Tính đến 6 giờ 20 ngày 8-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 270.338 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 3.911.434 ca nhiễm.
Như vậy, so với tối 7-5, số ca tử vong tăng 4.470, số ca nhiễm tăng 66.127.
Ngoài ra, có 1.340.231 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi.
Vượt qua Pháp- Đức, Nga có số ca nhiễm cao thứ năm thế giới
Ngày 7-5, Nga ghi nhận số ca nhiễm theo ngày tăng kỷ lục 11.231, nâng tổng ca nhiễm tại nước này lên 177.160. Với con số này, Nga đã vượt qua Pháp (174.791) và Đức (169.430) trở thành nước có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ năm thế giới. Số ca tử vong của Nga hiện là 1.625 sau khi tăng thêm 88 ca.
Một người đàn ông trình thẻ căn cước kỹ thuật số cho một sĩ quan cảnh sát ở Moscow. Ảnh: AFP
Hơn nửa số ca nhiễm và tử vong là tại Moscow – tâm dịch COVID-19 của Nga.
Thị trưởng Moscow - ông Sergei Sobyanin nói rằng nghiên cứu cho thấy số ca nhiễm thực tế ở thủ đô của Nga khoảng 300.000, cao hơn gấp ba so với con số chính thức (92.676).
Ông Sobyanin cho hay số ca nhiễm tăng mạnh do nhà chức trách đã tiến hành gấp đôi lượng xét nghiệm ở Moscow. Tính đến nay, Nga đã thực hiện hơn 4,8 triệu lượt xét nghiệm.
Nhật Bản cho phép dùng thuốc Remdesivir trị COVID-19
Theo hãng tin Reuters, Bộ Y tế Nhật Bản hôm 7-5 cho hay nước này đã phê duyệt sử dụng thuốc Remdesivir của công ty dược Gilead Sciences Inc trong điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19.
Như vậy, Nhật là quốc gia thứ hai trên thế giới phê duyệt thuốc Remdesivir sau khi giới chức Mỹ cũng cho phép sử dụng Remdesivir trong việc điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng.
Thuốc Remdesivir. Ảnh: REUTERS
Nhật Bản đã đi đến quyết định này ba ngày sau khi Gilead Sciences Inc nộp đơn yêu cầu phê duyệt nhanh chóng để phục vụ cho việc điều trị COVID-19.
Một quan chức thuộc Bộ Y tế Nhật tại một cuộc họp báo cho biết Remdesivir sẽ được dùng trong điều trị các bệnh nhân có các triệu chứng nặng của COVID-19.
Nhật Bản thời gian gần đây ghi nhận ít trường hợp hơn so với các quốc gia công nghiệp hóa lớn khác.
Tuy nhiên, việc các ca nhiễm tiếp tục tăng đã tạo ra sức ép cho các cơ sở y tế ở một số khu vực của Nhật. Do đó, nếu có thuốc giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn thì sẽ giảm sức ép về số giường bệnh trong các bệnh viện.
Hôm 4-5, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia tới cuối tháng 5 nhằm làm chậm sự lây lan của COVID-19.
Nhật đến nay ghi nhận 15.477 ca nhiễm COVID-19, trong đó 577 người đã tử vong.
Gilead Sciences Inc hôm 5-5 cho hay công ty này đang thảo luận với một vài công ty, gồm nhà sản xuất thuốc generic ở Ấn Độ và Pakistan để sản xuất thuốc Remdesivir với số lượng lớn.
Mỹ báo động hiện tượng người dân tổ chức “tiệc COVID-19”
Các quan chức ở bang Washington của Mỹ hôm 6-5 bày tỏ lo ngại trước thông tin mọi người tổ chức “tiệc COVID-19” nhằm cố ý lây lan virus để đạt được “miễn dịch”, theo báo The New York Times.
Cụ thể, các quan chức của hạt Walla Walla thuộc bang Washington ngày 6-5 cho biết họ đã phát hiện ra một nguồn lây nhiễm COVID-19 mới là “các bữa tiệc COVID-19”.
Một quang cảnh ở hạt Walla Walla, bang Washington của Mỹ. Ảnh: The New York Times
Những bữa tiệc này được tổ chức để những người nhiễm bệnh tiếp xúc với người không nhiễm bệnh với hy vọng bị nhiễm virus và đạt được miễn dịch với bệnh.
Bà Meghan Debolt, Giám đốc Y tế cộng đồng hạt Walla Walla cho hay các nhà điều tra địa phương đã phát hiện ra hai bữa tiệc COVID-19 như vậy được tổ chức trong khu vực trong vài tuần gần đây.
Có hai người tham dự các bữa tiệc COVID-19 nói trên (gồm ít nhất 20 người tham dự) sau đó đã đổ bệnh và được xác nhận dương tính với COVID-19.
Bà Debolt nói rằng địa phương muốn mở cửa lại cộng đồng, song nếu cộng đồng không tuân thủ các hướng dẫn giãn cách xã hội và họ cố tình để bị nhiễm COVID-19 thì việc mở cửa sẽ không thực hiện được.
“Tụ tập thành các nhóm giữa mùa đại dịch có thể cực kỳ nguy hiểm và khiến mọi người có nguy cơ nhập viện và thậm chí là tử vong” - ông John Wiesman - quan chức y tế của bang Washington cảnh báo.
Tính đến ngày 6-5, hạt Walla Walla ghi nhận có 94 ca nhiễm và một ca tử vong.
Theo trang Worldometer, Mỹ vẫn là vùng dịch nghiêm trọng nhất với 1.291.087 ca nhiễm và 76.888 ca tử vong.
Toàn bộ các khu vực của Trung Quốc tuyên bố vùng “nguy cơ thấp COVID-19”
Là quốc gia đầu tiên bước vào cuộc chiến chống COVID-19 hồi đầu năm nay, Trung Quốc cũng là nước đầu tiên tuyên bố nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 hiện nay là “thấp”. Trung Quốc đưa ra tuyên bố này khi không có ca nhiễm trong nước được ghi nhận trong những ngày qua, theo hãng tin RT.
Người dân đi dạo ở một công viên tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Tất cả khu vực của Trung Quốc hiện đang ở mức “nguy cơ thấp” bùng phát COVID-19, ông Mi Feng - người phát ngôn của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết hôm 7-5.
Thông báo này được đưa ra sau khi tỉnh Hắc Long Giang trở thành địa phương cuối cùng hạ thấp nguy cơ dịch.
NHC cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới đang gần bằng 0. Trung Quốc hôm 7-5 ghi nhận thêm hai bệnh nhân COVID-19 và đều là người đến từ nước ngoài. Điều này có nghĩa là không có ca nhiễm mới trong nước. Dù vậy, Trung Quốc vẫn còn 295 bệnh nhân đang được điều trị trong bệnh viện.
Trung Quốc chính thức tuyên bố đánh bại COVID-19 hồi tháng 4. Quốc gia này nói rằng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt cùng với nỗ lực to lớn của đội ngũ nhân viên y tế địa phương đã đóng vai trò quyết định.
Trong thời gian tháng 3 và tháng 4, nhà chức trách Trung Quốc đã tháo dỡ các bệnh viện tạm thời vì có ít bệnh nhân cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Trung Quốc - nơi khởi phát dịch COVID-19 hiện ghi nhận 82.885 ca nhiễm, trong đó 4.633 người đã tử vong. Hiện tâm điểm dịch bệnh đã chuyển sang Mỹ và các quốc gia châu Âu.