Đến sáng 18-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer cho biết số trường hợp tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu đã chạm mốc hơn 154.000 người. Số ca lây nhiễm hiện cũng đã vượt 2,2 triệu bệnh nhân.
Trong bối cảnh số liệu về COVID-19 ngày càng nhiều gây khó khăn cho công tác thống kê, nhiều ý kiến tỏ ra độ tin cậy của dữ liệu mà chính phủ các nước đang cung cấp liệu đã phản ánh chính xác tình hình thực tế của đại dịch chưa, theo tờ South China Morning Post.
Hôm 17-4, chính quyền TP Vũ Hán (Trung Quốc) đã bất ngờ công bố một số thay đổi liên quan tới thống kê dịch ở địa phương này.
Trong đó, số người tử vong do COVID-19 tại Vũ Hán đã tăng từ 2.579 ca được công bố trước đó lên 3.869 ca, chênh lệch 1.290 trường hợp (tức tăng thêm khoảng 50% so với số cũ). Số ca nhiễm COVID-19 tại Vũ Hán cũng được điều chỉnh tăng thêm 325 trường hợp, từ 50.008 lên 50.333 người.
Lý giải động thái này, đại diện chính quyền Vũ Hán cho biết do nhiều bệnh viện hồi dịch đang bùng phát phải vận hành trong tình trạng quá tải nên nhân viên y tế không có thời gian cập nhật số liệu, dẫn tới hiện tượng báo chậm, báo thiếu và báo sai. Một số trường hợp tử vong cũng khai báo thông tin không đầy đủ, dẫn đến tình trạng báo trùng hoặc báo sai.
Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn ở TP Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 3-2020. Ảnh: TÂN HOA XÃ
WHO lên tiếng ủng hộ Vũ Hán
Bình luận về động thái của giới chức Vũ Hán, một số lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18-4 cho rằng việc điều chỉnh là nhằm "không bỏ sót ca bệnh nào" vì địa phương này khó tránh khỏi sai sót khi thống kê trong giai đoạn toàn Trung Quốc đại lục khủng hoảng vì đại dịch.
"Đây là một nỗ lực nhằm không bỏ sót ca bệnh nào. Thống kê đầy đủ số ca bệnh, số người tử vong là một thách thức vào giai đoạn dịch bùng phát mạnh. Tôi cho rằng nhiều quốc gia cũng sẽ rà soát lại thống kê" - bà Maria van Kerkhove, một chuyên gia về dịch bệnh của WHO, từng tham gia phái đoàn quốc tế tới Trung Quốc hồi tháng 2, bình luận.
Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan cũng đưa ra quan điểm tương tự rằng nhiều nước sắp tới cũng có thể phải đối mặt với tình trạng này. Tuy nhiên, ông hối thúc các nước đưa ra số liệu chính xác sớm nhất có thể để đánh giá đúng tác động cũng như biện pháp ứng phó dịch bệnh tốt hơn.
Châu Âu gặp khó khăn trong thống kê số liệu
Sau Trung Quốc, nhiều quốc gia phương Tây cũng đang chuẩn bị tiến hành rà soát số liệu thống kê trong nước.
Ở Ý, con số hơn 22.000 người tử vong được giới lãnh đạo ở đây cho là không phản đánh đúng và đủ tình hình dịch vì rất có thể đã để sót những người qua đời tại các viện dưỡng lão trước khi được xét nghiệm COVID-19. Rome hiện chưa công bố giải pháp cho vấn đề này.
Sang đến Tây Ban Nha, nước này đến nay ghi nhận hơn 20.000 bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng. Tuy nhiên, số liệu này không tính các trường hợp tử vong trước khi được xét nghiệm dù đã biểu hiện triệu chứng của dịch. Để giải quyết tình trạng mâu thuẫn số liệu, 17 khu tự trị được trung ương yêu cầu phải nhanh chóng thống nhất các tiêu chí thống kê.
Nhận xét về động thái trên, bà Hermelinda Vanaclocha - chuyên gia dịch tễ học đang cố vấn cho chính phủ Madrid cũng thừa nhận công tác kiểm kê số liệu ở Tây Ban Nha đang gặp nhiều khó khăn nhưng khẳng định chính quyền không cố tình bưng bít thông tin.
Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha ngày 4-4. Ảnh: AFP
Còn tại Anh, dư luận cũng đang lên tiếng yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra lại con số 14.576 người tử vong cũng vì lý do tương tự như Ý. Cục thống kê quốc gia nước này còn khẳng định số người thiệt mạng thực tế phải cao hơn 15% con số được công bố hiện nay.
Hiện Anh là nước có số ca tử vong cao thứ tư ở khu vực châu Âu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định con số này sẽ không ngừng tăng cho đến khi dịch được kiểm soát. Lúc này, ước tính số người thiệt mạng ở Anh sẽ lên tới 40.000 trường hợp.
Theo GS Anthony Costello thuộc Viện Sức khỏe toàn cầu UCL, sở dĩ tình hình dịch COVID-19 ngày càng xấu đi ở quốc gia châu Âu này là bởi hệ thống y tế Anh đang mắc phải sai lầm nghiêm trọng. Cụ thể, nước này không mở rộng được số lượng và phạm vi của công tác xét nghiệm nhằm khoanh vùng người nhiễm.
Anh cũng chậm chân hơn chính phủ nhiều nước trong khu vực đến ngày 23-3 mới ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc khi số bệnh nhân vượt quá tầm kiểm soát. Chính phủ Anh cũng bị chỉ trích khi không trang bị đủ đồ bảo hộ cho các nhân viên y tế. Nhiều bác sĩ được ghi nhận không có đồ bảo hộ để mặc mà vẫn phải thăm khám bệnh nhân.
Trước mắt, chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson đã cam kết sẽ nâng tốc độ xét nghiệm lên 100.000 lượt mỗi ngày trong thời gian tới, đồng thời sẽ tính cả số ca tử vong trong các viện dưỡng lão vào thống kê chính thức.
Tuy nhiên, GS Costello cho biết London cũng cần phải đảm bảo tăng cường khả năng ứng phó của Anh với đợt lây nhiễm thứ hai hoặc các đợt lây nhiễm tiếp theo.