Mỹ đang cân nhắc cấm các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc, trong đó có TikTok, đài CNN dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm 6-7.
Mỹ đang xem xét cấm nhiều mạng xã hội Trung Quốc
Ông Pompeo đã nêu lên đề xuất này trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Laura Ingraham của đài Fox News. Ông cũng nhấn mạnh rằng vấn đề này đang được xem xét rất nghiêm túc.
Ông Pompeo nói rằng Mỹ đang cân nhắc cấm các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc, trong đó có cả TikTok. Ảnh: AP
Trong cuộc phỏng vấn, bà Ingraham đã hỏi ông Pompeo rằng liệu Mỹ có xem xét việc cấm các ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc, bao gồm cả TikTok đang được sử dụng rất phổ biến ở Mỹ hiện nay hay không.
"Liên quan đến những ứng dụng của Trung Quốc trên điện thoại của mọi người, tôi có thể đảm bảo với cô rằng Mỹ sẽ xử lý ổn thỏa mọi chuyện. Tôi không muốn đi trước tổng thống nhưng vấn đề này đang được chúng tôi xem xét"- ông Pompeo trả lời bà Laura Ingraham.
Ông Pompeo cũng nói thêm rằng nếu mọi người muốn bị mất thông tin cá nhân thì cứ việc tải các ứng dụng của Trung Quốc.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng do vấn đề COVID-19, luật an ninh Hong Kong và cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm nay.
TikTok khẳng định không tiết lộ thông tin người dùng
Đại diện TikTok đã lên tiếng khẳng định chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu công ty này quyền truy cập bất cứ dữ liệu của người dùng nào và ngay cả khi được yêu cầu, họ cũng sẽ không làm điều đó.
"TikTok hiện được lãnh đạo bởi một CEO người Mỹ với hàng trăm nhân viên và nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt đảm bảo an toàn, an ninh và chính sách công tại Mỹ. Chúng tôi ưu tiên đẩy mạnh việc giúp người dùng trải nghiệm ứng dụng an toàn và bảo mật. Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc và chúng tôi cũng sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu" - phát ngôn viên của TikTok tuyên bố sau những bình luận của ông Pompeo."
CEO TikTok hiện nay là một người Mỹ. Ảnh: REUTERS
TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội được ra mắt năm 2016 và thuộc sở hữu của hãng công nghệ ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh. Ứng dụng này cho phép người dùng tạo ra các clip ngắn, thường là có hiệu ứng và nhạc nền hấp dẫn, mang tính giải trí cao.
Đây là ứng dụng mạng xã hội video phổ biến ở Mỹ và các nước phương Tây khác. Nó cũng trở thành ứng dụng mạng xã hội đầu tiên của Trung Quốc đạt được sức hút đáng kể với người dùng bên ngoài Trung Quốc.
Chỉ trong ba tháng đầu năm nay, TikTok đã được tải xuống 315 triệu lần. Đến nay, ứng dụng này đã có khoảng hơn một tỉ lượt tải trên toàn thế giới.
TikTok trước đây đã nhiều lần bị các chính trị gia Mỹ cáo buộc là mối đe dọa an ninh quốc gia. Đáp lại, TikTok nói rằng họ hoạt động tách biệt với ByteDance và các trung tâm dữ liệu của họ nằm hoàn toàn bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Họ cũng nói rằng việc lo ngại TikTok làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia các nước là "không có cơ sở".
Tuần trước, chính phủ Ấn Độ cho biết họ sẽ cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có TikTok vì cho rằng nó gây ra "mối đe dọa đối với chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ" của nước này. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã leo thang sau một cuộc đụng độ dọc biên giới hai nước.
Mới đây, TikTok cũng đã có động thái bất ngờ khi tuyên bố sẽ ngừng cung cấp ứng dụng của mình tại thị trường Hong Kong sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia dành cho đặc khu hành chính Hong Kong.