Vai trò của Mỹ với tướng Haftar và nội chiến Libya

Nội chiến Libya đang leo thang nguy hiểm sau khi tướng Khalifa Haftar chỉ đạo lính Quân đội quốc gia Libya (LNA) từ căn cứ Benghazi đánh về Tripoli trong khi các lực lượng vũ trang ủng hộ Chính quyền hòa hợp dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj đáp trả quyết liệt.

Trong một bài viết trên báo The New York Times, hai tác giả Frederic Wehrey và Jeffrey Feltman phân tích vai trò của Mỹ trong ngăn chặn diễn biến nguy hiểm ở Libya. Ông Wehrey là học giả người Mỹ về các vấn đề Trung Đông đồng thời là một chuyên gia về chính trị Libya và vùng Vịnh, một trợ lý cao cấp chương trình Trung Đông tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế. Ông Feltman là cựu phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề chính trị.

Ủng hộ Tripoli nhưng cũng có thiện cảm với tướng Haftar

Hai ngày sau khi tướng Haftar tấn công Tripoli, Mỹ cho rút một số lượng quân khỏi Libya vì lo ngại an ninh. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề nghị tướng Haftar ngừng ngay lập tức chiến dịch tấn công Tripoli, khẳng định không có giải pháp quân sự nào có thể giải quyết nội chiến Syria. Mỹ cũng cho biết đến lúc này chính quyền Tripoli vẫn chưa yêu cầu Mỹ hỗ trợ quân sự ngăn chặn lực lượng của tướng Haftar. Trước khi diễn biến leo thang xảy ra, dù LHQ đề nghị Mỹ gắn kết ngoại giao mạnh hơn vào Libya, đặc biệt kiềm chế các nước ủng hộ tướng Haftar can thiệp vào, chính phủ Trump vẫn không thể hiện hứng thú với Libya.

Có thể nói tướng Haftar có lịch sử quan hệ lâu dài với Mỹ. Từng là sĩ quan dưới thời lãnh đạo Muammar al-gaddafi, tướng Haftar sau đó đoạn tuyệt quan hệ với ông gaddafi từ thập niên 1980 và nhận được sự ủng hộ của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trước khi sang sống lưu vong ở bang Virginia (Mỹ). Sau hai thập niên sống ở Mỹ, ông Haftar quay về Libya tham gia cuộc nổi dậy chống ông gaddafi. Sau khi ông gaddafi bị phe nổi dậy giết chết năm 2011, Libya bị chia rẽ sâu sắc với nhiều phe nhóm cạnh tranh giành quyền lực và lãnh thổ. Phe của tướng Haftar kiểm soát TP Benghazi và phần lớn miền Đông Libya.

Mỹ dù chính thức ủng hộ chính quyền GNA ở Tripoli nhưng gần đây Mỹ dường như ấm áp hơn trong quan hệ với tướng Haftar. Không khó để biết tại sao Nhà Trắng bị thu hút về phía tướng Haftar. Libya được xem là kho dự trữ dầu lớn nhất châu Phi và với chính phủ Trump, sản lượng dầu khai thác từ Libya là một yếu tố quan trọng giúp kiềm giữ giá dầu toàn cầu. Năm 2018, lực lượng LNA của tướng Haftar chiếm được một số cơ sở dầu ở miền Nam và miền Trung Libya, tăng sản lượng khai thác. Ngoài ra tướng Haftar còn thể hiện vai trò quan trọng của mình trong cuộc chiến chống khủng bố, nhận được thiện cảm từ nhiều cơ quan quân đội và tình báo Mỹ. Tướng Haftar còn cho phép CIA lập một trụ sở ở TP Benghazi.

Lính của tướng Haftar vẫn đang tấn công về Tripoli. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương lo ngại sâu sắc tình hình Libya. Ảnh: AFP

Liệu Mỹ sẽ đứng về bên nào?

Tuy nhiên, dù có sức lôi cuốn như vậy nhưng theo hai chuyên gia thì tướng Haftar không phục vụ cho quyền lợi của nước Mỹ. Ông Haftar nói sẽ loại trừ dân quân và xây dựng quân đội chuyên nghiệp nhưng thực tế lực lượng của ông lệ thuộc phần lớn vào dân quân, mà rất đông trong số này từng phạm tội ác chiến tranh. Và điều mà Mỹ cảm thấy báo động nhất ở ông Haftar là việc ông này từng nói Libya “chưa chín muồi cho dân chủ”.

Theo hai chuyên gia Wehrey và Feltman, thái độ nửa chừng của Mỹ có thể đẩy Libya sâu thêm vào xung đột. Để tình hình nội chiến Libya không leo thang phức tạp và nguy hiểm thêm, lúc này cấp thiết cần có sự can thiệp ngoại giao của Mỹ. Hai ông khẳng định đây không phải là ý chủ quan của mình mà nhiều người Libya thật sự muốn Mỹ can thiệp. Nhiều năm qua, hai ông đã có nhiều cuộc trao đổi và nhận thấy rõ Mỹ vẫn giữ được uy tín là một nhà hòa giải công bằng ở Libya, đặc biệt nếu so với các nước châu Âu và Ả Rập vốn theo đuổi các quyền lợi cạnh tranh nhau.

Mỹ phải hành động nhanh để ngăn xung đột leo thang đang đe dọa đến các nỗ lực dàn xếp hòa bình cũng như tạo điều kiện cho IS trỗi dậy ở Libya.

Hai chuyên gia FREDERIC WEHREY và jEFFREY FELTMAN 

Năm 2018, khi tướng Haftar chiếm một số cơ sở khai thác dầu ở miền Trung Libya, Mỹ đã phối hợp với LHQ nỗ lực ngăn chặn những tài sản này lọt khỏi quyền kiểm soát của chính quyền Tripoli. Với khủng hoảng hiện tại, Mỹ cần có nỗ lực và quyết tâm tương tự. Chính phủ Tổng thống Donald Trump nên công khai chỉ trích tướng Haftar và tính tới trừng phạt - cả trừng phạt từ Mỹ và thông qua cơ chế LHQ vì ông Haftar cản trở nỗ lực hòa bình và vi phạm các nghị quyết LHQ. Trước đây các biện pháp tương tự cũng đã được áp lên các lãnh đạo vũ trang khác tấn công Tripoli. Thêm nữa, sự lãnh đạo về ngoại giao lớn hơn của Mỹ rất cần để đưa các nước châu Âu và Ả Rập từ ủng hộ tướng Haftar sang ủng hộ một lộ trình toàn diện hơn cho hòa bình Libya.

Mỹ không thể giải quyết toàn bộ vấn đề của Libya nhưng một vài tuần tới đây là thời gian vàng và quyết định của Mỹ về ngoại giao có thể mang lại sự khác biệt. Không có nó, Libya có rủi ro phải hứng chịu bạo lực nghiêm trọng, lan tràn hơn.

Tướng Haftar nhận được sự ủng hộ của Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Pháp, Nga. Theo nhiều nhà điều tra LHQ thì UAE và Ai Cập có hỗ trợ quân sự cho chiến dịch của tướng Haftar. Pháp thì bí mật cung cấp cố vấn quân sự cho lực lượng LNA.

Theo hai chuyên gia Wehrey và Feltman, chính sự hỗ trợ và can thiệp của các nước này đã cản trở nỗ lực tìm giải pháp hòa bình của LHQ. Việc tướng Haftar đánh về Tripoli giữa lúc Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đang có mặt tại đây cho thấy ông Haftar không coi trọng các nỗ lực hòa bình quốc tế, muốn thâu tóm quyền lực.

Hai chuyên gia nhận định tướng Haftar không có khả năng thống nhất hay chế ngự được các phe phái ở Libya. Dù có chiếm được quyền lực tướng Haftar cũng sẽ gặp kháng cự từ nhiều phe nhóm lo sợ bị ông trả thù cũng như lo nguy cơ ông này trở thành độc tài. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm