Ngày 25-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện cam kết chính trị và khả năng lãnh đạo để chống lại dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng ở nước này, đài CNA đưa tin.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS
TGĐ WHO: Ông Trump đã hành động nghiêm túc
Ông Tedros ngợi khen khả năng lãnh đạo chính trị của Tổng thống Trump và cho biết "đó chính xác là những gì ông ấy đang làm, điều mà chúng tôi đề cao".
"Bởi vì việc chống lại đại dịch này cần có các cam kết chính trị và các cam kết ở mức độ cao nhất có thể" - ông Tedros nói tiếp.
"Nhưng không chỉ cách tiếp cận toàn chính quyền, nhiều điều khác như việc mở rộng xét nghiệm và các khuyến cáo bổ sung mà chúng ta đang áp dụng cũng đóng vai trò quan trọng và ông ấy đã hành động nghiêm túc" - Tổng Giám đốc WHO nói.
Ngày 25-3, Thống đốc bang New York cho biết tình hình dịch COVID-19 tại bang này đang có dấu hiệu chậm lại sau khi chính quyền áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới TP New Orleans (bang Louisiana) và nhiều nơi khác của nước Mỹ.
Trước đó, WHO hôm 24-3 đã cảnh báo Mỹ có thể trở thành tâm dịch mới của thế giới.
WHO khen Ấn Độ và Nhật
Ngày 25-3, WHO cho rằng các quốc gia đang áp dụng lệnh phong tỏa cần đặt ưu tiên cho việc truy tìm các ca nhiễm và làm mọi việc trong khả năng để ngăn chặn và kiểm soát dịch COVID-10.
Ông Tedros cũng đề cập đến các quyết định khó khăn như Ấn Độ phong tỏa cả nước trong suốt 21 ngày hay hoãn tổ chức Olympic vì tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường.
Về việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố phong tỏa đất nước trong 21 ngày, ông Tedros cho rằng "Ấn Độ có khả năng và đã hành động thật tốt".
"Thật tốt và thật quan trọng khi Ấn Độ đã có các biện pháp sớm. Điều này sẽ giúp các bạn ngăn chặn và kiểm soát dịch sớm nhất có thể trước khi nó trở nên nghiêm trọng" - ông Tedros nói tiếp.
Ông Tedros cũng nhắc đến việc Nhật và Ủy ban Olympic Quốc tế hoãn tổ chức Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020.
Ông gọi tuyên bố của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe là "quyết định khó khăn nhưng khôn ngoan" để bảo vệ sức khỏe cho cả các vận động viên và người hâm mộ thể thao.
Cánh cửa cơ hội lần thứ hai đang ở phía trước
Tuy nhiên, WHO cho rằng một số quốc gia đang lãng phí thời cơ để phân bổ các nguồn lực để chống lại đại dịch này.
"Chúng tôi đã nói với thế giới rằng cánh cửa cơ hội đang hẹp lại và thời điểm để chúng ta hành động thực sự phải là cách đây hơn một tháng" - ông Tedros nói.
"Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng vẫn còn cơ hội. Tôi nghĩ chúng ta đã lãng phí cánh cửa cơ hội đầu tiên. Đây là cơ hội thứ hai mà chúng ta không nên phung phí và cần làm mọi cách để ngăn chặn và kiểm soát loại virus này" - ông Tedros nói tiếp.
Các quan chức WHO cũng nhắc lại cảnh báo về sự thiếu hụt trầm trọng các trang thiết bị như khẩu trang, găng tay, kính che mặt và quần áo bảo hộ để bảo vệ các nhân viên y tế.
Tổ chức này đã kêu gọi các lãnh đạo G20 đạt được thống nhất trong việc tăng cường sản xuất và hỗ trợ tài chính cho các nước chống dịch. Dự kiến cuộc họp G20 sẽ được tổ chức trực tuyến vào ngày 26-3.
Tính đến trưa 26-3 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã có hơn 445.750 ca nhiễm COVID-19, gần 20.500 ca tử vong và ít nhất 105.705 bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện, theo báo South China Morning Post.
Tây Ban Nha đã vượt qua Trung Quốc về số ca tử vong. Trong khi đó, số ca nhiễm ở Mỹ đang đứng thứ ba thế giới nhưng số ca tử vong ở Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu như Ý, Tây Ban Nha và Pháp.