Tính đến 6 giờ sáng 25-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận trên toàn cầu có 346.355 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 5.491.448 ca nhiễm.
Như vậy, so với ngày 24-5, số ca tử vong tăng 1.935 người, số ca nhiễm tăng 63.392 người. Hiện đại dịch đã lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thế giới đã có 2.299.177 bệnh nhân được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 39.446 người so với ngày 24-5.
Bệnh nhân COVID-19 điều trị ở một bệnh viện thuộc thủ đô Moscow, Nga ngày 21-5. Ảnh: TASS
Nga có thể có thêm người tử vong vì COVID-19 trong thời gian tới
Tờ The Moscow Times đến sáng 25-5 (giờ Việt Nam) ghi nhận Nga trong 24 giờ qua có thêm 8.599 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 363.211. Đây là ngày thứ chín liên tiếp Nga có số bệnh nhân mới trong ngày dưới 10.000.
Đến nay, Nga là nước có số bệnh nhân COVID-19 cao thứ ba thế giới, sau Mỹ và Brazil.
Số người chết vì COVID-19 ở Nga trong 24 giờ qua cũng tăng 153 người, lên 3.541 người.
Thủ đô Moscow vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với tổng cộng 163.913 bệnh nhân và 1.993 trường hợp tử vong tính đến nay.
Đáng chú ý, người đứng đầu Cơ quan Liên bang Giám sát việc bảo vệ người tiêu dùng và sức khỏe người dân Nga - bà Anna Popova cảnh báo đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy số người tử vong vì COVID-19 sẽ gia tăng ở Nga trong nhiều tuần tới, theo hãng tin TASS.
Cụ thể, bà Anna Popova chỉ ra rằng ở hầu hết quốc gia khác, khi số ca nhiễm trong ngày bắt đầu giảm nhẹ lúc đạt đỉnh thì ngay sau đó số ca tử vong trong ngày bắt đầu tăng cho đến khi cũng đạt đỉnh rồi hạ dần.
Thành ổ dịch lớn thứ hai sau Mỹ, Brazil kéo dài lệnh đóng cửa biên giới
Trang thống kê Worldometer đến sáng 25-5 (giờ Việt Nam) ghi nhận Brazil trong 24 giờ qua có 15.813 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 363.211. Số người tử vong ở nước này cũng tăng 653 trường hợp, lên 22.666.
Hiện nước này đã vượt Nga trở thành nước có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Trước tình hình trên, chính phủ Brazil mới đây đã gia hạn lệnh đóng cửa biên giới thêm 30 ngày, trang tin Explica ngày 24-5 cho hay. Lệnh gia hạn mới sẽ áp dụng cho cả biên giới đường bộ và hàng không.
Đến nay, Tổng thống Jair Bolsonaro tiếp tục cho rằng COVID-19 không phải là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe của người dân và khẳng định các biện pháp phong tỏa chỉ gây tác động tiêu cực với nền kinh tế Brazil.
Ông Bolsonaro còn khẳng định COVID-19 chỉ là "bệnh cúm nhỏ" và kêu gọi các doanh nghiệp mở cửa trở lại, bất chấp việc nhiều thống đốc bang kiên quyết yêu cầu giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở địa phương.
Anh có thể bắt đầu mở cửa trường học từ tháng 6
Đến sáng 25-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer ghi nhận Anh trong 24 giờ qua có thêm 2.405 bệnh nhân COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm ở đây lên 259.559. Số người tử vong cũng tăng 118 trường hợp, lên 36.793.
Phát biểu ngày 24-5 (giờ địa phương), Thủ tướng Boris Johnson khẳng định các trường học ở Anh sẽ bắt đầu mở cửa hoạt động lại từ ngày 1-6, bắt đầu từ cấp tiểu học, đài BBC cho hay.
Đến ngày 15-6, các học sinh lớp 10 và lớp 12 sẽ đi học do các học sinh này cần ôn thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở (GCSE) và hệ dự bị đại học (A level) trong năm sau.
Theo thủ tướng Anh, bất chấp việc còn nhiều tranh cãi về mức độ an toàn, việc sớm mở lại các trường học là yếu tố vô cùng quan trọng cho các học sinh và bản thân ông tin rằng nước Anh đã đủ điều kiện để bước sang giai đoạn 2 của chiến dịch phòng, chống COVID-19.
“Chúng tôi đã lên kế hoạch mở lại trường học do giáo dục có ý nghĩa rất lớn đối với hạnh phúc, sức khỏe, tương lai lâu dài của trẻ em. Giống như nhiều nước khác, chúng tôi sẽ đưa trẻ trở lại trường một cách an toàn nhất” - Thủ tướng Johnson khẳng định.