Tình hình dịch COVID-19 đến sáng 2-3

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận tính đến 6 giờ sáng 2-3, toàn thế giới có 3.001 người tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới gây ra (dịch COVID-19), 88.362 ca nhiễm. Như vậy, so với ngày 1-3, số ca lây nhiễm tăng 692 người, số ca tử vong tăng bảy người.

Đến nay đã có 131 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục gồm 54 ca ở Iran, 21 ca ở Hàn Quốc, 13 ca ở Nhật (tính cả du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama), 34 ca ở Ý, hai ca ở Pháp, hai ca ở đặc khu Hong Kong, một ca ở Đài Loan, một ca ở Philippines, một ca ở Mỹ, một ca ở Thái Lan và một ca ở Úc.

Một phụ nữ vừa được xuất viện sau khi điều trị thành công đang được các nhân viên y tế của một khách sạn khử trùng ở TP Vũ Hán (Trung Quốc) ngày 1-3. Ảnh: AFP 

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 42.728 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, không tăng so với ngày 1-3.

Không còn người trên du thuyền Diamond Princess

Bộ trưởng Y tế Nhật Katsunobu Kato cuối ngày 1-3 thông báo các thành viên thủy thủ đoàn cuối cùng của du thuyền Diamond Princess đã được phép lên bờ trong chiều cùng ngày. Như vậy, không còn ai trên siêu du thuyền đã từng chở 3.600 hành khách và thủy thủ đoàn, theo đài NHK.

Các thủy thủ đoàn và những nhân viên y tế Nhật từng làm việc trên tàu sẽ được đưa tới các trung tâm cách ly theo chỉ định và sẽ ở lại đó trong vòng 14 ngày trước khi được phép rời Nhật về nước.

Tính đến trước thời điểm cho người xuống hết, tàu đã có bảy ca tử vong và hơn 700 ca nhiễm. Dự kiến con tàu sắp tới sẽ được khử trùng toàn bộ phần không gian bên trong để chuẩn bị cho chuyến hải trình tiếp theo. 

Bình luận sau vụ việc, Bộ trưởng Kato chia sẻ việc Nhật đã để ổ dịch bùng phát trên tàu là một sai lầm đáng trách và cho thấy một chính phủ đơn phương khó có thể xử lý khủng hoảng với quy mô như vậy. Do đó, ông đề nghị cộng đồng quốc tế nên thành lập một thiết chế chung toàn cầu đề phòng một sự việc tương tự như du thuyền Diamond Princess. 

Tính đến sáng 2-3, Nhật ghi nhận 256 ca lây nhiễm COVID-19 với sáu trường hợp tử vong (không tính du thuyền Diamond Princess). Phần lớn các ca nhiễm tập trung ở tỉnh Hokkaido.

Bệnh nhân COVID-19 lớn tuổi nhất Trung Quốc được điều trị thành công

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 1-3 cho hay một nữ bệnh nhân COVID-19 vừa được xuất viện sau nhiều ngày chữa trị tại BV dã chiến Lôi Thần Sơn ở TP Vũ Hán. Đây được cho là bệnh nhân lớn tuổi nhất Trung Quốc (98 tuổi) hồi phục thành công dù trong giai đoạn nguy kịch.

Lúc nhập viện vào ngày 13-2, bệnh nhân cao tuổi này đã mắc nhiều bệnh lý khác như cao huyết áp và tim, phổi có vấn đề. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà dương tính với COVID-19 dạng nặng, xếp vào tình trạng nguy kịch và khó điều trị.

Tuy nhiên, sau quá trình cứu chữa tích cực, bà được xuất viện vào ngày 1-3. Theo CCTV, câu chuyện về bệnh nhân 98 tuổi này đã tiếp thêm hy vọng về khả năng hồi phục của các bệnh nhân COVID-19 dù lớn tuổi hay tình trạng có nặng thế nào đi nữa.

Pháp, Thụy Sĩ yêu cầu người dân không hôn má chào nhau để tránh dịch lây lan

Trong họp báo ngày 1-3 (giờ địa phương), Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ Alain Berset khuyến cáo người dân nên bỏ thói quen hôn má chào nhau khi gặp mặt nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19, theo hãng tin Sputnik

"Chúng ta nên giữ một khoảng cách nhất định để làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19. Việc từ bỏ thói quen hôn nhau mỗi khi gặp mặt là biện pháp cần cân nhắc một cách nghiêm túc" - ông Berset kêu gọi. 

Trước đó, vào ngày 29-2, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự khi cho rằng người dân Pháp nên bỏ thói quen hôn má và bắt tay khi gặp mặt. 

Thụy Sĩ và Pháp là hai nước có đường biên giới chung với Ý, quốc gia được xem là tâm dịch của châu Âu.

Tính đến sáng 2-3, Thụy Sĩ hiện đã ghi nhận 24 ca nhiễm, chưa có trường hợp tử vong. Pháp ghi nhận 130 ca nhiễm với hai trường hợp tử vong. 

Nhằm nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, Thụy Sĩ mới đây đã ban lệnh cấm tất cả sự kiện có trên 1.000 người tham dự đến hết ngày 15-3. H. Geneva Motor Show 2020, triển lãm xe hơi được mong chờ nhất trong năm, cũng bị hủy vì điều này.

Một quan chức Thụy Sĩ tiết lộ nước này sẽ sớm công bố hướng dẫn cách phòng tránh dịch bệnh cho người dân trong vài ngày tới.

Trong khi đó, chính phủ Pháp đến nay cũng ban hành các sắc lệnh nhằm kiềm chế sự lây lan của virus. Theo một trong các sắc lệnh này, một cuộc triển lãm nông trại Paris thường niên và cuộc thi chạy marathon với hơn 40.000 người đăng ký dự kiến vào ngày 1-33 tại Paris đã bị hủy bỏ.

Seoul đề nghị khởi tố giáo chủ Tân Thiên Địa tội danh giết người 

Theo hãng tin Yonhap, chính quyền TP Seoul hôm 1-3 đã đệ đơn lên Văn phòng Công tố quận Seoul đề nghị khởi tố nhiều lãnh đạo giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) với các cáo buộc: giết người, cố ý gây thương tích, vi phạm luật phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.

"Những người bị cáo buộc đã và đang từ chối xét nghiệm cũng như không thực hiện bất kỳ biện pháp tích cực nào để các thành viên của giáo phái hợp tác với cơ quan phòng dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus" - đơn đề nghị nêu rõ. 

Cùng ngày, Thị trưởng TP Seoul Park Won-sun đã đăng tải một bài viết trên tài khoản Facebook cá nhân gay gắt chỉ trích: "Yêu cầu ông Lee Man-hee phải chịu trách nhiệm chính cho vụ việc và ngay lập tức giải quyết vấn đề. Nếu những người này có các biện pháp chủ động hơn thì nhiều người đã không nhiễm bệnh và tử vong".

Trước động thái của Seoul, Thị trưởng TP Daegu Kwon Young-jin cũng đã tố cáo những người đứng đầu Tân Thiên Địa cố tình khai báo không chính xác về danh sách các tín đồ, gây khó khăn trong việc xác định nguồn lây nhiễm.

Tính đến sáng 2-3, Hàn Quốc ghi nhận 3.766 ca lây nhiễm COVID-19 với 21 trường hợp tử vong. Hầu hết các trường hợp ca nhiễm đều liên quan đến giáo phái nói trên, xuất phát từ TP Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang gần đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm