Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc Mỹ tăng cường lực lượng quân sự ở Ba Lan sẽ làm trầm trọng thêm tình hình gần biên giới Nga, khẳng định Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không còn đáng tin tưởng.
Tuyên bố được Bộ Ngoại giao Nga đăng hôm 17-8, cho rằng NATO đang “nỗ lực bóp méo sự thật” khi tuyên bố việc Mỹ mở rộng lực lượng ở Ba Lan là không có vấn đề gì đáng kể và quan trọng.
“Chúng tôi muốn chỉ ra một lần nữa rằng việc gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Ba Lan không giải quyết được vấn đề an ninh nào cả, mà ngược lại còn làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn ở biên giới phía Tây của Nga, tạo điều kiện cho căng thẳng leo thang và tăng nguy cơ xảy ra các sự cố không đáng có” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.
Theo bà Zakharova, “quá trình thực hiện thỏa thuận giữa Mỹ và Ba Lan sẽ giúp tăng cường khả năng tấn công của lực lượng Mỹ”.
Tuy nhiên, thỏa thuận này không làm Nga ngạc nhiên, vì đây là những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã thống nhất với nhau vào năm 2019, bà Zakharova giải thích.
Quốc kỳ Mỹ (phải) xếp cạnh cờ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ảnh: REUTERS
“Những cuộc hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây đang ngày càng hướng đến việc chống lại nước Nga, tạo ranh giới chia rẽ và làm trầm trọng thêm căng thẳng ở châu Âu, đồng thời từ bỏ mục tiêu hình thành một không gian hợp tác và tin cậy chung trên toàn khu vực” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói.
“Điều này hoàn toàn khiến NATO mất uy tín khi các quan chức tổ chức này tuyên bố rằng NATO được thành lập để bảo đảm an ninh và giảm thiểu căng thẳng ở châu Âu. Trong khi đó, những lời đề nghị cụ thể của Nga về cách giảm căng thẳng trong khu vực vẫn chưa được giải đáp” - bà Zakharova chỉ trích.
Theo đài RT, chính phủ Nga kêu gọi các quốc gia thành viên NATO từ bỏ lập trường đối đầu với quốc gia này.
Trước đó Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng tại thủ đô Warsaw hôm 15-8.
Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự tại Ba Lan và binh sĩ Mỹ sẽ được cấp thẻ thường trú.