Vài ngày trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên Twitter rằng Hải quân Mỹ có quyền “bắn và phá hủy” các tàu Iran nếu các tàu này quấy rối hoạt động của các tàu Mỹ ở vịnh Ba Tư.
Không phải nói suông
Theo đài Fox News, Tướng John Hyten - Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ David Norquist ủng hộ phát ngôn cảnh cáo Iran của Tổng thống Trump trên Twitter.
Hai quan chức này đồng ý rằng các chỉ huy Hải quân Mỹ hiện tại hoàn toàn có quyền ra tay và phá hủy tàu và vũ khí Iran nếu cần thiết.
“Mọi chỉ huy được triển khai ở khu vực đều có thể thực hiện điều này” - Fox News dẫn lời tướng Hyten nói trong một đoạn ghi âm hội thoại của Bộ Quốc phòng Mỹ.
“Mọi tàu của chúng tôi có quyền tự vệ và mọi người cần phải rất cẩn thận trong tương tác để hiểu quyền tự vệ vốn có này” - theo Thứ trưởng Quốc phòng Norquist.
Theo hai ông, lời đe dọa của ông Trump nhằm cảnh cáo Iran đừng lợi dụng khủng hoảng COVID-19 hiện tại để gây rắc rối cho Mỹ và quân đội Mỹ vẫn “sẵn sàng chiến tranh” nếu cần thiết.
Theo Fox News, Bộ Quốc phòng Mỹ nhiều năm nay vẫn theo dõi các động thái đe dọa của Iran ở vịnh Ba Tư và cáo buộc Iran nhiều lần dùng các thuyền nhỏ quấy rối, thậm chí đặt cả mìn ở các vùng biển gần biên giới để đe dọa tàu nước khác và tàu thương mại.
Các hành động quấy rối và đe dọa của Iran hiện đã lên mức chưa có tiền lệ, theo Mỹ. Mới nhất, giữa tháng 4, quân đội Mỹ cho biết 11 xuồng máy của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tiếp cận nguy hiểm và quấy rối các tàu chiến của Mỹ đang tập trận ở phía bắc vịnh Ba Tư. Phía Mỹ gọi hành động này là "nguy hiểm và mang tính khiêu khích".
Hình ảnh xuồng máy cao tốc của Iran (trái) áp sát các tàu hải quân Mỹ ở vịnh Ba Tư gần vùng biển Kuwait ngày 15-4. Ảnh: US NAVY
Hiện Mỹ đặc biệt lo ngại ở tuyến eo biển Hormuz nối vịnh Ba Tư với vịnh Oman. Eo biển Hormuz là tuyến đường biển quan trọng với các tàu quốc tế, trong đó có một lượng lớn tàu dầu và các tàu thương mại khác.
So sánh hỏa lực Mỹ và Iran ở vịnh Ba Tư
Theo tạp chí về khoa học và công nghệ Popular Mechanics (Mỹ), lực lượng hải quân của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran phụ trách bảo vệ bờ biển Iran dọc vịnh Ba Tư. Lực lượng này có hàng ngàn xuồng máy tốc độ cao. Các xuồng máy này thường được 2-3 vệ binh cách mạnh điều khiển và được trang bị súng máy cỡ nòng 50 mm, súng phóng lựu, bệ phóng rocket. Vệ binh điều khiển các xuồng máy này được huấn luyện đi thành đoàn tiếp cận, áp đảo các tàu lớn hơn.
Đội xuồng máy tốc độ cao của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Ảnh: NAVAL NEWS
Các tàu Mỹ thì lớn hơn và có hỏa lực mạnh hơn nhiều. Tàu khu trục USS Paul Hamilton được trang bị một súng bắn nhanh trên boong cỡ nòng 127mm, một súng trên boong cỡ 25 mm, bốn súng máy hạng nặng 50 Cal, một súng đa nòng Gatling 20 mm.
Hai tàu tuần tra USS Firebolt và USS Siroco lớp Island đều có tải trọng 288 tấn, là các tàu chiến nổi nhỏ nhất trong Hải quân Mỹ. Mỗi tàu được trang bị hai súng 25 mm, hai súng máy hạng nặng 50 Cal và hai súng phóng lựu Mk19.
Tàu tuần tra USS Firebolt của Hải quân Mỹ. Ảnh: MILITARY FACTORY
Tàu viễn chinh USS Lewis B. Puller được trang bị 12 súng máy hạng nặng 50 Cal, bốn trực thăng vận tải CH-53 và đặc biệt hai trực thăng tấn công AH-64E.
Tàu Mỹ sẽ “bắn phá” tàu Iran thế nào, nếu xung đột xảy ra?
Từ phát ngôn của ông Trump và các quan chức, tướng lĩnh Mỹ mà Fox News đưa bên trên có thể thấy cứng rắn với Iran rõ ràng là một chủ trương nghiêm túc từ phía Mỹ. Vậy nếu tình huống xung đột xảy ra thì các tàu Hải quân Mỹ sẽ thực hiện chuyện “bắn, phá” tàu Iran như thế nào?
Máy bay trên boong tàu viễn chinh USS Lewis B. Puller. Ảnh: AFP
Theo Fox News, có rất nhiều thứ các chỉ huy Hải quân Mỹ có thể làm trong tình huống này. Các chỉ huy có thể nhanh chóng triển khai các tên lửa đánh chặn, máy bay tấn công không người lái, súng gắn trên boong tàu, các loại vũ khí chiến tranh điện tử và thậm chí cả laser để bắn và phá hủy tàu Iran một khi tàu Iran có hành động gây hấn hay tấn công tàu Mỹ.
Xuồng máy của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Ảnh: AFP
Súng gắn trên boong thường được dùng như một vũ khí phòng thủ chống lại các tàu thuyền nhỏ trong trường hợp hạn chế dùng ngư lôi. Các tàu khu trục và tuần dương của Hải quân Mỹ hiện đang được trang bị súng trên boong cỡ nòng 127 mm. Theo Fox News, một khi có sự cố với tàu Iran, loại vũ khí này có thể sẽ được phía Mỹ sử dụng đầu tiên vì chúng có thể nã đạn bao phủ một vùng với tầm bắn tới 12 km.
Bên cạnh loại súng này, các tàu chiến nổi của Hải quân Mỹ như tàu đổ bộ, tàu sân bay, tàu chiến đấu duyên hải (LCS) đều được trang bị nhiều loại súng trên boong và các vũ khí đánh chặn - như súng máy đường kính 50 mm và súng đường kính 57 mm (chuyên trang bị cho tàu LCS để bắn phá các tàu nhỏ).
Ba tàu Iran (phải) áp sát các tàu Hải quân Mỹ (trái) ở vịnh Ba Tư. Ảnh: US NAVY
Bên cạnh đó, các tàu chiến nổi của Hải quân Mỹ có trang bị một loại vũ khí đánh chặn được gọi là hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) – một loại pháo đa nòng được thiết kế để có thể bắn hàng trăm viên đạn trong vài giây hay tới 4.500 viên trong một phút.
Loại vũ khí này ban đầu được thiết kế đối phó với máy bay không người lái, tên lửa và trực thăng đánh chặn. Tuy nhiên, những năm gần đây đã được nâng cấp lên thành biến thể 1B đặc biệt trang bị cho chiến tranh chống tàu. Điều này có nghĩa vũ khí CIWS hoàn toàn có khả năng phá hủy một số lượng lớn các tàu tấn công nhỏ di chuyển trên mặt nước và ở tầm gần.
Vũ khí CIWS được kết nối với hệ thống radar, các công nghệ kiểm soát hỏa lực trên tàu và có thể được kích hoạt nhanh chóng trong trường hợp bị tấn công.
CIWS thường được xem là loại vũ khí được dùng đến sau cùng trong hệ thống phòng thủ nhiều lớp của tàu Hải quân Mỹ.
Ba tàu Iran (trái) áp sát các tàu Hải quân Mỹ (phải) ở vịnh Ba Tư. Ảnh: US NAVY
Ngoài ra, các tàu Mỹ còn được trang bị một số lượng lớn tên lửa đánh chặn tầm xa như tên lửa phòng thủ đạn đạo cũng như tấn công tầm gần SM-3, tên lửa phòng thủ SM-9, tên lửa đất đối không RIM-116.
Thêm nữa, nhiều tàu Hải quân Mỹ còn được trang bị với biến thể nâng cấp của tên lửa RIM-162 Evolved SeaSparrow Missile được thiết kế để bảo vệ tàu khỏi sự tấn công của tên lửa và máy bay. Tên lửa này được trang bị hệ thống dẫn đường, tìm kiếm tiên tiến và có khả năng đánh chặn các tên lửa hành trình chống tàu tầm thấp.
Hai trong số những loại vũ khí bảo vệ tàu mới được trang bị gần đây là hệ thống chiến tranh điện tử mới (EW) và các hệ thống laser quang học có khả năng phát hiện các cuộc tấn công từ xa.
Hệ thống EW có thể can thiệp các thiết bị cảm ứng điện tử và hệ thống dẫn đường của những vũ khí tấn công, từ đó vô hiệu hóa khả năng các vũ khí này.
Hệ thống EW và hệ thống laser có lợi thế hoạt động trong các vùng biển có tàu thương mại và tàu dân sự giao thông dày, vì không gây nhiều hậu quả ra bên ngoài như các loại vũ khí khác.
Theo Popular Mechanics, nếu bắn nhau xảy ra thì các tàu nhỏ của Iran sẽ chỉ chịu nổi trong khoảng thời gian ngắn ngủi bằng “một đoạn quảng cáo trên truyền hình”. Nhưng may một điều là các tàu Iran xuất hiện xung quanh tàu Mỹ không phải để đánh nhau, mà chỉ để nhắc Mỹ về sự hiện diện của mình.
Ngày 23-4, đáp trả đe dọa từ Tổng thống Mỹ, Thiếu tướng Hossein Salami - Chỉ huy Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cảnh báo nước này sẽ phá hủy các tàu Hải quân Mỹ nếu các tàu Mỹ đe dọa tàu quân sự hoặc phi quân sự của Iran ở vịnh Ba Tư.
"Tôi muốn nói với người Mỹ rằng chúng tôi hoàn toàn quyết tâm và nghiêm túc trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, biên giới trên biển, sự an toàn hàng hải và lực lượng an ninh của chúng tôi và chúng tôi sẽ phản ứng quyết đoán với bất kỳ sự phá hoại nào. Chúng tôi ra lệnh cho các đơn vị hải quân phá hủy lực lượng và tàu thuyền của Mỹ ở vịnh Ba Tư nếu họ đe dọa an toàn của các tàu quân sự và phi quân sự của chúng tôi" - báo South China Morning Post dẫn lời tướng Salami. Theo lời tướng Salami, "an ninh ở khu vực vịnh Ba Tư là một phần trong các ưu tiên chiến lược của Iran". |