Nga nối ống dẫn khí đốt với Trung Quốc, thiết chặt mối quan hệ

Theo đài CNN, với tên gọi là “Sức mạnh của Siberia và được điều hành bởi công ty dầu khí Gazprom của Nga, đường ống dẫn nối dài hơn 8.100 km qua hai quốc gia sẽ cung cấp cho Trung Quốc hàng năm một lượng khoảng 38 tỉ m3 khí đốt tự nhiên từ năm 2024.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng theo dõi trực tiếp đoạn video khánh thành đường ống dẫn, trước khi dành cho nhau lời chúc mừng trong thời khắc lịch sử này.

“Hành động này đã đưa mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung về lĩnh vực năng lượng lên một tầm cao mới", ông Putin nói trong một tuyên bố với hãng tin TASS.

TASS cho biết khí đốt đã bắt đầu được vận chuyển qua đường ống, tuy nhiên chỉ mới bắt đầu với một lượng nhỏ và sẽ tăng lên trong những năm tiếp theo.

Alexei Miller, người đứng đầu tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom của Nga, xuất hiện trong video phát trực tiếp, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia lễ khánh thành đường ống dẫn khí "Sức mạnh của Siberia" ở Sochi vào ngày 2-12. Ảnh: CNN

Giám đốc điều hành Công ty Gazprom Alexei Miller tuyên bố với cả hai nhà lãnh đạo việc chính thức mở đường ống dẫn khí thông qua đoạn video được phát trực tiếp. "Khí đốt đang được vận chuyển sang hệ thống dẫn khí của Trung Quốc", ông Miller nói.

Thỏa thuận hỗ trợ nguồn khí đốt tự nhiên suốt 30 năm liền của Nga cho Trung Quốc đã được ký kết bởi Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin vào năm 2014. Dù chưa công bố con số chính thức nhưng giá trị của hợp đồng này được dự đoán có giá trị hơn 400 tỉ USD.

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow ngày càng trở nên gần gũi hơn dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin. Cả hai đều có những động thái rõ ràng để tăng cường mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai quốc gia.

Theo các nhà phân tích của Công ty năng lượng S&P Global Platts, tổng lượng khí truyền qua đường ống sẽ chiếm gần 10% toàn bộ nguồn cung cấp khí đốt của Trung Quốc cho tới năm 2022 và sẽ giúp củng cố an ninh năng lượng của Bắc Kinh.

Công nhân làm việc tại công trường xây dựng đường ống khí đốt tự nhiên Trung Quốc-Nga ngày 20-9-2017 tại Trung Quốc. Ảnh: CNN

Trung Quốc đã cố gắng giảm thiểu các hoạt động sử dụng than đá, hướng tới các nguồn năng lượng thay thế suốt nhiều năm qua, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng và sự gia tăng đáng lo ngại về lượng khí thải carbon ở quốc gia này.

Nhiều hãng truyền thông của Trung Quốc đã tuyên bố rằng quốc gia của họ hiện đã có quyền truy cập vào nguồn "năng lượng sạch" với số lượng lớn hơn nguồn than đá trước đây. Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, khí đốt tự nhiên dự kiến sẽ cung cấp 15% nguồn năng lượng cho Trung Quốc tới năm 2030.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm