Tính đến 6 giờ 22 phút ngày 16-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 307.988 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 4.617.133 ca nhiễm.
Như vậy, so với tối qua, số ca tử vong tăng 4.108, số ca nhiễm tăng 70.822. Hiện đại dịch lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 1.749.119 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính.
Vùng Lombardy của Ý sẽ mở cửa lại hàng quán vào tuần tới
Thống đốc Attilio Fontana của vùng Lombardy - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch COVID-19 tại Ý hôm 15-5 cho biết ông sẽ bắt đầu cho mở cửa lại cửa hàng, tiệm làm tóc và nhà hàng vào ngày 18-5 tới, theo đài CNN.
Theo dữ liệu của chính phủ, khu vực miền bắc Ý cho đến nay ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trên cả nước, với 34.242 trường hợp.
Nhà hàng Chef Carlo Cracco ở trung tâm mua sắm Galleria Vittorio Emanuele sầm uất tại Milan, Ý sẽ mở cửa trở lại vào ngày 16-5, với dịch vụ mua mang đi. Ảnh: GETTY IMAGES
Thông báo này được đưa ra sau cuộc họp giữa Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, Bộ trưởng các vấn đề khu vực Francesco Boccia và các thống đốc vùng ở Ý. Tại cuộc họp, các chính trị gia đã thống nhất cho phép chính quyền địa phương nới lỏng các biện pháp phong tỏa quốc gia.
Trao đổi với CNN, ông Boccia khẳng định các chính quyền vùng sẽ có quyền tự do quyết định liệu họ có muốn bắt đầu quá trình mở cửa trở lại hay không hoặc sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Tính đến sáng 16-5 (giờ Việt Nam), Ý ghi nhận thêm 789 ca nhiễm mới và 242 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, hiện Ý có tổng cộng 223.885 ca nhiễm, xếp thứ năm trên thế giới. Số ca tử vong hiện nay là 31.610, cao thứ hai thế giới.
Hạ viện Mỹ bỏ phiếu gói cứu trợ COVID-19 mới
Hạ viện Mỹ cuối ngày 15-5 (giờ địa phương) sẽ bỏ phiếu thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá 3.000 tỉ USD để giảm bớt tác động tàn phá của đại dịch COVID-19. Cũng nhân cuộc bỏ phiếu này, Hạ viện muốn thay đổi quy tắc lịch sử để cho phép các nhà lập pháp bỏ phiếu từ xa trong đợt bầu cử sắp tới.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tại một buổi họp báo ngày 14-5. Ảnh: REUTERS
Điều này đi ngược lại với Thượng viện, khi các lãnh đạo đảng Cộng hòa cho rằng chưa cần thêm một khoản hỗ trợ khẩn cấp nào. Các lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện đã lên tiếng phản đối cả gói cứu trợ và các quy tắc thay đổi để có thể bỏ phiếu từ xa.
Vậy nên, mặc dù các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tin tưởng rằng cả hai vấn đề trên sẽ được thông qua tại Hạ viện vào ngày 15-5 nhưng có thể sẽ "chết" tại cửa Thượng viện do không được sự đồng thuận của đảng Cộng hòa nắm thế đa số tại đây.
Gói kích thích 3.000 tỉ USD sẽ bao gồm 1.000 tỉ USD cho chính quyền tiểu bang và địa phương hoạt động. 200 tỉ USD chi cho việc trả lương cho người lao động thiết yếu. 75 tỉ USD dành cho việc xét nghiệm, truy tìm và cách ly người nhiễm COVID-19. Số còn lại dùng để cấp tiền mặt khẩn cấp 6.000 USD cho hàng triệu hộ gia đình tại nước này.
Tính đến sáng 16-5 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận thêm 24.241 ca nhiễm COVID-19 và 1.488 ca tử vong, đưa số ca nhiễm và tử vong ở nước này lần lượt lên 1.481.834 và 88.400.
Brazil: 2 Bộ trưởng Y tế từ chức trong một tháng
Ngày 15-5, Brazil đã mất thêm một Bộ trưởng Y tế chỉ trong một tháng. Tân Bộ trưởng Y tế Nelson Teich từ chức sau khi Tổng thống Jair Bolsonaro yêu cầu ông chứng thực hiệu quả điều trị COVID-19 của các loại thuốc chống sốt rét.
Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich. Ảnh: REUTERS
Người Brazil ở các thành phố lớn đã giận dữ và các chuyên gia y tế đã tỏ ra phẫn nộ trước sự từ chức của ông Nelson Teich, trong bối cảnh dịch COVID-19 ở nước này đang trở nên phức tạp. Số người nhiễm bệnh ở Brazil đã là 218.223, nhiều hơn cả Đức và Pháp. Số ca tử vong đã lên đến 14.817, với khoảng 800 ca được ghi nhận mỗi ngày.
Hôm 14-5, Tổng thống Bolsonaro yêu cầu ông Teich ban hành các hướng dẫn của liên bang về việc sử dụng sớm thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine điều trị bệnh nhân COVID-19, mặc dù hiệu quả chưa được chứng minh và có lo ngại nó có thể gây ra các vấn đề về tim.
Trước đó, ông Teich đã có nhiều mâu thuẫn với tổng thống khi ông Bolsonaro thúc đẩy mở cửa lại nền kinh tế quá sớm. Trong một cuộc họp báo ngày 11-5, ông Teich đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi biết về một nghị định của tổng thống cho phép các phòng tập thể dục, tiệm làm đẹp và tiệm làm tóc mở cửa trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến xấu đi.
Trước đó, cựu Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta đã bị sa thải vào ngày 16-4 vì chống lại các chỉ thị của Tổng thống Bolsonaro trong việc xử lý dịch COVID-19.