Hãng tin Reuters ngày 7-9 dẫn lời Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết chính quyền Anh đã đưa ra thông báo triệu tập Đại sứ Nga tại nước này để bày tỏ quan ngại về vụ đầu độc nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny.
"Chúng tôi đã cho triệu tập Đại sứ Nga tại Anh đến để bày tỏ nỗi quan ngại sâu sắc của chúng tôi về vụ đầu độc ông Alexei Navalny” - ông Raab đăng trên trang Twitter cá nhân.
“Việc sử dụng một loại vũ khí hóa học vốn đã bị cấm là hoàn toàn không thể chấp nhận, chính phủ Nga cần phải tổ chức điều tra vụ việc này một cách cẩn thận và minh bạch" - Ngoại trưởng Raab nói, đồng thời thêm rằng ông thấy nhẹ nhõm khi biết tin ông Navalny đã hết hôn mê.
Hiện Bộ Ngoại giao Nga chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào trước động thái của Anh.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab. Ảnh: BBC
Cùng ngày, Bệnh viện Charite ở Đức, nơi ông Alexei Navalny đang điều trị, cho biết ông "đã kết thúc đợt hôn mê nhờ can thiệp y tế và đang dần cai máy thở, có phản ứng với kích thích bằng giọng nói và tình trạng đang khá dần lên".
Tuy nhiên, giới chức y tế Đức cho rằng còn quá sớm để có thể đưa ra kết luận về những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của ông Navalny, Reuters đưa tin.
Báo South China Morning Post hôm 20-8 đưa tin chính trị gia đối lập ở Nga - ông Alexei Navalny đang điều trị tích cực tại một bệnh viện ở TP Omsk, Nga sau khi hôn mê vì ngộ độc trong một chuyến bay.
Người phát ngôn của ông Navalny - bà Kira Yarmysh thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng ông Navalny bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ TP Tomsk, vùng Siberia về thủ đô Moscow. Máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống TP Omsk và ông Navalny nhanh chóng được đưa đến bệnh viện.
Bà Yarmysh tin rằng ông Navalny "bị ngộ độc" do chất độc từ tách trà mà ông uống vào buổi sáng trước đó tại quán cà phê sân bay. Sau đó trên chuyến bay, ông Navalny vào phòng tắm và bất tỉnh trong tình trạng nghiêm trọng.
Ông Navalny thuộc phe đối lập, là đối thủ chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Năm 2018, ông đã lập một mạng lưới các văn phòng tranh cử trên khắp nước Nga và kể từ đó đã đưa ra các ứng cử viên đối lập trong các cuộc bầu cử khu vực, thách thức các thành viên của đảng cầm quyền Nga.
Lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny. Ảnh: REUTERS
Các quan chức Y tế Đức hôm 2-9 đã tiết lộ rằng ông Navalny bị đầu độc bởi hợp chất Novichok, song phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi đây là tuyên bố "thiếu bằng chứng".
Các bác sĩ Nga khẳng định không tìm thấy dấu vết nào của chất độc trong cơ thể ông Navalny, giải thích rằng ông Navalny bất tỉnh là do hiện tượng giảm đột ngột lượng đường trong máu vì mất cân bằng trao đổi chất.
Ngoại trưởng Raab cũng nói rằng có thể chính phủ Nga đứng sau "vụ đầu độc Navalny" và cho rằng thủ lĩnh đối lập Nga "rõ ràng" bị đầu độc bằng Novichok, chất độc thần kinh có từ thời Liên Xô.
Phía Điện Kremlin cho biết Nga lên án mọi nỗ lực nhằm đổ lỗi cho chính phủ Nga trong vụ ông Navalny, cho rằng đó là hành động "vô lý".
Moscow cũng nhiều lần bác mọi cáo buộc liên quan tới vụ việc, khẳng định không lý do gì để đổ lỗi hay trừng phạt Nga và tỏ ý hy vọng vấn đề này không hủy hoại quan hệ của họ với các nước phương Tây, Reuters đưa tin.