Ngày 18-3, Ý đã có thêm 475 trường hợp tử vong vì nhiễm COVID-19, tăng 19% so với số liệu trước đó và nâng tổng số người chết vì dịch bệnh này lên 2.978 người, báo The Local (Ý) đưa tin.
Ngày 18-3 là ngày có nhiều người dân ở Ý chết vì COVID-19 nhất kể từ khi dịch bệnh lây lan vào nước này. Số liệu cao nhất trước đó là 368 người chết trong một ngày được báo cáo hôm 15-3.
Cũng trong ngày 18-3, số ca nhiễm mới là 4.207 trường hợp và số người bình phục hoàn toàn là 1.084 trường hợp. Như vậy, Ý đã phát hiện tổng cộng 35.713 trường hợp nhiễm COVID-19 và có 4.025 người đã được chữa khỏi.
Một sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ kiểm soát việc thực hiện lệnh phong tỏa ở Ý. Ảnh: GETTY IMAGES
Chính quyền Ý cũng cảnh báo họ có thể siết chặt hơn nữa các quy định về cách ly phòng dịch, trong khi biểu hiện quá tải trong hệ thống y tế nước này đang dần nghiêm trọng.
Tăng cường biện pháp phong tỏa
Giới chức Ý cho biết trong tuần qua, họ đã phạt khoảng 47.000 trường hợp vi phạm các quy định phòng dịch khi đi ra ngoài "không có lý do phù hợp". Do đó, chính quyền đang cân nhắc cấm tất cả hoạt động ngoài trời, bao gồm cả tập thể dục.
Khi áp dụng lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước hôm 10-3, Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết cần ít nhất 10 ngày để các biện pháp này cho kết quả khả quan.
"Điều quan trọng là không được bỏ cuộc. Chúng ta phải duy trì các biện pháp này để thấy được hiệu quả của chúng và trên hết, để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất" - Giám đốc Viện Y tế quốc gia Ý, ông Silvio Brusaferro, nói.
Theo lệnh phong tỏa đang được áp dụng, việc tạm dừng hoạt động kinh doanh và cấm tụ tập đông người sẽ có hiệu lực tới ngày 25-3, trong khi lệnh đóng cửa trường học và các biện pháp khác sẽ kéo dài tới ngày 3-4.
Tuy nhiên, trong ngày 18-3, một bộ trưởng Ý đề cập với phóng viên The Local về khả năng các trường học sẽ tiếp tục bị đóng cửa trong tháng 4 tới.
Nhiều nhân viên y tế nhiễm bệnh
Theo hãng tin Al Jazeera, số nhân viên y tế bị lây nhiễm COVID-19 là một vấn đề lớn với Ý. Có ít nhất 2.629 nhân viên y tế đã nhiễm bệnh, chiếm 8% tổng số ca bệnh.
"Các số liệu về sự lây nhiễm ở các bác sĩ, y tá và chuyên gia y đa khoa chỉ bắt đầu được công bố vào hôm 11-3. Hàng trăm ca nhiễm mới ở những đối tượng này được báo cáo hằng ngày. Tuy nhiên, đội ngũ y tế ở tuyến đầu phải là đối tượng được bảo vệ trước tiên" - Giám đốc Nhóm Y học thực chứng Ý (GIMBE) - ông Nino Cartabellotta nói.
Ông Cartabellotta lo ngại số nhân viên y tế nhiễm bệnh sẽ tiếp tục tăng lên vì họ có thể không được xét nghiệm và các biện pháp bảo hộ ở bệnh viện là không đủ.
Các nhân viên y tế ở Ý đang chịu nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ngày càng tăng. Ảnh: REUTERS
Việc thiếu hụt các trang thiết bị và đội ngũ nhân viên y tế đang là những vấn đề làm trầm trọng thêm dịch bệnh tại Ý.
"Càng nhiều nhân viên y tế bị lây nhiễm, khả năng phản ứng của hệ thống y tế càng yếu" - ông Cartabellotta nhấn mạnh.
"Vấn đề bây giờ là cung cấp các thiết bị bảo hộ. Chính phủ đáng ra nên suy nghĩ đến việc này từ trước" bởi vì "các quốc gia sản xuất khẩu trang và các trang bị bảo hộ khác bây giờ đang giữ cho riêng mình và ngừng việc xuất khẩu" - ông Cartabellotta nói.
Ý không tự sản xuất khẩu trang trong khi các quốc gia láng giềng tỏ ra miễn cưỡng khi hỗ trợ mặt hằng này cho Rome vì bản thân các nước này cũng phải đối phó với dịch bệnh.
Vùng Lombardy chiếm 2/3 số ca tử vong
Theo The Local, hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong được phát hiện ở vùng Lombardy. Số người chết vì COVID-19 ở vùng này là 1.959 trường hợp, chiếm 2/3 tổng số người tử vong vì dịch bệnh ở Ý.
Ngày 18-3, Thống đốc vùng Lombardy - ông Attilio Fontana lo ngại các cơ sở y tế sẽ "nhanh chóng" không còn đủ khả năng để giúp đỡ cho những ca nhiễm bệnh mới vì số người nhiễm mới "đang không hề giảm và tiếp tục ở mức cao".
Đồng thời, ông cũng kêu gọi người dân "hãy ở trong nhà: nếu bạn không hiểu điều này thì chúng tôi sẽ buộc phải mạnh tay hơn".
Tiếp sau Lombardy, hai khu vực liền kề là Emilia-Romagna (458 người chết) và Piedmont (154 người chết) cũng là những địa phương có tình hình dịch phức tạp.
Thủ đô Rome đã phát hiện 724 ca nhiễm bệnh và 32 bệnh nhân đã tử vong.
Theo báo South China Morning Post, Ý đang là ổ dịch lớn thứ hai thế giới với số ca tử vong tương đương 91% số liệu báo cáo ở Trung Quốc. Tổng số ca bệnh trên toàn cầu là 206.229 người, có 8.764 bệnh nhân đã tử vong và 82.862 bệnh nhân đã được chữa khỏi.