Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 18-6 cho biết cơ quan này mong muốn có được hàng trăm triệu liều vaccine phòng ngừa COVID-19 vào cuối năm nay, đồng thời cho rằng nên ưu tiên cung cấp vaccine cho những người dễ bị phơi nhiễm nhất.
Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc (LHQ) đặt mục tiêu phân phối hai tỉ liều vaccine vào cuối năm 2021, trong khi các công ty dược phẩm vẫn đang gấp rút tìm ra loại vaccine có tác dụng thật sự.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan - nhà khoa học hàng đầu của WHO - cho biết bà cùng các nhà khoa học các nước đang nghiên cứu hơn 200 ứng cử viên vaccine khác nhau trên khắp thế giới, trong đó có 10 loại đang được thử nghiệm trên người.
"Chúng tôi đang làm việc hết sức với niềm tin lạc quan rằng có thể có được hàng trăm triệu liều vaccine vào cuối năm nay. Nếu chúng tôi thật sự may mắn, sẽ điều chế thành công một hoặc hai loại vaccine" - bà Swaminathan nói trong một cuộc họp báo.
Các chai thuốc được dán nhãn "Vaccine COVID-19" và ống tiêm y tế được chụp vào ngày 10-4-2020. Ảnh: REUTERS
Nhà khoa học hàng đầu WHO cũng cho biết bà đã xác định được ba nhóm người được ưu tiên tiêm vaccine đầu tiên một khi cả thế giới tìm ra được loại vaccine cuối cùng.
Họ bao gồm những “anh hùng tiền tuyến” có khả năng tiếp xúc cao trong nạn dịch - các y bác sĩ và lực lượng cảnh sát; tiếp theo là những người dễ mắc bệnh nhất, như người lớn tuổi và bệnh nhân tiểu đường; cuối cùng là nhóm người ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, bao gồm các khu ổ chuột và viện dưỡng lão.
"Bạn phải bắt đầu với những người có nguy cơ dễ mắc bệnh nhất, rồi sau đó tiêm vaccine cho thêm nhiều người khác" - hãng tin Channel News Asia dẫn lời bà Swaminathan cho biết.
"Chúng tôi cũng hy vọng rằng tới năm 2021 sẽ có được hai tỉ liều cho một, hai hoặc thậm chí ba loại vaccine phân phối trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vẫn chưa có loại nào được xác định chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả thật sự” - Tiến sĩ Swaminathan nói thêm.
Vào tháng trước, giám đốc các công ty dược phẩm trên thế giới cho biết trước năm 2021 có thể tiến hành phân phối một số loại vaccine COVID-19 mà họ đang nghiên cứu.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan cho biết bà cùng các nhà khoa học đang nghiên cứu hơn 200 ứng viên vaccine khác nhau trên khắp thế giới. Ảnh: WHO
Bà Swaminathan cũng cho biết các nhà khoa học trên thế giới hiện đang phân tích 40.000 biến thể của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Hôm 17-6, WHO đã quyết định cho tạm dừng các cuộc thử nghiệm liên quan đến sử dụng thuốc trị sốt rét Hydroxychloroquine điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại các cơ sở y tế, sau khi có bằng chứng rằng loại thuốc không thật sự có tác dụng.
Tiến sĩ Swaminathan cho biết WHO đang xem xét liệu loại thuốc này có thể giúp bảo vệ và chống lại sự phát triển của virus gây dịch COVID-19 hay không.
Hydroxychloroquine đã trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh cãi trên thế giới về khả năng phòng ngừa COVID-19 nhiều tháng qua, theo Channel News Aisa.