Hãng tin Bloomberg ngày 1-7 dẫn hai nguồn tin quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay quân đội nước này đang lên kế hoạch tích trữ các phụ tùng của dòng tiêm kích F-16 cùng nhiều thiết bị quân sự khác nhằm đề phòng khả năng bị Mỹ áp đặt các lệnh cấm vận mới.
Thông tin được tiết lộ trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang gia tăng sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ hủy hợp đồng mua tên lửa S-400 của Nga. Lầu Năm Góc cuối tháng 6 tuyên bố chính quyền Mỹ đang xem xét áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính đối với một loạt hãng sản xuất vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ Thông qua Lệnh trừng phạt (CAATSA).
Mỹ cảnh báo hậu quả rất thực tế và tiêu cực nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400. Ảnh: GETTY
Washington trước đó cũng đe dọa nếu Ankara không thực hiện yêu cầu, toàn bộ phi công và kỹ thuật viên Thổ Nhĩ Kỳ đang huấn luyện với tiêm kích F-35A tại Mỹ sẽ bị trục xuất, đồng thời nước này cũng bị loại khỏi dự án F-35.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục khẳng định không từ bỏ quyết định sở hữu tên lửa S-400, tuyên bố sẵn sàng trả đũa nếu bị Mỹ trừng phạt.
Mỹ trước đây từng áp đặt lệnh cấm vận vũ khí kéo dài ba năm đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1975 do Ankara can thiệp quân sự vào đảo Cyprus để bảo vệ hàng nghìn công dân gốc Thổ khỏi cuộc xung đột.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt S-400 ở đâu?
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản cuối tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 của Nga trong hai tuần tới.
Tờ Daily Sabah dẫn các nguồn tin an ninh tiết lộ hệ thống S-400 đầu tiên mà Thổ Nhĩ Kỳ nhận được có thể sẽ đặt tại căn cứ không quân Akinci ở thủ đô Ankara. Akinci là căn cứ mà nhóm binh sĩ và quan chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từng thực hiện nỗ lực đảo chính cách đây ba năm.
Hệ thống S-400 thứ hai được cho là sẽ được đặt ở một vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực phía đông và đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên chưa có vị trí cụ thể.
Binh sĩ vẫy tay khi một chiếc F-35B đáp xuống căn cứ không quân Akrotiri Royal ở Cyprus. Ảnh: AP
Theo tờ Cumhuriyet, tổ hợp S-400 đầu tiên – có khả năng phóng 72 tên lửa cùng một lúc- khi được cài đặt sẽ không được tích hợp với đơn vị radar tầm trung và tầm xa của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ, thay vào đó sử dụng hệ thống radar độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua hệ thống S-400 của Nga là một trong những lý do khiến mối quan hệ giữa nước này với Mỹ xấu đi.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump vài ngày trước đã mang đến những kỳ vọng mới cho Ankara khi đổ lỗi cho cựu Tổng thống Barack Obama mới là người gây ra những tranh cãi này, rằng Tổng thống Erdogan đã không được đối xử công bằng.
Dù vậy, giới chức Mỹ ngày 3-7 nói với Reuters rằng chính quyền Tổng thống Trump vẫn lên kế hoạch áp trừng phạt vào Thổ Nhĩ Kỳ và loại nước này khỏi chương trình F-35 nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400.
“Mỹ tuyên bố nhất quán và rõ ràng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối diện hậu quả thực tế và tiêu cực nếu quyết mua hệ thông S-400, trong đó có đình chỉ mua sắm và tham gia chương trình F-35 và hứng trừng phạt theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA)”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Tại Lầu Năm Góc, người phát ngôn Không quân Mỹ Mike Andrews khẳng định: “Không có gì thay đổi”.
“Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga không tương thích với chương trình F-35. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được phép có cả hai hệ thống”, ông Andrews nhấn mạnh.
Nếu Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án F-35 và áp lệnh trừng phạt vào đồng minh NATO này, thì đây sẽ là một trong những sự đổ vỡ đáng kể nhất trong lịch sử gần đây của quan hệ hai nước.