Trung Quốc khả năng tăng cường sản xuất lựu đạn cay

Trung Quốc khả năng sẽ tăng sản xuất lựu đạn cay và một số loại vũ khí kiểm soát đám đông không gây chết người khác (như các thiết bị về âm thanh, điện từ…) phục vụ nhu cầu cảnh sát trong nước lẫn nước ngoài, báo SCMP dẫn ý kiến nhiều nhà nghiên cứu thị trường và nhà sản xuất.

Các loại vũ khí, thiết bị này vốn được cả quân đội và cảnh sát chống bạo động Trung Quốc sử dụng, và được xuất khẩu khắp toàn cầu.

Lựu đạn cay Trung Quốc đi khắp toàn cầu

Trung Quốc bắt đầu sản xuất lựu đạn cay từ thập niên 1990. Hơn một thập niên qua, cảnh sát chống bạo động Trung Quốc đã sử dụng lựu đạn cay trong các cuộc biểu tình nghiêm trọng hàng đầu của nước này, trong đó có các cuộc biểu tình phản đối việc tịch thu đất ở làng Ô Khảm thuộc tỉnh Quảng Đông năm 2011 và năm 2016.

Hơi cay được bắn trong một buổi huấn luyện cảnh sát ở TP Thâm Quyến (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS

Hơi cay được bắn trong một buổi huấn luyện cảnh sát ở TP Thâm Quyến (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS

Truyền thông cũng từng đưa tin lựu đạn cay sản xuất tại Trung Quốc từng được sử dụng trong các sự kiện bất ổn chính trị ở Thái Lan, trong làn sóng biểu tình mùa xuân Ả Rập, trong các cuộc biểu tình ở Sudan và Venezuela.

Nghiên cứu của tổ chức Ân xá Thế giới và Quỹ Nghiên cứu Omega năm 2014 cho biết số công ty Trung Quốc sản xuất “thiết bị giữ trật tự và an ninh” đã tăng gấp bốn lần trong hơn một thập niên qua và hiện có 48 công ty có xuất khẩu.

Năm ngoái, công ty tư nhân sản xuất thiết bị cảnh sát Jinjian (Trung Quốc) bán ra khoảng 20.000 quả lựu đạn cay.

“Phần lớn khách hàng là trong nước nhưng cũng có khách hàng nước ngoài và các công ty thương mại cuối cùng cũng bán lại hàng cho nước ngoài. Theo tôi biết, một số lượng lựu đạn cay của chúng tôi được bán sang Algeria” - SCMP dẫn lời ông Han, một nhân viên bán hàng của Công ty Jinjian.

Ông Han cho biết hóa chất sử dụng trong lựu đạn cay hết hạn sau 1-2 năm, vì thế cảnh sát sẽ phải thường xuyên thay hóa chất này.

Một khảo sát của các nhà phân tích từ công ty nghiên cứu và thị trường (Ireland) công bố đầu tháng này cho thấy thị trường vũ khí đối phó biểu tình của Trung Quốc có thể tăng đến 7,4% thời điểm từ giữa năm nay đến năm 2025, tương đương khoảng 811 triệu USD.

Một nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research (Mỹ) nhận định toàn bộ ngành công nghiệp này có thể đạt đến hơn 9,7 tỉ USD vào năm 2022. Trung Quốc được dự đoán sẽ là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất “vì tăng trưởng kinh tế mạnh, tăng chi tiêu quân sự, phát triển công nghiệp nhanh và gia tăng tình hình bất ổn dân sự”.

Không có luật cấm Hong Kong dùng lựu đạn cay từ Trung Quốc

Lựu đạn cay là một trong những lựa chọn hàng đầu của cảnh sát khi phải đối phó biểu tình vì tính tiện dụng của nó, chi phí thấp mà hiệu quả giải tán biểu tình cao.

Lựu đạn cay là một trong những loại vũ khí đang được cảnh sát Hong Kong sử dụng đối phó biểu tình. Tính đến nay cảnh sát Hong Kong đã bắn hơn 1.800 quả lựu đạn cay.

Anh – nguồn cung cấp lựu đạn cay chính cho cảnh sát Hong Kong – cho biết sẽ ngưng xuất khẩu mặt hàng này cho Hong Kong. Ảnh: AFP

Anh - nguồn cung cấp lựu đạn cay chính cho cảnh sát Hong Kong - cho biết sẽ ngưng xuất khẩu mặt hàng này cho Hong Kong. Ảnh: AFP

Hồi tháng 6, Anh - nước cung cấp lựu đạn cay chính cho cảnh sát Hong Kong - cho biết sẽ ngưng xuất khẩu lựu đạn cay và đạn cao su cho Hong Kong vì "lo ngại lạm dụng nhân quyền".

Hiện Trung Quốc đại lục không cung cấp lựu đạn cay cho chính quyền Hong Kong. Tuy nhiên, không có luật nào cấm cảnh sát Hong Kong sử dụng lựu đạn cay sản xuất từ Trung Quốc đại lục.

Nghị viện châu Âu cũng bày tỏ lo ngại và ra một nghị quyết kêu gọi phải có một cơ chế kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn Trung Quốc và đặc biệt là Hong Kong có thể “tiếp cận công nghệ vi phạm các quyền cơ bản”.

Lựu đạn cay bị cấm sử dụng trong chiến tranh nhưng được phép sử dụng kiểm soát bạo động nội địa theo Hiệp định Vũ khí hóa học. Điều này có nghĩa Trung Quốc không có nghĩa vụ phải cấm hay kiểm soát chặt chuyện xuất khẩu lựu đạn cay của mình.

Tuy nhiên, theo một nhân viên bán hàng ở công ty nhà nước chuyên sản xuất thiết bị quân nhu đặc biệt Henan (Trung Quốc), một trong 50 đối tác cung cấp lựu đạn cay cho cảnh sát nước này, thực tế vẫn có một số giới hạn trong xuất khẩu.

“Các đối tác mua nước ngoài phải cung cấp một bộ tài liệu như thông tin và giấy phép bên sử dụng, cũng như cần phải được phía cảnh sát Trung Quốc duyệt” - nhân viên bán hàng của Henan cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm