Tuy nhiên, các chính phủ châu Âu sẽ cần phải cân bằng giữa việc ủng hộ người biểu tình và nguy cơ bị trả đũa về mặt ngoại giao từ phía Bắc Kinh, theo các nhà quan sát.
Các nhà ngoại giao châu Âu tại Bắc Kinh cho biết các quan chức châu Âu đã theo dõi các cuộc biểu tình chặt chẽ trong mùa hè và chính quyền sẽ chịu áp lực từ công chúng yêu cầu bảo vệ các cuộc biểu tình ôn hòa.
“Chúng tôi đang dành nhiều thời gian hơn để theo dõi những gì đang xảy ra ở Hong Kong” - một nhà ngoại giao châu Âu nói. “Tôi mong sẽ có một nghị sĩ nào đó đưa vấn đề này ra bàn luận khi nghị viện trở lại phiên họp”.
Đầu tháng này, chính trị gia đối lập người Đan Mạch Rasmus Nordqvist đã kêu gọi Bộ Ngoại giao Đan Mạch làm rõ có hay không việc chính phủ sẽ ủng hộ người biểu tình Hong Kong trong việc yêu cầu chính thức rút dự luật dẫn độ hiện đang tạm hoãn và cả một cuộc điều tra độc lập về cáo buộc bạo lực của cảnh sát.
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod cho biết ông kêu gọi chính quyền Hong Kong nỗ lực làm việc với người dân, tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp.
Ông Kofod cũng lặp đi lặp lại sự ủng hộ của Đan Mạch đối với lời kêu gọi vào hai tuần trước của Liên minh châu Âu về việc hai bên nên chấm dứt bạo lực.
Andreas Bøje Forsby, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu châu Á của Bắc Âu tại Copenhagen, cho biết các thành viên phe đối lập của Quốc hội Đan Mạch sẵn sàng chỉ trích Trung Quốc, “đặc biệt là những người không cần phải chịu trách nhiệm thuộc chính phủ sau này”.
"Trong khi những tiếng nói chỉ trích Trung Quốc đã trở nên phổ biến hơn trong vài năm qua, chính phủ Đan Mạch... nói chung vẫn sẽ kiềm chế không chỉ trích công khai Trung Quốc” - ông Forby nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod. Ảnh: SCMP
Vào tháng 7, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết về Hong Kong, cảnh báo Trung Quốc chấm dứt “sự can thiệp liên tục và ngày càng gia tăng trong các vấn đề của Hong Kong”. Nghị quyết cũng kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về việc cảnh sát Hong Kong sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng đáp trả, nói rằng “sự thiếu hiểu biết và thái độ của các nghị sĩ đã khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên và cả kinh hoàng” và rằng họ không nên can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Ông Reinhard Buetikofer, một thành viên của Nghị viện châu Âu và Phó Chủ tịch phái đoàn quan hệ với Trung Quốc, cho biết Hong Kong có tầm quan trọng về kinh tế đối với châu Âu và là cầu nối của lục địa này với Trung Quốc.
“Mọi người đều biết Hong Kong là một phần của Trung Quốc và châu Âu sẽ không can thiệp đến tương lai của Hong Kong. Nhưng họ rất ngưỡng mộ sự can đảm khi mà người Hong Kong đã đứng lên đòi quyền lợi của họ thông qua biểu tình ôn hòa và người châu Âu đồng cảm với điều đó” - ông Buetikoker nói.
Nghị viện châu Âu sẽ tiếp tục họp vào giữa tháng 9 nhưng các nhà ngoại giao Trung Quốc đóng tại lục địa này đã có những phản ứng. Hôm 24-8, Đại sứ Trung Quốc tại Slovakia Lin Lin đã cáo buộc Mỹ “thổi bùng ngọn lửa” ở Hong Kong.
Các nhà phân tích nói rằng một số chính trị gia EU có khả năng nêu vấn đề Hong Kong trong cuộc họp nghị viện nhưng sẽ không có động thái đáng kể nào đến từ châu Âu, trừ khi có sự leo thang bạo lực trong việc chống lại người biểu tình.
Ông Tim Ruhlig, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Thụy Điển, cho biết mối quan ngại về Hong Kong có thể dẫn đến “một nghị quyết hay một cuộc tranh luận tại nghị viện” nhưng hầu hết các chính phủ EU sẽ không thể có một bước đi đáng kể trừ khi có một cuộc đàn áp lớn đối với người biểu tình xảy ra.
Ông Forsby nói rằng chừng nào Bắc Kinh vẫn không can thiệp trực tiếp vào Hong Kong, thì “hầu hết các chính phủ châu Âu sẽ giữ cùng một quan điểm với Brussels”.