Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Trung Quốc hủy mẫu virus gây COVID-19

Trong cuộc họp báo ngày 22-4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng cáo buộc Trung Quốc cố ý hủy các mẫu virus SARS-CoV-2 nhằm che đậy thông tin về dịch COVID-19, báo Financial Times đưa tin.

Ông Pompeo chỉ trích Trung Quốc dù có báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về "một căn bệnh lạ" nhưng lại không chia sẻ hết những thông tin mà họ có.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc hủy mẫu virus gây COVID-19. Ảnh: AFP

Phân tích báo cáo phía Trung Quốc đã gửi cho WHO hôm 31-12-2019, ông Pompeo cho rằng thời điểm dịch bắt đầu xuất hiện Trung Quốc chỉ đưa ra ghi nhận về các trường hợp viêm phổi, không nói rõ mức độ nguy hiểm của nó. Đặc biệt, việc virus có thể lây từ người sang người không được báo cáo trong suốt một tháng trời, cho đến khi dịch lan ra nhiều nơi ở Vũ Hán. Điều này đã gây cản trở việc theo dõi sự tiến triển của căn bệnh, dẫn đến dịch bùng phát khó kiểm soát về sau.

“Họ đã kiểm soát những người cố gắng phát đi cảnh báo với thế giới để ngăn chặn việc thử nghiệm mẫu virus, đồng thời hủy các mẫu phẩm cũ” - ông Pompeo nói.

Trung Quốc xác nhận không chia sẻ mẫu virus

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh thêm rằng đến nay Trung Quốc vẫn chưa từng chia sẻ các mẫu virus SARS-CoV-2 cho bất kỳ tổ chức nào bên ngoài Trung Quốc. Việc này cũng khiến các nhà nghiên cứu khó khăn hơn khi tìm hiểu về bệnh.

Nhân viên nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP 

Các phát ngôn của ông Pompeo càng làm nặng thêm chuỗi chỉ trích của Mỹ nhắm vào Trung Quốc suốt nhiều ngày qua. Tuy nhiên, giới phê bình lại cho rằng có thể chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang muốn đánh lạc hướng dư luận, tránh cho nước Mỹ bị ấn tượng xấu vì đang là ổ dịch lớn nhất thế giới.

Về phía Trung Quốc, một nhà nghiên cứu giấu tên làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán xác nhận nước này không chia sẻ các mẫu virus sống với WHO. Lý do là họ đã báo cáo rất nhiều thông tin cụ thể về virus này, ngay cả bộ mã gen của nó.

Bày tỏ sự nghi ngờ về chất lượng các phòng nghiên cứu ở Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho rằng thế giới cần được tiếp cận nhiều hơn, thực tế hơn với các phòng nghiên cứu này. 

Mỹ tiếp tục đòi vào điều tra Viện Virus học Vũ Hán

Theo kênh truyền hình CNA, ngày 22-4, Ngoại trưởng Pompeo tiếp tục yêu cầu Trung Quốc phải cho phép các thanh sát viên tiếp cận các phòng thí nghiệm trong Viện Virus học Vũ Hán để điều tra, bởi không loại trừ khả năng virus đã bị phát tán từ chính địa điểm này.

“Chúng ta phải nhớ rằng các phòng thí nghiệm này đang hoạt động ở Trung Quốc, nghiên cứu cả những mầm bệnh phức tạp khác. Không chỉ là Viện Virus học Vũ Hán mà còn nhiều nơi khác nữa” - ông Pompeo cảnh báo.

Một nhân viên làm công việc xét nghiệm mẫu phẩm để phát hiện virus SARS-CoV-2 tại phòng thí nghiệm Vũ Hán. Ảnh: XINHUA

Cuộc đấu khẩu về virus gây ra đại dịch COVID-19 giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài nhiều tuần và chưa có hồi kết.

Trong khi Mỹ liên tục “tố” Trung Quốc che giấu thông tin dịch bệnh, thậm chí đặt nghi ngờ virus này đã được cố tình tạo ra thì Trung Quốc cũng buộc tội quân đội của Mỹ đã đem virus này vào Trung Quốc.

Trước đó, khi WHO đánh giá cao sự minh bạch và kịp thời cung cấp thông tin về dịch bệnh của Trung Quốc thì Tổng thống Trump ngay lập tức phản bác điều này. Ông cho rằng các thông tin của Trung Quốc không đúng sự thật, không đầy đủ và khó có thể tin. 

Động thái phản ứng rõ nét nhất là ông Trump đã quyết định cắt toàn bộ khoản tài trợ hàng trăm triệu USD mỗi năm của Mỹ cho WHO.

Tuy nguồn gốc đại dịch vẫn còn là một dấu hỏi nhưng sức tàn phá của nó thì đã quá rõ ràng. Tính đến nay, virus SARS-CoV-2 đã tấn công hơn 2,6 triệu người trên toàn thế giới và khiến hơn 180.000 người chết. Đây có thể nói là cơn khủng hoảng y tế toàn cầu trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Tuy cắt giảm khoản tài trợ cho WHO song Mỹ vẫn không ngừng tăng cường các gói viện trợ quốc tế khác. Theo Ngoại trưởng Pompeo, hôm 22-4 Mỹ đã chi thêm 275 triệu USD để hỗ trợ các quốc gia đang chiến đấu với COVID-19.

Như vậy, tổng số tiền mà Mỹ đóng góp trực tiếp cho các nước chống dịch đến nay đã lên đến 775 triệu USD bao gồm hỗ trợ các trang thiết bị như bộ xét nghiệm, máy thở….  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm