COVID-19 Đông Nam Á: Ca nhiễm Malaysia vượt 1.500 người

Nhân viên y tế ở Indonesia được thưởng nhờ chống dịch COVID-19

Thủ đô Jakarta của Indonesia đã đóng cửa các rạp chiếu phim và các hoạt động giải trí công cộng khác vào ngày 23-3, khi nơi này vừa ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài hai tuần để cố gắng làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19 tại thành phố lớn nhất Đông Nam Á, theo kênh Channel News Asia.

Người phát ngôn của lực lượng cảnh sát quốc gia Muhammad Iqbal cho biết 465.000 cảnh sát trên khắp Indonesia sẽ giải tán bất kỳ cuộc tụ họp công cộng nào.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến thăm Làng vận động viên Kemayoran, nơi đang dựng tạm bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Jakarta. Ảnh: REUTERS


Tổng thống Joko Widodo hôm thứ Hai đã gửi lời chia buồn sau khi một hiệp hội y tế cho biết sáu bác sĩ và y tá đã tử vong sau khi nhiễm loại virus này.

"Tôi muốn cảm ơn họ vì đã làm việc chăm chỉ, vì sự cống hiến của họ trong việc đối phó với đại dịch COVID-19" - Tổng thống Widodo nói trong buổi khai trương một bệnh viện dã chiến ở Làng vận động viên, nơi từng được xây dựng để phục vụ cho Đại hội thể thao châu Á 2018 ở thủ đô Jakarta.

Ông Widodo còn cho biết các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ nhận được tiền thưởng từ 5 triệu rupiah đến 15 triệu rupiah (tương đương 300-900 USD) mỗi tháng ở các khu vực đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Ngoài Jakarta, khu vực Đông Java cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Indonesia đã xác nhận 514 trường hợp nhiễm virus và 48 trường hợp tử vong, chủ yếu tập trung ở Jakarta.

Cho đến nay, tổng thống vẫn chưa đồng ý áp lệnh phong tỏa trên toàn cả nước do lo ngại điều này sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp và người nghèo. Nhiều người dân ở Indonesia sinh sống bằng việc buôn bán trên đường phố.

Singapore mở cửa trường học trở lại

Singapore ngày 23-3 đã xác nhận 54 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 509 trường hợp.

Trong các ca nhiễm mới có 48 trường hợp là ca nhiễm trùng nhập khẩu có lịch sử du lịch đến châu Âu, Bắc Mỹ và các nước ASEAN.

Hai phụ nữ mang khẩu trang đi ngang qua khu vực Rain Vortex tại sân bay Jewel Changi ở Singapore. Ảnh: AP

Trong ngày nay đã có tám bệnh nhân nữa hồi phục và được xuất viện, nâng tổng số ca hồi phục lên 152 trường hợp.

Trong 355 trường hợp nhiễm bệnh đang điều trị, hầu hết sức khỏe ổn định hoặc có cải thiện. Duy chỉ có 15 người đang trong tình trạng nguy kịch và đang được chăm sóc đặc biệt. Singapore hiện ghi nhận hai ca tử vong.

Các trường học ở Singapore đã mở cửa trở lại vào ngày 23-3, đi kèm với các biện pháp phòng ngừa bổ sung để bảo vệ học sinh, giáo viên và nhân viên khác tại trường học.

Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung hôm 22-3 nói rằng trường học vẫn là nơi an toàn cho trẻ em và việc đóng cửa các trường học sẽ phá vỡ nhịp sinh hoạt, đặc biệt là các bậc phụ huynh phải vừa làm việc vừa chăm sóc con cái.

Trong các biện pháp phòng ngừa được thực hiện bao gồm việc kiểm tra lịch sử du lịch tại cổng trường, học sinh không khỏe sẽ được cách ly hoặc cho nghỉ học...

Ngày 22-3, các nhà chức trách cho biết họ sẽ không cho phép bất kỳ du khách ngắn hạn nào quá cảnh hoặc vào Singapore. Đây là động thái nhằm cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus và ưu tiên cho công dân Singapore đang trở về từ các quốc gia khác. 

Hạn chế này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào 11 giờ 59 tối nay (23-3, giờ địa phương).

Số ca nhiễm ở Malaysia vượt 1.500 người

Malaysia hôm 23-3 đã báo cáo 212 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia lên 1.518. Số người chết cũng tăng lên 14 ca.

Trong các trường hợp nhiễm mới, có 123 ca liên quan với thánh lễ nhà thờ Hồi giáo Sri Petaling. Hiện số ca nhiễm có liên quan đến sự kiện tôn giáo này là 970 ca, chiếm 62% trong tổng số các trường hợp nhiễm trên cả nước.

Sự kiện diễn ra từ ngày 27-2 đến 1-3, có sự tham gia của 16.000 người. Sự kiện này cũng đã dẫn đến nhiều ca nhiễm COVID-19 ở các nước láng giềng bao gồm Brunei, Singapore và Campuchia.

Tổng cộng có 1.345 bệnh nhân hiện đang được điều trị trong khi 159 trường hợp đã hồi phục đã được xuất viện.

Thái Lan đóng cửa nhiều trung tâm thương mại Bangkok

Thái Lan có 122 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong ngày 23-3, nâng tổng số ca nhiễm lên 721, một phát ngôn viên của bộ y tế cho biết tại một cuộc họp báo.

Ông Taweesin Wisanuyothin, phát ngôn viên của Bộ Y tế, cho biết các trường hợp mới bao gồm 20 bệnh nhân liên quan đến các trường hợp trước đó, 10 trường hợp nhập khẩu mới và 92 trường hợp có kết quả dương tính và đang chờ điều tra về nguyên nhân mắc bệnh.

Nhiều phụ nữ Thái Lan xịt khử trùng cho một cầu bộ hành ở Bangkok. Ảnh: AFP

Thái Lan đã ghi nhận một trường hợp tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát trong khi 52 bệnh nhân đã hồi phục và được về nhà. Hiện vẫn còn 668 ca nhiễm đang được điều trị tại bệnh viện.

Các trung tâm thương mại ở Bangkok, ngoại trừ các siêu thị, sẽ đóng cửa trong 22 ngày, bắt đầu từ 22-3 đến 12-4 để ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19, Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang cho biết trong một tuyên bố vào ngày 21-3.

Các sàn đấu quyền Anh, thẩm mỹ viện và cung điện đều đã ra thông báo đóng cửa. Nếu bất cứ ai hoặc cơ sở nào vi phạm sẽ phải đối mặt với án tù một năm hoặc phạt tiền lên tới 100.000 baht ( tương đương 3.029 USD).

Philippines có thêm 8 ca tử vong trong một ngày

COVID-19 Đông Nam Á: Ca nhiễm Malaysia vượt 1.500 người ảnh 4
Một binh sĩ kiểm tra nhiệt độ cơ thể của một nhân viên y tế trước khi lên xe đưa đón miễn phí sau khi mọi phương tiện giao thông ngừng hoạt động. Ảnh: REUTERS

 Bộ Y tế Philippines hôm 23-3 đã xác nhận tám trường hợp tử vong mới do dịch COVID-19 và 16 ca nhiễm mới. Tính đến nay, tổng số ca tử vong tại quốc gia này đã là 33 và 396 ca nhiễm bệnh COVID-19.

Những nước ASEAN có ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và chưa có ca tử vong gồm Việt Nam (123 ca), Campuchia (86) và Brunei (91). Hai nước ASEAN còn lại chưa xác nhận có ca nhiễm nào là Lào và Myanmar. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm