.744 người chết vì COVID-19 kể từ đầu dịch. Hiện Tây Ban Nha là nước có số người chết cao thứ hai thế giới, sau Ý (15.362).
Số người nhiễm tăng 7.026 trong ngày 4-4, đưa tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 124.736. Với số liệu này Tây Ban Nha đã bỏ qua Ý (124.632), trở thành nước có số ca nhiễm cao nhất châu Âu và trở thành nước có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới sau Mỹ (311.357).
“Các con số xác nhận xu hướng giảm mà chúng ta đã nhìn thấy vài ngày gần đây” - theo Phó Giám đốc Cơ quan Y tế Khẩn cấp Tây Ban Nha Maria Jose Sierra. Tuy nhiên, bà Sierra vẫn nói có nhiều ca nhiễm nhẹ chưa được đưa vào số liệu thống kê.
Cảnh sát kiểm tra một người trong ô tô trên đường phố Madrid (Tây Ban Nha) ngày 4-4. Ảnh: REUTERS
Phát biểu trên truyền hình ngày 4-4, Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết lệnh phong tỏa đã bắt đầu cho thấy hiệu quả.
“Chúng ta đang ở điểm bắt đầu đà xuống của dịch” - Thủ tướng Sanchez nhận định.
Ông Sanchez cũng nói Tây Ban Nha vẫn sẽ duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia chừng nào công tác chống dịch chưa khả quan. Ông cũng nói sẽ đề nghị Quốc hội kéo dài các biện pháp phong tỏa thêm 15 ngày nữa, đến ngày 26-4.
Tuy nhiên, Thủ tướng Sanchez cũng cho biết một số lệnh cấm về hoạt động kinh tế có thể sẽ được dỡ bỏ sau lễ Phục sinh (12-4). Tuy nhiên các cửa hàng, quán bar, nhà hàng vẫn sẽ đóng cửa.
Thủ tướng Sanchez tiếp tục kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thông qua một gói nợ chung giữa các thành viên dùng chung đồng tiền euro để hỗ trợ các nước khắc phục hậu quả từ dịch. Gói giải cứu này là ý tưởng của Tây Ban Nha và Ý (hai nước có dịch nghiêm trọng nhất châu Âu) nhưng lại không được Đức và một số nước bắc EU đồng ý.
Anh vẫn trên đà xấu, chết tiếp tục kỷ lục
Trong khi một số điểm nóng COVID-19 châu Âu bắt đầu có dấu hiệu chững lại thì diễn biến dịch ở Anh vẫn trên đà xấu.
Ngày 4-4 nước này có tới 708 người chết - một mức kỷ lục mới ở Anh kể từ đầu dịch, đưa tổng số người chết tính đến lúc này lên 4.313 người.
Anh cũng có 3.735 ca nhiễm mới trong ngày 4-4, đưa tổng số ca nhiễm lên 41.903.
Anh thông báo sẽ trả tự do sớm trước thời hạn cho khoảng 4.000 tù nhân phạm các tội ít nghiêm trọng để hạn chế đà lây. Nguy cơ lây lan trong hệ thống nhà tù rất cao khi Anh đã có 88 tù nhân và 15 nhân viên nhà tù nhiễm COVID-19.
Vệ sinh, khử khuẩn một xe cấp cứu sau khi xe chở bệnh nhân tới một bệnh viện ở bắc London (Anh). Ảnh: AFP
Nhà chức trách y tế Anh dự đoán nước này còn cách đỉnh dịch khoảng một tuần hoặc 10 ngày nữa. Nhà nghiên cứu bệnh dịch Neil Ferguson tại Đại học Hoàng gia London - cố vấn chính phủ Anh về y tế nói với đài BBC rằng đỉnh dịch có thể đến vào khoảng trước hoặc sau lễ Phục sinh (12-4).
“Chúng tôi vẫn nghĩ mọi thứ sẽ bằng phẳng lại nhưng chúng ta sẽ vẫn nhìn thấy các mức nhiễm cao nữa trong những tuần tới chứ không phải đà xuống thật nhanh như kiểu đã thấy ở Trung Quốc” - chuyên gia Ferguson nói.
Ông Ferguson cũng nói điều này tùy thuộc vào việc tuân thủ ở trong nhà của người dân. Nếu người dân tuân thủ nghiêm túc thì dịch có thể sẽ nhanh giảm và các biện pháp phong tỏa có thể sẽ được nới lỏng “sớm nhất vào cuối tháng 5”.
Anh đã áp lệnh phong tỏa ba tuần, bắt đầu từ ngày 23-3, chưa rõ có được kéo dài thêm hay không. Đang có lo ngại là dự báo thời tiết ấm lên cuối tuần này có thể sẽ khiến người dân bỏ qua lệnh phong tỏa mà kéo ra khỏi ra đến các nơi vui chơi.
“Tôi đề nghị các bạn đừng làm thế. Làm ơn, làm ơn tuân thủ hướng dẫn lúc này” - Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi dân ngày 3-4. Ông Johnson vẫn đang phải cách ly vì nhiễm COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, cũng đang phải cách ly vì nhiễm COVID-19, cảnh báo việc thả lỏng, không tuân thủ giãn cách xã hội lúc này sẽ càng nguy hiểm hơn.
Dự kiến tối nay (5-4 theo giờ Anh), nữ hoàng Elizabeth II sẽ có bài phát biểu hiếm hoi trước toàn dân và nội dung là về dịch COVID-19.