Tính đến 6 giờ 15 phút ngày 18-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 154.086 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong 2.247.659 ca nhiễm.
Như vậy so với tối qua, số ca tử vong tăng 6.574 ca, số ca nhiễm tăng 50.495 ca.
Ngoài ra, toàn thế giới ghi nhận 570.423 bệnh nhân hồi phục.
Số ca nhiễm ở Mỹ vượt 700.000 người
Tính đến sáng 18-4 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm bệnh ở Mỹ đã lên đến 708.823, trong đó có 37.095 ca tử vong. Như vậy, trong vòng 24 giờ qua, số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ đã tăng lần lượt là 31.253 và 2.478 ca.
Tổng thống Donald Trump hôm 17-4 đã công bố chương trình cứu trợ trị giá 19 tỉ USD để giúp nông dân đối phó tác động của đại dịch COVID-19, bao gồm tiền cứu trợ trực tiếp và thu mua sản phẩm hàng loạt, hãng Reuters đưa tin.
Tổng thống Trump đang nghe Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue phát biểu tại cuộc họp báo về COVID-19 tại Nhà Trắng ngày 17-4. Ảnh: AP
"Đây là những con người tuyệt vời, những người Mỹ vĩ đại, không bao giờ than vãn, họ chỉ biết làm công việc của mình" - ông Trump ca ngợi những người nông dân khi tuyên bố chương trình viện trợ nông nghiệp.
Theo Tổng thống Trump, trong số 19 tỉ USD, sẽ có 16 tỉ USD là tiền cứu trợ trực tiếp.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng tuyên bố rằng họ sẽ hợp tác với các nhà phân phối trong khu vực và địa phương để mua 3 tỉ USD sản phẩm nông nghiệp bao gồm rau củ, sữa và thịt.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh người nông dân Mỹ đang gặp áp lực trong việc đưa hàng hóa ra thị trường do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Một số trang trại thậm chí đã phải vứt bỏ sản phẩm mình làm ra vì không có nơi tiêu thụ.
Ý tăng nguy cơ lẫy nhiễm trong gia đình
Số ca tử vong ở Ý tăng nhẹ trở lại sau ba ngày giảm liên tiếp trong khi ca nhiễm mới tiếp tục giảm, theo hãng tin Reuters.
Tính đến sáng 18-4 (giờ Việt Nam), Ý ghi nhận thêm 575 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong tại đây lên 22.745. Ý hiện có 172.434 ca nhiễm COVID-19 sau khi tăng thêm 3.493 ca trong 24 giờ qua.
Theo số liệu thống kê, tình hình dịch bệnh của Ý đã ổn định trong khoảng 12 ngày gần đây. Mặc dù Ý đã đạt đỉnh dịch hồi cuối tháng 3 và lệnh phong tỏa toàn quốc đã kéo dài được sáu tuần nhưng số lượng ca nhiễm và ca tử vong giảm vẫn chưa đáng kể.
Hai người bạn đang nói chuyện với nhau qua ô cửa sổ ở thành phố Venice, Ý, khi nơi này vẫn đang phong tỏa vì dịch bệnh. Ảnh: REUTERS
Theo BS Jac Giovanni Rezza, Giám đốc Học viện Y tế Quốc gia Ý (ISS), chuyên gia hàng đầu của Ý về lĩnh vực bệnh truyền nhiễm nói rằng hầu hết các ca nhiễm mới ghi nhận đều giữa các thành viên gia đình với nhau nên các biện pháp phong tỏa, hạn chế ra đường không mấy hiệu quả.
Chuyên gia vật lý hạt nhân Paolo Branchini, người chuyên phân tích số liệu COVID-19 tại Ý, nói với tờ nhật báo Corriere della Sera rằng việc phong tỏa ban đầu có thể làm chậm số ca nhiễm nhưng giờ đây đã hết tác dụng.
Ông Branchini còn cho biết do nguồn lây nhiễm chính hiện nay xảy ra giữa các thành viên gia đình nên cách duy nhất để giảm số ca nhiễm và tử vong là đưa tất cả những người nhiễm bệnh vào các trung tâm nhằm tách riêng họ với những người thân chưa bị nhiễm bệnh.
Đại dịch có thể giết chết ít nhất 300.000 người ở châu Phi
Đại dịch COVID-19 có thể sẽ giết ít nhất 300.000 người ở châu Phi và đẩy 29 triệu người vào tình trạng nghèo đói cùng cực, Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc về châu Phi (UNECA) cho biết hôm 17-4, kêu gọi 100 tỉ USD cứu trợ cho lục địa này.
Tính đến nay, tổng số ca nhiễm bệnh tại 54 quốc gia châu Phi chỉ khoảng hơn 20.000 người, chiếm tỉ lệ nhỏ so với hơn 2,2 triệu người nhiễm trên toàn cầu. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 16-4 đã cảnh báo rằng số người nhiễm ở châu Phi có thể lên tới 10 triệu chỉ trong ba đến sáu tháng.
Một phụ nữ Ai Cập đeo khẩu trang, đi mua sắm tại một khu phố cổ ở thủ đô Cairo, Ai Cập. Ảnh: REUTERS
"Để bảo vệ và xây dựng sự thịnh vượng chung, chúng tôi cần ít nhất 100 tỉ USD để phản ứng nhanh với tình hình sức khỏe và an toàn xã hội tại đây" - UNECA cho biết.
UNECA cũng cho biết nếu những lời kêu gọi trên không được đáp ứng, số người nhiễm bệnh tại châu lục này có thể lên đến 1,2 tỉ và giết chết 3,3 triệu người trong năm nay. Hiện dân số châu Phi khoảng 1,3 tỉ.