Ngày 12-3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã công bố kế hoạch phong tỏa thủ đô Manila nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 vào thành phố 12 triệu dân này, trang tin Channel News Asia cho biết.
Trong tuyên bố được phát trong cả nước qua sóng truyền hình, ông Duterte nói: "Đây là lệnh phong tỏa. Đây chỉ là vấn đề bảo vệ và giữ cho người dân được an toàn trước dịch COVID-19".
Lệnh phong tỏa bao gồm lệnh cấm ra vào Manila, đóng cửa trường học trong một tháng, cấm tụ tập đông người và cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ các nước có dịch.
Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte (giữa) tuyên bố sẽ áp đặt lệnh phong tỏa thủ đô Manila. Ảnh: RAPPLER
Hiện chưa rõ khi nào tất cả biện pháp sẽ được áp dụng. Tổng thống Philippines mới chỉ cho biết lệnh cấm đi lại bằng đường biển, đường hàng không và đường bộ ra và vào thủ đô Manila sẽ có hiệu lực từ ngày 15-3.
Lệnh phong tỏa đã vấp phải một số chỉ trích. Những người phản đối lo ngại việc cấm đi lại sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu lao động từ bên ngoài hằng ngày phải vào trong thủ đô để làm việc.
"Điều này chỉ đem đến cái chết và đau khổ cho hàng triệu người Philipines nghèo khổ và phải vật lộn vì bị ngăn cản hoạt động mưu sinh của mình", công đoàn Migrante International ở Manila chỉ trích trong một tuyên bố trên trang web của mình.
Biện pháp quyết liệt trên được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
Trong tuần này, số ca nhiễm bệnh ở Philippines đã tăng từ 24 (ngày 9-3) lên 52 ca (hết ngày 12-3) và có thêm bốn trường hợp tử vong, nâng số ca tử vong ở nước này lên năm người.
Nhiều trong số các ca bệnh là những người có thể đã bị lây nhiễm bên ngoài Philippines, nhất là từ các ổ dịch của thế giới như Ý và Trung Quốc, theo Channel News Asia.
Bản thân ông Duterte, năm nay đã 74 tuổi, cũng thuộc nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nặng. Một trợ lý thân cận cho biết ông Duterte sẽ tự mình xét nghiệm COVID-19 sau khi ba bộ trưởng và hai thượng nghị sĩ nước này cho biết họ đã tiếp xúc với những người nhiễm COVID-19.
Ngày 12-3 ông Duterte cũng đề cập đến khả năng nhờ sự giúp đỡ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng "hy vọng mọi chuyện không đến mức độ" phải đề nghị Bắc Kinh giúp đỡ.
Tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia ở tây và nam châu Âu có số ca nhiễm tăng nhanh, nhất là ở Ý - ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.
Toàn thế giới đã phát hiện hơn 131.600 ca nhiễm COVID-19, có 4.940 người đã tử vong và hơn 68.500 bệnh nhân đã được chữa khỏi, theo báo South China Morning Post.