Trung Quốc dọa trả đũa nếu ông Trump ký dự luật về Hong Kong

Trung Quốc (TQ) ngày 20-11 đã triệu tập một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ đến để cảnh báo nước này sẽ trả đũa nếu Tổng thống Donald Trump ký thành luật dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong. Cảnh báo này đưa ra sau khi thượng viện Mỹ thông qua dự luật.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), trong một tuyên bố phát đi ngày 20-11, Bộ Ngoại giao TQ nói rằng Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triều Húc đã triệu tập ông William Klein, tham tán công sứ về các vấn đề chính trị của Đại sứ quán Mỹ tại TQ.

Người biểu tình quá khích ở Hong Kong chuẩn bị ném bom xăng vào cảnh sát hôm 18-11. Ảnh: BLOOMBERG

“TQ sẽ đưa ra các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất và Mỹ phải gánh mọi hậu quả”, tuyên bố cho biết sau khi thượng viện Mỹ thông qua dự luật có thể mở đường cho các hành động ngoại giao và trừng phạt kinh tế chống lại chính phủ Hong Kong.

Đây là lần thứ hai TQ triệu tập một nhà ngoại giao Mỹ kể từ khi làn sóng biểu tình chống chính quyền Hong Kong nổ ra cách đây năm tháng.

Hồi tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao TQ Lạc Ngọc Thành đã triệu tập ông Robert Forden  - Phó Đại sứ tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh.

Ông Klein bị triệu tập sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng nói rằng bất cứ nỗ lực nào Mỹ thực hiện nhằm can thiệp vào các vấn đề nội bộ của TQ sẽ đều vô ích.

“Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ nhìn rõ tình hình và thực hiện những bước đi ngăn chặn dự luật trở thành luật, đồng thời chấm dứt can thiệp vào các vấn đề nội bộ của TQ và Hong Kong để tránh châm lửa tự làm bỏng mình” - ông Cảnh nói trong tuyên bố.

“Nếu Mỹ vẫn kiên quyết, TQ chắc chắn sẽ đưa ra các biện pháp mạnh mẽ để kiên quyết phản đối nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia” - tuyên bố cho biết.

Một người biểu tình Hong Kong cầm cờ Mỹ hôm 20-11 tại Trường ĐH Bách khoa Hong Kong, nơi những người biểu tình vẫn đang bị cảnh sát bao vây. Ảnh: AP

Ông Cảnh nói rằng động thái của thượng viện Mỹ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các quy tắc về quan hệ quốc tế.

Tình hình Hong Kong phải đối mặt không phải về nhân quyền và dân chủ mà là về việc ngăn chặn bạo lực, lập lại trật tự, ông Cảnh nói.

Đại diện Bộ Ngoại giao TQ nói rằng những hành động bạo lực đã hủy hoại trật tự xã hội và thách thức nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”, theo đó Hong Kong giữ lại một số quyền tự do nhất định và một mức độ tự trị sau khi được Anh trao trả cho TQ năm 1997.

Trước khi thượng viện Mỹ thông qua dự luật về Hong Kong, hạ viện Mỹ tháng trước đã thông qua dự luật này. Thượng viện Mỹ cũng thông qua Đạo luật bảo vệ Hong Kong, theo đó sẽ cấm xuất khẩu một số vũ khí kiểm soát đám đông phi sát thương cho cảnh sát Hong Kong.

Các phiên bản dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong của hạ viện Mỹ và thượng viện Mỹ sẽ được chuyển tới một ủy ban gồm các thành viên của cả hai đảng để thống nhất những khác biệt rồi sẽ đưa trở lại hạ viện và thượng viện để phê chuẩn lần cuối. Tổng thống Trump sau đó sẽ có 10 ngày để ký dự luật thành luật hoặc phủ quyết.

Cả hai phiên bản dự luật sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ ban hành một báo cáo hằng năm do Ngoại trưởng Mike Pompeo xác nhận liệu Hong Kong có duy trì quyền tự trị để được hưởng quy chế ưu đãi về thương mại mà Mỹ dành cho đặc khu này nhằm thúc đẩy vị thế là một trung tâm tài chính thế giới hay không.

Dự luật cũng yêu cầu các lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân hoặc công ty bị cáo buộc vi phạm các quyền tự do được bảo đảm theo Luật Cơ bản của Hong Kong - văn kiện mang tính hiến pháp của Hong Kong.

Những người biểu tình chống chính quyền nghỉ ngơi trong nhà thi đấu của Trường ĐH Bách khoa Hong Kong ngày 20-11. Ảnh: REUTERS

Số lượng các thượng nghị sĩ ủng hộ dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong tăng lên ngày 18-11. Diễn biến này theo sau một loạt báo cáo nói về tình trạng bạo lực gia tăng kể từ hôm 17-11 giữa cảnh sát Hong Kong và những người biểu tình cực đoan tại ĐH Bách khoa Hong Kong.

Nhiều nghị sĩ Mỹ đã đổ lỗi cho chính phủ Bắc Kinh và chính quyền Hong Kong về tình trạng bạo lực kéo dài trong những tháng gần đây và đưa đến đỉnh điểm là tình trạng bạo lực trong trường đại học.

Chính quyền Hong Kong lấy làm tiếc việc Mỹ thông qua hai dự luật, nói rằng không cần thiết và vô căn cứ. Chính quyền Hong Kong trong một tuyên bố nói rằng những hành động này sẽ làm tổn hại lợi ích của cả Hong Kong và của Mỹ.

Cục trưởng Cục Phát triển kinh tế, thương mại Hong Kong Edward Yau Tang-wah đã chỉ trích những gì ông gọi là hành động “tùy tiện và không cần thiết” và chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”.

“Tôi không muốn mọi người bị nhầm lẫn: Sự can thiệp tùy tiện của nước ngoài là đang đổ thêm dầu vào lửa ở Hong Kong. Tôi không nhìn thấy chúng tôi đang có bất kỳ cách khả thi nào để xoa dịu tình hình. Vì vậy tôi yêu cầu mọi người kiềm chế can thiệp vào tình hình vốn đã mong manh này” - ông Edward Yau nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm