COVID-19: Kinh hoàng người chết ở Brazil cao thứ hai thế giới

Số ca nhiễm và số ca tử vong vì COVID-19 ở Brazil liên tục xấu nghiêm trọng, và tính đến ngày 12-6 (giờ địa phương) thì các con số này đã cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, theo đài Channel News Asia.

Cụ thể, số ca nhiễm COVID-19 ở Brazil hiện đã lên đến 829.902. Và trong vòng 24 giờ Bộ Y tế Brazil ghi nhận thêm 909 trường hợp tử vong, đưa tổng số người chết ở quốc gia này lên 41.901, vượt qua số người chết của Anh và trở thành nước có số ca tử vong cao thứ hai thế giới.

Các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm thực tế ở quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh có thể cao hơn nhiều lần so với con số được ghi nhận.

Hố chôn tập thể những người chết vì COVID-19 tại một nghĩa trang ở Brazil. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trước đây đã xem thường virus chết người này và cho rằng nó chỉ là "bệnh cúm vặt". Ông cùng từng mâu thuẫn với các quan chức y tế, thậm chí là sa thải hai bộ trưởng y tế chỉ trong vòng một tháng sau khi hai ông này ngăn cản tổng thống mở cửa lại nền kinh tế.

Dịch bệnh ở Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu khả quan

Tại Mỹ, tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Tính đến sáng ngày 13-6 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận thêm 27.221 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 2.116.922. Số ca tử vong cũng tăng thêm 791 lên 116.825. Trong tuần qua, hơn 10 tiểu bang ở Mỹ bao gồm hai bang đông dân là Texas và Florida đã báo cáo số ca nhiễm tăng kỷ lục.

"Điều quan trọng là chúng ta phải nhớ là đại dịch vẫn chưa kết thúc" - ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo tại một cuộc họp báo hôm 12-6.

Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều quan chức địa phương vẫn quyết tâm mở cửa lại nền kinh tế, trong bối cảnh dịch bệnh và việc phong tỏa đã khiến cho 44,2 triệu người Mỹ thất nghiệp kể từ giữa tháng ba đến nay.

Chính phủ các nước đối mặt với các vụ kiện vì COVID-19

Ý là một trong những quốc gia bị dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề. Ngày 12-6, Ý ghi nhận thêm 163 ca nhiễm mới và 56 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong của quốc gia này lần lượt lên 236.305 và 34.223.

Mặc dù đến nay tình hình dịch bệnh ở Ý đã có dấu hiệu chậm lại nhưng chính phủ nước này bắt đầu phải đối mặt với vấn đề pháp lý trong việc xử lý dịch bệnh ở quốc gia này.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte. Ảnh: AFP

50 thân nhân của các nạn nhân COVID-19 ở TP Bergamo, thuộc vùng Lombardy - nơi bị dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tại Ý đã đệ đơn khiếu nại lên tòa án, cho rằng thủ tướng đã chậm trễ trong việc ứng phó với đại dịch và để dẫn đến cái chết của người thân họ.

Ngày 12-6, các công tố viên của Viện Công tố Bergamo đã có mặt tại Phủ Thủ tướng để chất vấn Thủ tướng Conte và các bộ trưởng về cách thức họ ứng phó với đại dịch COVID-19.

"Tất cả các cuộc điều tra đều được chào đón. Công dân có quyền được biết và chúng tôi phải trả lời" - ông Conte cho biết.

Tại Anh, các hãng hàng không British Airways, EasyJet và Ryanair đã khởi động quy trình pháp lý nhằm vào chính phủ Anh về quy định cách ly 14 ngày đối với hành khách nhập cảnh vào nước này. Các công ty này cho rằng yêu cầu cách ly hiện hành có “thiếu sót”, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch và rộng hơn là cả nền kinh tế, khiến hàng nghìn người mất việc làm.

Châu Âu mở cửa lại nền kinh tế

Bắt đầu từ ngày 15-6, một số quốc gia châu Âu đang chuẩn bị mở lại biên giới trên cơ sở hạn chế sau khi Ủy ban EU kêu gọi nới lỏng các hạn chế.

Pháp cho biết họ sẽ dần mở lại biên giới với các quốc gia không thuộc khối Schengen kể từ ngày 1-7.

Hy Lạp cho biết họ sẽ mở cửa đón khách du lịch trở lại, ngoại trừ du khách đến từ Anh. Các du khách từ Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 khi đến đây.

Mặc dù tình hình dịch bệnh trên thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng virus vẫn còn tồn tại.

"Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Hầu hết mọi người đều có thể nhiễm bệnh và mối lo ngại rằng dịch bệnh sẽ lại bùng phát là có thật" - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cảnh báo hôm 11-6.

Tại Trung Quốc, ngày 12-6 nước này cho biết sẽ trì hoãn mở lại các trường tiểu học khi thủ đô Bắc Kinh phát hiện thêm ba ca nhiễm mới sau hai tháng không ghi nhận thêm ca nhiễm nào.

Thời gian qua, Trung Quốc gần như kiểm soát tốt dịch bệnh khi nước này chỉ ghi nhận các ca nhiễm mới là ca nhập khẩu. Những người này là công dân từ nước ngoài trở về và đã được phát hiện bệnh tại khu cách ly.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm