Nguồn: YOUTUBE CNBC
Ông Trump không giao vali hạt nhân cho Tổng thống đắc cử Joe Biden vì thời điểm ông Biden tuyên thệ nhậm chức, ông Trump ở bang Florida.
Vali hạt nhân đã theo ông Trump về bang Florida.
Mời xem thêm ở đây:
Lễ nhậm chức của ông Biden, bà Harris đã kết thúc.
Sẽ có một buổi lễ diễu hành nhậm chức, theo CNN.
"Tôi sẽ hết mình chiến đấu vì những người đã không ủng hộ tôi như tôi chiến đấu vì người đã ủng hộ tôi" - ông Biden nói.
Tổng thống Biden cám ơn những người tiền nhiệm từ cả hai đảng, kể cả những người không thể có mặt tại lễ nhậm chức của ông.
Ông Biden phát biểu tại lễ nhậm chức. Ảnh: GETTY IMAGES
Đề cập đến vụ bạo động ngày 6-1 ở toà nhà Quốc hội, ông Biden khẳng định dù đúng là một sự kiện đáng quên, song nó đã tạo ra chất xúc tác để toàn thể nước Mỹ đoàn kết lại làm một, cùng trở thành một quốc gia thống nhất, không gì chia cắt được.
"Giờ là lúc chúng ta hay giữ lấy những giá trị rất Mỹ như can đảm, luôn tiến về phía trước và cùng nhìn về tương lai. Tương lai của một nước Mỹ tích cực, một nước Mỹ mà chúng ta hằng mong ước" - ông Biden khẳng định.
Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Biden khẳng định đây là ngày hôm nay chính là ngày của toàn nước Mỹ, ngày nền dân chủ chiến thắng cũng như là thời khắc lịch sử của niềm hy vọng, sẻ chia và gắn kết.
"Người dân, ý chí của người dân đã được lắng nghe và ý nguyện của người dân đã được thi hành. Chúng ta lại một lần nữa học một bài học về sự quý giá và dễ tổn thương của nền dân chủ. Tuy nhiên, cuối cùng các giá trị dân chủ cũng chiến thắng" - ông Biden khẳng định.
Ông Biden phát biểu sau nhậm chức. Ảnh: CNN
Ông Biden đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ, trước Chánh án Tòa án tối cao John Roberts.
Ông Biden tuyên thệ. Ảnh: CNN
Bà Kamala Harris đã tuyên thệ trước thẩm phán tối cao Sonia Sotomayor trở thành nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.
Bà Harris tuyên thệ. Ảnh: CNN
Ca sĩ Lady Gaga hát quốc ca Mỹ. Ảnh: CNN
Bà Kamala Harris sắp tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống Mỹ.
Bà Harris sẽ là phó tổng thống đầu tiên của Mỹ là phụ nữ, là người da màu, là người châu Á.
Vợ chồng bà Harris tại lễ nhậm chức. Ảnh: GETTY IMAGES
Vợ chồng cựu Tổng thống Barack Obama đã đến tòa nhà Quốc hội. Ông Obama được nhìn thấy mang khẩu trang đen, bận rộn đi lại chào hỏi những người đã cùng làm việc trước đây.
Vợ chồng ông Obama đến dự lễ nhậm chức của ông Biden. Ảnh: GETTY IMAGES
Số người tham dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden năm nay sẽ bị hạn chế do COVID-19. Ảnh: Kevin Dietsch/UPI/Bloomberg/Getty Images
Đương kim Tổng thống Donald Trump và gia đình được xác nhận đã đáp Không lực Một xuống sân bay quốc tế Palm Beach International Airport thuộc TP West Palm Beach, bang Florida.
Nhiều người ủng hộ đã tập trung sẵn để chào đón ông Trump, bất chấp việc chính quyền địa phương đã ban lệnh hạn chế giao thông xung quanh phi trường này từ vài ngày trước.
Dự kiến, ông sẽ lên xe đi thẳng tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago và sẽ ở đây trong vài ngày tới.
Trước đó, tại lễ chia tay nhiệm kỳ ở căn cứ không quân Andrews, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự cảm kích trước tình cảm của những người trung thành với ông, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục dõi theo và chiến đấu vì họ.
Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump tại sân bay quốc tế Palm Beach International Airport. Nguồn: CNBC
Các quan khách, nghị sĩ ổn định chỗ ngồi trên sân khấu chuẩn bị bắt đầu lễ nhậm chức của ông Biden. Ảnh: CNN
Vợ chồng ông Biden (giữa) vào tòa nhà Quốc hội chuẩn bị bắt đầu lễ nhậm chức. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo kênh Fox News, ông Biden sẽ ký 17 sắc lệnh đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20-1 (giờ Mỹ).
Động thái này được cho nhằm khôi phục một loạt chính sách thời chính quyền Tổng thống Barack Obama và đảo ngược một số chính sách mà đội ngũ ông Biden gọi là “những thiệt hại nặng nề nhất” mà chính quyền ông Trump để lại.
Ông Biden dự kiến ký sắc lệnh từ phòng Bầu Dục vào chiều 20-1 (giờ Mỹ) sau lễ nhậm chức.
“Ông ấy muốn xắn tay áo lên và bắt đầu làm việc càng nhanh càng tốt” – bà Jen Psaki, người được ông Biden chỉ định làm Thư ký Nhà Trắng nói.
Bà nói thêm một trong số những công việc đó sẽ là đảo ngược các hành động của ông Trump để thực hiện những mục tiêu của ông Biden là đưa đất nước tiến lên.
Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ được chính ông Eugene Goodman - viên cảnh sát đã quyết liệt kháng cự và đuổi những người bạo loạn ra khỏi tòa nhà Quốc hội 2 tuần trước - hộ tống đến lễ nhậm chức.
Đoàn xe chở Tổng thống đắc cử Joe Biden đã tới tòa nhà Quốc hội, nơi ông sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ vào trưa cùng ngày.
Đương kim Phó Tổng thống Mike Pence, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cùng vợ là cựu Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao cũng đã đến tòa nhà Quốc hội. Bà Chao từ chức sau vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội ngày 6-1.
Một số thượng nghị sĩ như Chuck Schumer, Amy Klobuchar, Ted Cruz,cũng có mặt.
Nguồn tin của đài CNN vừa xác nhận lực lượng an ninh đã tiến hành sơ tán khẩn cấp mọi cá nhân có mặt ở trụ sở Toà án tối cao Mỹ vì bị đe doạ đánh bom.
Hiện nhà chức trách đang tiến hành rà soát khu vực xung quanh và truy tìm đối tượng tình nghi.
Đáng chú ý, trụ sở Toà án tối cao chỉ cách toà nhà Quốc hội - nơi sẽ diễn ra lễ nhậm chức của ông Biden chưa tới năm phút chạy xe.
Mời xem thêm ở đây:
Vợ chồng ông Biden (trái) và vợ chồng bà Harris tưởng niệm các nạn nhân đã chết vì COVID-19, tối 19-1. Ảnh: NYT
Các lãnh đạo Hạ viện tưởng niệm các nạn nhân đã chết vì COVID-19, tối 19-1. Ảnh: REDUX
191.500 lá cờ Mỹ được cắm ở công viên quốc gia, thể hiện hình ảnh người dân Mỹ đến dự lễ nhậm chức của ông Biden. Ảnh: GETTY IMAGES
Vệ binh quốc gia tại Điện Capitol, sáng 20-1. Ảnh: REDUX
Vệ binh quốc gia nghỉ ngơi bên ngoài Điện Capitol, sáng 20-1. Ảnh: CNN
Chuẩn bị cho lễ nhậm chức, sáng 20-1. Ảnh: CNN
Ông Biden là phó tổng thống hai nhiệm kỳ ông Obama làm tổng thống.
Bức ảnh ông Obama (trái) đưa lên Twitter, ông Biden bên phải.
Nhà Trắng chiều 19-1, ngày cuối cùng Tổng thống Trump còn bên trong. Ảnh: CNN
Máy bay chở Tổng thống Trump rời Nhà Trắng sáng 20-1. Ảnh: CNN
Chuẩn bị thảm đón Tổng thống Trump tại căn cứ Andrew. Ảnh: AFP
Người ủng hộ Tổng thống Trump đến tạm biệt ông tại căn cứ Andrew. Ảnh: REUTERS
Theo đài CNN, ngày diễn ra buổi lễ nhậm chức của ông Biden có thể là ngày đầy nắng đầu tiên kể từ khi Tổng thống Bill Clinton tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên - gần ba thập niên trước.
Ngày hôm nay (20-1) là một ngày se lạnh, hanh hao ở Washington, DC. Đây cũng có thể là một trong những lễ nhậm chức lộng gió nhất từng được ghi nhận, theo CNN.
Cổ phiếu Mỹ tăng giá ngay đầu phiên sáng 20-1, trước giờ nước này có tổng thống mới.
Bức ảnh vợ chồng Tổng thống Trump chụp lần cuối ở Nhà Trắng. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Mời xem thêm ở đây:
Đội ngũ ông Biden vừa có bước đi đầu tiên xử lý dịch COVID-19. Trên Twitter sáng 20-1, Tổng Y sĩ Mỹ - Tiến sĩ Jerome Adams xác nhận thông tin đội ngũ ông Biden đã yêu cầu ông từ chức.
"Đội ngũ ông Biden yêu cầu tôi từ chức Tổng Y sĩ. Thật là vinh dự cả cuộc đời tôi khi được phục vụ đất nước, và tôi sẽ làm mọi điều có thể để đảm bảo mọi người có được cơ hội công bằng để giữ gìn sức khỏe mình" - ông Adams viết trên Twitter.
Yêu cầu ông Adams từ chức cho thấy phía ông Biden muốn tách bạch phản ứng COVID-19 của mình với cách phản ứng của chính quyền ông Trump, theo CNN. Tháng trước ông Biden có nói sẽ đề cử Tiến sĩ Vivek Murthu làm Tổng Y sĩ dưới thời mình. Đây là vị trí ông Murthy từng giữ dưới thời chính phủ Obama.
Ông Trump lên chiếc Marine One rời Nhà Trắng.
Ông Trump phát biểu tại căn cứ không quân Andrew.
Vợ chồng ông Biden (giữa, hàng đầu) làm lễ nhà thờ.
Theo CNN cùng làm lễ nhà thờ với gia đình vợ chồng ông Biden còn có gia đình Phó Tổng thống đắc cứ Kamala Harris, cùng các lãnh đạo Quốc hội cả hai đảng.
Vợ chồng Tổng thống đắc cử Joe Biden làm lễ tại nhà thờ St. Matthew the Apostle ở thủ đô Washington, DC, với các lãnh đạo Quốc hội. Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Trump có để lại lời nhắn riêng cho ông Biden, tuy nhiên nội dung lời nhắn chưa được rõ, theo CNN.
Đệ nhất phu nhân Trump cũng có để lại lời nhắn cho vợ ông Biden.
Đài CNN dẫn một nguồn thạo tin cho biết các phụ tá của ông Trump đã chuẩn bị cho ông một bài phát biểu cho trước khi ông rời Nhà Trắng.
Nội dung bài nói chú trọng đề cập chính quyền sắp tới và quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình nhưng sử dụng những ngôn từ hòa nhã hơn.
Tuy nhiên, nguồn tin này cho biết ông Trump đã gạt bỏ bài phát biểu này sau khi ông xem qua nội dung.
Vợ chồng Tổng thống Trump lên máy bay rời căn cứ Andrew bay về Florida. Ảnh: AP
Tổng thống Trump hứa "sẽ luôn chiến đấu" và chúc "may mắn lớn" cho chính quyền của ông Biden.
"Các bạn là những người tuyệt vời. Đây là đất nước cực kỳ tuyệt vời. Quả là vinh dự và đặc ân lớn lao nhất của tôi khi được là tổng thống của các bạn. Tôi sẽ luôn chiến đấu vì các bạn. Tôi sẽ dõi theo. Tôi sẽ lắng nghe...Tôi chúc chính quyền mới nhiều may mắn và thành công. Tôi nghĩ họ sẽ đạt được thành công lớn. Họ có nền tảng để làm những điều thật sự ngoạn mục" - ông Trump phát biểu.
Ông Trump cũng cám ơn Phó Tổng thống Mike Pence, Đệ nhị phu nhân Karen Pence, và các nghị sĩ Quốc hội.
Tổng thống Trump phát biểu tại căn cứ Andrew sáng 20-1. Ảnh: AP
Tổng thống Trump bắt đầu bài phát biểu chia tay tại căn cứ Andrew với những lời dành cho người thân, cũng đang cùng dự buổi lễ.
"Mọi người không hiểu được gia đình này đã làm việc chăm chỉ thế nào. Họ đã có thể có một cuộc sống dễ dàng hơn, chỉ là họ đã làm việc của mình rất tuyệt vời" - ông Trump nói về các con mình.
Ông cũng dành những lời lẽ xúc động cho vợ là đệ nhất phu nhân Melania Trump.
Ông Trump cũng nhắc đến Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows.
Đệ nhất phu nhân Trump tươi cười bên chồng ở căn cứ Andrew. Ảnh: AP
Nói những lời cuối với cánh báo chí trước khi rời Nhà Trắng sáng nay Tổng thống Trump nói thật là "vinh dự to lớn", "vinh dự suốt đời" với ông khi được phục vụ đất nước với tư cách là tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Trước khi rời đi, ông Trump nói thêm rằng ông hy vọng đây không phải là "sự chia tay lâu dài".
Tổng thống Trump trao đổi với cánh báo chí trước khi rời Nhà Trắng sáng 20-1. Ảnh: AP
Tổng thống Trump vừa đến căn cứ không quân Andrew, nơi ông sẽ tham dự lễ chia tay nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện công khai trong hơn một tuần qua.
Trên bục phát biểu dành cho ông có in dấu triện tổng thống, không có máy đọc chữ.
Sau buổi lễ này ông Trump sẽ bay về khu nghỉ mát Mar-a-Lago và dự kiến sẽ có mặt ở Florida trước thời điểm ông Biden tuyên thệ nhậm chức.
Một nguồn tin thân cận Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đã dành đêm cuối cùng ở Nhà Trắng để ký lệnh ân xá và ký giấy tờ, cho tới nửa đêm.
Con gái Ivanka Trump có mặt bên cạnh cha đến 10 giờ tối, sau đó rời đi và dành thời gian đến 2 giờ sáng 20-1 để gọi điện thông báo cho một số nhân vật được ông Trump ân xá.
Các nguồn tin của CNN mô tả tâm trạng của gia đình Tổng thống Trump trước khi rời khỏi Nhà Trắng buồn vui lẫn lộn. Có nguồn tin cho biết ông Trump có vẻ nhẹ nhõm khi bỏ lại áp lực tổng thống phía sau.
Chiếc máy bay Marine One đã cất cánh, chở vợ chồng Tổng thống Trump rời Nhà Trắng về căn cứ không quân Andrew.
Hình ảnh truyền thông chụp được cho thấy Tổng thống Trump có vẻ nhiều cảm xúc lúc ông chuẩn bị lên máy bay.
Tổng thống Donald Trump vẫy chào mọi người ra tiễn ông, trước khi lên chiếc Marine One rời Nhà Trắng sáng 20-1. Ảnh: AFP/GETTY IMGES
Theo đài CNN thì vợ chồng Tổng thống Trump đang chuẩn bị rời Nhà Trắng trên chiếc Marine One - máy bay của Thủy quân lục chiến Mỹ.
Dự kiến ông Trump sẽ đến căn cứ không quân Andrew bên ngoài thủ đô để dự lễ chia tay nhiệm kỳ, sau đó sẽ bay về khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida. Theo CNN, với việc rời khỏi Nhà Trắng và bay về Florida trước khi lễ nhậm chức của ông Biden diễn ra, ông Trump vẫn được xem là tổng thống trong suốt chuyến bay về Florida.
Hình ảnh chiếc Marine One chờ chở vợ chồng ông Trump từ Nhà Trắng tới căn cứ không quân Andrew và về Florida. Ảnh: CNN
Các lực lượng thực thi pháp luật Mỹ đang tập trung chuẩn bị cho lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Joe Biden khi những lo ngại an ninh tăng cao. Trong bối cảnh này đài CNN chia sẻ câu chuyện của ông David Axelrod - cố vấn cấp cao của cựu Tổng thống Barack Obama - về mối đe dọa khủng bố trong lễ nhậm chức cách đây 12 năm.
Ông Barack Obama (phải) và ông David Axelrod (trái) nói chuyện trong Nhà Trắng hồi năm 2009. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo câu chuyện mà ông Axelrod chia sẻ, đêm 19-1-2009, tức là ngay trước lễ nhậm chức của ông Obama (nhiệm kỳ thứ nhất), ông Rahm Emanuel - người sau đó trở thành Chánh Văn phòng Nhà Trắng - đã gọi đến di động của ông Axelrod và yêu cầu ông Axelrod gọi lại ngay lập tức cho ông bằng điện thoại cố định.
Khi đó, ông Axelrod dự cảm có vấn đề khẩn cấp, đặc biệt là khi ông Rahm yêu cầu sử dụng điện thoại cố định thay vì điện thoại di động. Dù đang thăm nhà một người bạn, ông Axelrod đã gấp rút mượn điện thoại bàn và gọi lại cho ông Rahm.
Ngay đầu cuộc gọi thứ hai, ông Rahm đã yêu cầu ông Axelrod không được kể lại nội dung cuộc gọi cho bất kỳ ai, kể cả những người thân thiết trong gia đình. Thông tin tuyệt mật lúc đó là "một mối đe dọa nghiêm trọng đối với lễ nhậm chức" của ông Obama.
Ái nữ Tổng thống Donald Trump - cô Ivanka Trump hôm 19-1 đã gửi thông điệp chia tay, kêu gọi người dân Mỹ cầu nguyện cho sự thành công của chính quyền Tổng thống tân cử Joe Biden, khi gia đình cô chuẩn bị rời Nhà Trắng.
