Tính đến 6 giờ 30 sáng 1-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 2.942 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra và 86.033 ca nhiễm. Như vậy, so với ngày 29-2, số ca lây nhiễm tăng 636 người, số ca tử vong tăng 19 người.
Đến nay đã có 107 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục gồm 43 ca ở Iran, 17 ca ở Hàn Quốc, 11 ca ở Nhật Bản (tính cả du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama), hai ca ở đặc khu Hong Kong, 29 ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, hai ca ở Pháp và một ca ở Philippines.
Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 39.820 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, tăng 488 người so với ngày 29-2.
Một chuyên gia tham gia điều chế vaccine ngừa COVID-19 ở một phòng thí nghiệm thuộc bang New Jersey (Mỹ) ngày 28-2. Ảnh: AFP
Iran phủ nhận có quan chức tử vong vì COVID-19
Hôm 1-3, chính quyền Iran đã lên tiếng phủ nhận thông tin nghị sĩ Mohammad Ali Ramazani Dastak, người vừa được chọn làm đại biểu của TP Astana Ashrafieh tuần trước, đã tử vong sau khi được xét nghiệm dương tính với COVID-19 cách đây vài ngày.
Theo tờ The Indepedent, thông báo chính thức của Tehran nêu rõ ông Ramazani Dastak vì các bệnh lý trước đó cũng như các chấn thương từ thời chiến tranh. Thông báo cũng cáo buộc Mỹ tung tin đồn giả gây hoang mang dư luận khi cáo buộc Iran che giấu tình hình dịch bệnh.
Được biết hãng tin Iranian Students News Agency trước đó cùng ngày cho hay nghị sĩ Ramazani Dastak được nhập viện với các triệu chứng được mô tả là giống "với các triệu chứng cúm và những vết thương do hóa chất" từ cuộc chiến tranh Iran - Iraq.
Đến nay có một loạt quan chức cấp cao của Iran nhiễm virus COVID-19. Trong số này có phó tổng thống, thứ trưởng Bộ Y tế và năm nghị sĩ.
Nhằm phòng ngừa COVID-19, phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpour mới đây kêu gọi người dân tránh những chuyến đi không cần thiết trong nước. Ông Jahanpour cho hay chính phủ đóng cửa các rạp chiếu phim và tạm thời cấm tổ chức các sự kiện văn hóa cũng như hội nghị thêm một tuần, theo hãng tin Reuters.
Mỹ có ca tử vong đầu tiên vì COVID-19
Tờ South China Morning Post ngày 1-3 đưa tin đã có ca tử vong được ghi nhận tại hạt King, khu vực gần TP Seattle thuộc bang Washington. Trong cuộc họp báo sau vụ việc, Tổng thống Donald Trump cho biết bệnh nhân tử vong là một phụ nữ trong độ tuổi 50, thuộc nhóm "rủi ro cao về sức khỏe".
Được biết dù đây là trường hợp tử vong đầu tiên trên lãnh thổ Mỹ vì COVID-19 nhưng đây không phải người Mỹ đầu tiên qua đời vì căn bệnh này. Một công dân Mỹ 60 tuổi đã tử vong hồi đầu tháng 2 tại tâm dịch Vũ Hán.
Cũng trong buổi họp báo trên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vẫn tiếp tục khẳng định nguy cơ bùng phát COVID-19 ở Mỹ vẫn ở mức tương đối thấp và nhấn mạnh sẽ tăng cường nỗ lực chuẩn bị ngăn ngừa dịch bệnh của toàn quốc.
Đánh giá về rủi ro cũng được Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ Alex Azar nhắc tới. Ông Azar nhiều lần nhấn mạnh tới mức rủi ro thấp ở Mỹ thời điểm hiện tại nhưng lưu ý: "Tình hình có thể thay đổi nhanh chóng".
Tính đến sáng 1-3, Mỹ ghi nhận 68 ca nhiễm COVID-19 với một trường hợp tử vong. Ít nhất bốn bệnh nhân đã được xác nhận dương tính với virus dù chưa tới các nước có dịch hoặc có mối liên hệ hay tiếp xúc với các ca bệnh trước đó.
Giáo hoàng Francis có triệu chứng bị cảm, liên tục hủy nhiều sự kiện
Hôm 29-2, tờ The Daily Mail đưa tin Giáo hoàng Francis, 83 tuổi, gần đây đã xuất hiện nhiều vấn đề về sức khỏe và hủy một loạt các sự kiện lớn ở Vatican.
Văn phòng báo chí Vatican cho biết Giáo hoàng Francis "vẫn tiếp tục làm việc từ nơi cư trú tại khách sạn Santa Marta cũng như tiếp khách mời riêng". Hôm 29-2, ông "gặp người đứng đầu văn phòng giám mục của Tòa thánh Vatican, đại sứ của mình tại Lebanon và Pháp cùng với một tổng giám mục người Ukraine".
Lần cuối cùng Giáo hoàng Francis xuất hiện trước công chúng là hôm 26-2. Ông được nhìn thấy ho và chảy nước mũi trong một thánh lễ.
Tòa thánh Vatican trấn an rằng Giáo hoàng Francis cử hành thánh lễ mỗi sáng và chào đón những người tham dự vào cuối ngày, sau đó tiếp tục làm việc tại nhà. Tuy nhiên, chi tiết về sức khỏe và lần mắc bệnh này của ông không được tiết lộ.
Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Ý báo động về sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 đã lây nhiễm hơn 1.000 người, chủ yếu ở miền Bắc nước này, tính đến sáng 1-3.
Hàn Quốc: Một bệnh nhân COVID-19 nhổ nước bọt vào nhân viên y tế
Theo hãng tin Yonhap ngày 1-3, một bệnh nhân nữ được xác nhận nhiễm COVID-19 đã nhổ nước bọt vào mặt nhân viên y tế (44 tuổi), khi được người này giúp đỡ chuyển đến Trung tâm Y tế Daegu.
Không chỉ vậy, bệnh nhân này còn mắng chửi các nhân viên y tế khác.
Bệnh nhân này đã được làm xét nghiệm kiểm tra virus vào ngày 23-2, được xác nhận dương tính với COVID-19 vào hôm 25-2. Hiện tại, nhân viên y tế nói trên đã được cách ly và đang đợi kết quả xét nghiệm.
Một quan chức ở công đoàn Dalsung, TP Daegu cho biết: "Chúng tôi đang xem xét tình hình cũng như ý kiến của nhân viên y tế bị nhổ nước bọt, để có biện pháp cũng như khiếu nại bệnh nhân trên ra tòa vì hành vi cản trở người thi hành công vụ".
Tính đến sáng 1-3, Hàn Quốc ghi nhận 3.150 ca lây nhiễm COVID-19, cao thứ hai thế giới, với 17 trường hợp tử vong.