Các nhà lãnh đạo G-20 đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh hai ngày mà không có cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong hai năm liên tiếp hoạt động và thể hiện sự chia rẽ về vấn đề biến đổi khí hậu, tờ The Manichi tổng kết.
Hội nghị G-20 đã kết thúc. Ảnh: Reuters.
Hội nghị diễn ra vào thời điểm mà sự leo thang về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo G-20 đã thừa nhận rằng đây là một trong những rủi ro chính và tuyên bố sẽ sử dụng "tất cả các công cụ chính sách" để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và toàn diện.
"Căng thẳng thương mại và địa chính trị đã gia tăng", các nhà lãnh đạo G-20 cho biết trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp tại Osaka, Nhật Bản.
Tuyên bố này sẽ được xem xét kỹ lưỡng sau khi cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ của các nhà lãnh đạo G-20 cũng bị hủy bỏ tại hội nghị thượng đỉnh trước đó ở Buenos Aires.
Không sử dụng từ “bảo hộ” trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G-20 đã nói: "Chúng tôi cố gắng xây dựng một môi trường đầu tư và thương mại tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể dự đoán và ổn định, và thực hiện mở cửa thị trường."
Thương mại và đầu tư quốc tế là "động lực quan trọng cho tăng trưởng, năng suất, đổi mới, tạo việc làm và phát triển", tuyên bố nói.
Chủ trì hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi các nhà lãnh đạo khác gửi một thông điệp mạnh mẽ, đặc biệt là về thương mại tự do và duy trì một hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc.
Về thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris 2015 mà Mỹ đã quyết định rút khỏi, các thành viên còn lại của thỏa thuận cam kết sẽ nỗ lực thực hiện đầy đủ thỏa thuận này.
Mỹ cũng đã nhắc lại lập trường của mình về việc rút khỏi thỏa thuận này và nói rằng thỏa thuận "gây bất lợi cho công nhân và người nộp thuế ở Mỹ".
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tăng áp lực lên các nhà đồng cấp G-20 của họ. Trước hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ông sẽ không đồng ý với một tuyên bố chung không đề cập đến thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris 2015 và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng kêu gọi đưa ra một "tuyên bố mạnh mẽ".
Mặc dù thiếu sự thống nhất về thỏa thuận biến đổi khí hậu, các thành viên G-20 đã đồng ý chấm dứt việc xả chất thải nhựa vào các đại dương trước năm 2050 và gọi mục tiêu này là Tầm nhìn Đại dương Osaka.
Làm cho tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu của G-20. Do đó, ông Abe nhấn mạnh sự cần thiết phải phân phối lợi ích kinh tế mang lại bởi đổi mới công nghệ, cùng với toàn cầu hóa rộng hơn, và giải quyết những lo ngại gia tăng rằng chúng có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng.
Bên cạnh đó, vào ngày 29-6, các nhà lãnh đạo G-20 đã đồng ý với một bộ nguyên tắc đầu tư cho cơ sở hạ tầng "chất lượng cao" để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhật Bản tuyên bố các nguyên tắc mới để phát triển cơ sở hạ tầng nên bao gồm các yếu tố như công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và tính bền vững của nợ.
Nhu cầu về cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi và các chuyên gia cho rằng việc đảm bảo kinh phí thông qua sự tham gia nhiều hơn của tư nhân cũng là một thách thức chính.