Đài NDTV cho biết những lời chia sẻ trên trang Twitter của cô Ivanka gần giống với thông điệp chia tay của cha cô, khi ông Trump lần đầu tiên gửi lời chúc thành công đến chính quyền mới.
Theo đó, cô Ivanka (39 tuổi) gửi lời chúc may mắn đến ông Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris cùng vợ chồng và nhân viên của họ: "Cầu Chúa ban sự khôn ngoan, lòng dũng cảm và sức mạnh cho họ”.
“Là người Mỹ, tất cả chúng ta phải cầu nguyện cho sự thành công của họ” - cô Ivanka viết. Con gái của ông Trump đồng thời gọi việc được phục vụ đất nước với tư cách là cố vấn của Tổng thống Mỹ là "vinh dự cả đời" của cô.
"Tôi đến Washington để chiến đấu cho các gia đình Mỹ và tôi cảm thấy mình đã làm được điều đó" - cô Ivanka chia sẻ.
Cô còn nói rằng nhờ việc được đi đến "gần như mọi tiểu bang của nước Mỹ" trong bốn năm qua và hàng chục quốc gia khác đã khiến cô càng "yêu người dân Mỹ sâu sắc hơn".
Ái nữ Tổng thống Mỹ Donald Trump - cô Ivanka Trump. Ảnh: REUTERS
Cục Vệ binh quốc gia (thuộc quân đội Mỹ) đã loại 12 nhân viên vệ binh khỏi nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden do lo ngại những người này có liên hệ với các phần tử cực đoan, đài CNN đưa tin.
Ngày 19-1, một quan chức quốc phòng Mỹ chia sẻ với CNN thông tin này, cho biết đây là quyết định được đưa ra sau quá trình điều tra hành vi trong quá khứ của các nhân viên an ninh.
Sau đó, trong cùng ngày, người đứng đầu Cục Vệ binh Quốc gia, Tướng Daniel Hokanson cho biết mười vệ binh trong số này bị phát hiện có hành vi đáng ngờ. Hai người còn lại bị cho là có những tin nhắn hoặc bình luận "không phù hợp".
Ông Hokanson lưu ý rằng chưa có bất kỳ kết luận nào rằng mười người "đáng ngờ" có liên can tới các hành vi mang màu sắc cực đoan hay không và giải thích thêm rằng quyết định của Cục Vệ binh quốc gia chỉ là hành động phòng ngừa tối đa.
Ông Hokanson cũng nhấn mạnh rằng ngay cả khi những nghi ngờ trên được xác nhận thì với việc 12 trong tổng số khoảng 25.000 lính vệ binh được huy động cho nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức của ông Biden, tỉ lệ nguy cơ là rất thấp.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman cho biết quá trình điều tra lịch sử hành vi những người nhân viên tham gia bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức của ông Biden đang được tiến hành.
"Đây là những nỗ lực kiểm tra để xác định bất kỳ hành vi đáng ngờ hoặc bất kỳ mối liên hệ tiềm tàng nào tới hành vi đáng ngờ trong quá khứ, không chỉ liên quan tới chủ nghĩa cực đoan" - ông Hoffman nói.
Vệ binh Mỹ xuất hiện gần tòa nhà quốc hội hôm 20-1. Ảnh: Amr Alfiky/The New York Times
Ngày 19-1, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết bà có một cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi về vai trò cũng như mối quan hệ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc bạo động tại Điện Capitol hôm 6-1, đài Fox News đưa tin.
"Tôi rất muốn xem lịch sử cuộc gọi của ông Trump để xem liệu ông ấy có nói chuyện với ông Putin vào ngày bạo loạn ở Điện Capitol hay không" - bà nói.
Bà Clinton cho biết thêm rằng bà đã gợi ý với Chủ tịch Hạ viện về việc thành lập một ủy ban như sau vụ khủng bố 11-9 để tiến hành điều tra chính xác nguyên nhân dẫn tới vụ bạo loạn gây chết người tại tòa nhà Quốc hội.
Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump gần đây đã thảo luận về ý tưởng thành lập một đảng chính trị mới mang tên “đảng Yêu nước”, báo The Wall Street Journal dẫn các nguồn thạo tin cho biết hôm 19-1.
Theo các nguồn tin, ông Trump đưa ra ý tưởng trên với các trợ lý và một số người thân cận ông hồi tuần trước. Ông muốn đặt tên đảng chính trị mới là “đảng Yêu nước”.