Virus gây dịch COVID-19 chưa hẳn xuất phát từ Trung Quốc?

Hiện dịch COVID-19 đã xuất hiện ở hơn 40 nước và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc. Dịch ban đầu được cho xuất phát từ một khu chợ hải sản ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) sau đó lan đi khắp nước và sang nhiều nước khác.

Virus chưa hẳn xuất phát từ Trung Quốc?

Tuy nhiên, theo chuyên gia về bệnh đường hô hấp hàng đầu ở Trung Quốc Zhong Nanshan, đúng là dịch bùng phát từ Trung Quốc nhưng ca nhiễm virus đầu tiên có thể không phải là từ nước này.

“Khi chúng ta ra dự báo, chúng ta chỉ nghĩ về Trung Quốc mà không nghĩ đến các nước khác. Nhưng giờ dịch đã và đang xuất hiện ở các nước khác. Dù dịch bắt đầu ở Trung Quốc, không nhất thiết có nghĩa Trung Quốc là nguồn xuất phát dịch” - báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông Zhong.

Các nhà khoa học gen biến đổi trong virus gây dịch COVID-19 tương tự gen biến đổi trong HIV hay Ebola. Ảnh: AP

Cũng theo ông Zhong, rất nhiều động vật hoang dã có thể là vật mang virus gây ra dịch COVID-19 chứ không chỉ từ con tê tê. Và nguồn của virus vẫn chưa được xác định.

Người Trung Quốc mang dịch từ nước khác về

Theo tin từ SCMP, ngày 26-2 khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ thông báo có một ca nhiễm - là một người vừa từ Iran về.

Nhà chức trách y tế khu tự trị Ninh Hạ cho biết bệnh nhân này có mang một khẩu trang N95 trong khi di chuyển từ Iran sang Moscow (Nga) ngày 19-2. Người này ở lại Moscow trong 16 giờ trước khi lên máy bay sang Thượng Hải.

Ngày 22-2 người này lên tàu hỏa từ Thượng Hải và đến Lan Châu (tỉnh Cam Túc) một ngày sau đó, tiếp tục lên một tàu hỏa khác và đến khu tự trị Ninh Hạ vào ngày 24-2. Trong suốt quá trình di chuyển người này đều mang khẩu trang.

May mắn Trung Quốc không hành động quá trễ

Dù đặt câu hỏi về nguồn gốc virus gây dịch COVID-19 nhưng chuyên gia Zhong cũng thừa nhận số bệnh nhân có thể ít đi nhiều nếu Trung Quốc hành động từ đầu tháng 12-2019. Cũng theo ông Zhong, nếu Trung Quốc hành động trễ hơn chỉ vài ngày thì số người nhiễm lúc này có thể đã hơn 100.000 người.

“Đã có ba nạn dịch virus Corona kể từ đầu thế kỷ 21. Chúng ta phải hành động để ngăn chặn lây lan mỗi khi có một trường hợp nhiễm. Đây là bài học lớn cho chúng ta” - SCMP dẫn lời chuyên gia Zhong.

Các nhà hàng ở Bắc Kinh (Trung Quốc) phải chuyển hướng phục vụ mang đi để có thể duy trì kinh doanh trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: AP

Ông Zhong cũng kêu gọi trao nhiều thẩm quyền hơn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc (CDC) và các chi nhánh địa phương của cơ quan này trong công tác chống dịch. Hiện tại các chi nhánh của cơ quan này chỉ có thể báo cáo tình hình cho nhà chức trách địa phương để nhà chức trách ra quyết định nên làm gì.

“Ở các nước khác, CDC có thể báo cáo lên chính phủ trung ương thậm chí cảnh báo trực tiếp đến công chúng trong “tình huống đặc biệt”. Dù đội chuyên gia của chúng tôi đã thông báo từ ngày 20-1 có sự truyền nhiễm từ người qua người, và sự truyền nhiễm này được phát hiện sớm hơn lúc thông báo nhiều…đã không có ai chú ý đến điều này” - ông Zhong nói.

Bác sĩ Lý Văn Lượng - người đầu tiên cảnh báo về dịch COVID-19 đã qua đời vì bệnh này. Ảnh: AFP

Ông Zhong nhấn mạnh chuyện nhiều bác sĩ, trong đó có BS Lý Văn Lượng đã cảnh báo về dịch từ giữa đến cuối tháng 12-2019 nhưng cảnh báo này không được thông báo đến chính phủ mãi cho đến ngày 30-12-2019.

Hai tháng nữa mới kiểm soát được dịch

Dù thế, chuyên gia Zhong tự tin dịch sẽ “được kiểm soát về cơ bản” ở Trung Quốc vào cuối tháng 4.

“Dù có ổ dịch lớn ở Vũ Hán nhưng chúng tôi không thấy có ổ dịch lớn ở các TP khác. Trước đây chúng tôi dự đoán đỉnh dịch sẽ vào giữa hoặc cuối tháng 2, nhờ có sự can thiệp mạnh của chính phủ và sự giảm đi lại sau kỳ lễ tết Nguyên đán” - ông Zhong nói.

“Số ca nhiễm bắt đầu giảm sau ngày 15-2. Dự đoán của chúng tôi cũng tương tự dự đoán của nhiều chuyên gia các nước khác. Và chúng tôi tự tin dịch sẽ được kiểm soát về cơ bản từ tháng 4” - theo ông Zhong.

Ông Zhong cho rằng các dự đoán của các chuyên gia nước ngoài - nhiều người đoán sẽ có hơn 160.000 người nhiễm bệnh trong đợt dịch này - đã không tính tới các biện pháp can thiệp của chính phủ Trung Quốc. Ông cho biết đội chuyên gia của ông dự đoán số người nhiễm trong đợt dịch này khoảng 70.000 người, và đã gửi con số này lên một tờ báo y khoa quốc tế nhưng tờ báo này không chấp nhận đăng.

Khử trùng một trạm xe buýt ở Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: AFP

Theo ông Zhong, một người nhiễm về trung bình có thể lây nhiễm cho từ 2-3 người, và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm chống dịch với các nước này. Điều này đặc biệt cần kíp trong bối cảnh dịch tăng mạnh ở các nước ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Ý, Iran. Ông Zhong nói Trung Quốc nên nghiên cứu cách giúp Hàn Quốc - nước có dịch nghiêm trọng thứ hai sau Trung Quốc đại lục.

 Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã phản đối đến đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh về chuyện báo Wall Street Journal có bài bình luận mang khuynh hướng phân biệt chủng tộc. Theo người phát ngôn Hoa Xuân Doanh, Trung Quốc nói sẽ có thêm hành động nếu Mỹ có thêm hạn chế với các cơ quan báo chí Trung Quốc hoạt động trên đất Mỹ.

Lời bà Hoa nhằm phản ứng lại phát ngôn trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng việc Trung Quốc trục xuất ba nhà báo Wall Street Journal - để trả đũa cho bài viết - là vi phạm tự do báo chí. Bài viết của Wall Street Journal có tiêu đề: “Trung Quốc là người bệnh thật sự ở châu Á” đã hứng chỉ trích mạnh từ nhiều quan chức và cộng đồng mạng Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm