Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến trưa 17-3

Tính đến 13 giờ trưa 17-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 7.121 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 179.334 ca nhiễm.

Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 470 người, số ca nhiễm tăng 8.887 người. Hiện đại dịch đã lan ra 162 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 79.615 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 2.730 người so với sáng cùng ngày. 

Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở TP Strasbourg, Pháp ngày 16-3. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc chỉ ghi nhận thêm một ca nhiễm COVID-19 trong nước

Đài CNA dẫn nguồn Uỷ ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 17-3 tuyên bố đại lục trong 24 giờ qua chỉ ghi nhận thêm 21 ca nhiễm COVID-19, tăng so với con số 16 của ngày trước đó. Hiện nước này có tổng cộng 80.881 bệnh nhân dương tính.

Trong số 21 ca nói trên, 20 trường hợp là người đi từ nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc. Chỉ có một ca lây nhiễm duy nhất xuất phát từ tâm dịch Vũ Hán. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp mà Trung Quốc có số ca nhiễm COVID-19 từ bên ngoài vào vượt qua số ca trong nước.

Trong 20 ca ngoại nhập, Bắc Kinh có chín ca, Thượng Hải có ba ca. Các tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang, Sơn Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Thiểm Tây cũng đều có các ca nhiễm nguồn gốc từ nước ngoài, nâng tổng số ca “nhập khẩu” ở đại lục lên 143.

Được biết, Bắc Kinh là nơi ghi nhận nhiều ca từ nước ngoài nhất dù giới chức thành phố này đã ban hành cơ chế kiểm soát chặt chẽ như bắt buộc toàn bộ những người tới thành phố từ nước ngoài phải cách ly 14 ngày. 

Trung Quốc ngày 17-3 cũng ghi nhận thêm 13 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì bệnh dịch lên 3.226. Hồ Bắc ghi nhận 12 người thiệt mạng, trong đó Vũ Hán có 11 trường hợp.

Liên minh châu Âu đề xuất đóng cửa toàn khối vì COVID-19

Theo hãng tin AFP ngày 17-3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen mới đây đã đề xuất đóng cửa toàn khối Liên minh châu Âu (EU) và cấm người nước ngoài nhập cảnh trong 30 ngày trong bối cảnh hàng loạt nước thành viên trở thành ổ dịch nghiêm trọng. 

“Càng hạn chế đi lại thì chúng ta càng dễ kiểm soát virus. Do đó, tôi đề xuất chính phủ các nước nên có biện pháp hạn chế đi lại tạm thời đối với các hoạt động đi lại không cần thiết tới EU”, bà Ursula von der Leyen nói trong một tuyên bố. 

Quan chức này cũng nêu rõ lệnh hạn chế trên sẽ kéo dài trong 30 ngày hoặc lâu hơn nếu cần thiết.

Tuy nhiên, Chủ tịch EC cũng đề cập tới các trường hợp ngoại lệ, bao gồm những người sống ở khối EU lâu năm, thành viên của các công dân châu Âu, các nhà ngoại giao, các bác sĩ, các nhà nghiên cứu cần đi lại để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Một quan chức EU khác cho biết lệnh cấm có thể được áp dụng cho hơn 30 quốc gia, bao gồm tất cả nước thành viên EU trừ Ireland, cũng như bốn quốc gia không thuộc EU nhưng tham gia với khối này trong khu vực tự do đi lại Schengen.

“Ireland và Anh được khuyến khích tham gia”, quan chức trên nói. Ireland không phải là một thành viên của khu vực Schengen, còn Anh đã rời EU hồi tháng 1.

Đến nay, EU đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa ra một biện pháp thống nhất nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng y tế này và một số quốc gia đã đơn phương áp dụng các biện pháp đóng cửa biên giới.

“Ủy ban cho rằng việc thống nhất đề xuất trên sẽ khiến các biện pháp đơn phương hạn chế trong nội khối Schengen không còn cần thiết nữa”, một quan chức EU giấu tên chia sẻ. 

Phát hiện đột phá về cơ chế miễn dịch của người với COVID-19

Đài ABC ngày 17-3 dẫn một nghiên cứu mới được công bố trên chuyên san y học Nature Medicine của Viện Truyền nhiễm Peter Doherty (Úc) khẳng định đã có phát hiện đột phá về cơ chế hệ miễn dịch của con người phản ứng COVID-19.

Cụ thể, nghiên cứu dựa trên việc xét nghiệm mẫu máu của một bệnh nhân nữ 40 tuổi tại bốn thời điểm khác nhau, trước và sau khi người bệnh phục hồi, để xác định các kháng thể được cơ thể huy động chống lại bệnh tật.

GS Kinda Kedzierska - người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết bệnh nhân trên khi nhập viện bắt đầu xuất hiện các triệu chứng thường thấy như mệt mỏi, đau họng, ho khan và sốt cao của COVID-19.

Tuy nhiên, ba ngày sau đó, các nhà khoa học nhận thấy một số lượng lớn các tế bào miễn dịch, thường là dấu hiệu phục hồi khi nhiễm cúm mùa, đã xuất hiện ở bệnh nhân này. Vì vậy, họ dự đoán bệnh nhân sẽ hồi phục sau ba ngày và tình trạng bệnh nhân diễn ra đúng như vậy.  

GS Kedzierska nhấn mạnh thực tế điều trị cho nữ bệnh nhân trên đã cho thấy một người khỏe mạnh có thể tự phục hồi nếu nhiễm virus thể nhẹ đến trung bình trong khoảng ba ngày. Dù COVID-19 là một chủng mới của virus Corona nhưng ở một bệnh nhân khỏe mạnh, các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ có thể được kích hoạt để hỗ trợ cơ thể. 

Nhóm nghiên cứu kỳ vọng có thể chia sẻ kết quả này cho cộng đồng y tế quốc tế để hiểu rõ hơn lý do vì sao có những người tử vong vì COVID-19 và có những người vẫn bình phục. Điều này sẽ giúp giới chuyên gia hiểu rõ hơn các cơ chế gây bệnh cùng như diễn tiến của bệnh COVID-19 và các loại virus mới trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm