Đây là dự án của Cenforchil – trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ trẻ em Việt Nam (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) chuẩn bị trong nhiều năm nhằm tạo nên một mô hình bảo tàng đặc thù riêng về chức năng, thiết kế và mô hình hoạt động.
Theo dự án, bảo tàng đồ chơi Việt Nam gồm 18 nhà trưng bày, được xây dựng theo mô hình nhà sàn hai tầng với cột bêtông, sàn gỗ, tường bằng tre chống cháy. Các khu nhà được chia theo từng chức năng như khu đồ chơi trong nhà, khu khám phá (dành cho các loại đồ chơi đòi hỏi tính sáng tạo), khu đồ chơi nước ngoài, khu không gian bảo tồn nghề sản xuất đồ chơi truyền thống. Thêm vào đó là khu trưng bày đồ chơi ngoài trời và các khu nhà dịch vụ...
Để chuẩn bị cho công trình này, các cán bộ của Cenforchil đã sưu tầm khoảng 5.000 mẫu đồ chơi, trong đó có 1.250 hiện vật đã được đăng ký. Đa phần các đồ chơi này đều thuộc về những mẫu đồ chơi truyền thống như diều, chuồn chuồn tre, quân rối, tàu thuỷ sắt, đồ đất nung, các đồ làm bằng mây tre đan... Đặc biệt trong bộ sưu tập cũng xuất hiện mẫu đồ chơi của một số dân tộc ít người phía Bắc như Mường, Tày, Dao...
Được biết trên thế giới hiện nay có 140 nước đã xây dựng mô hình bảo tàng đồ chơi. Ngoài việc cung cấp không gian cho trẻ em, bảo tàng đồ chơi còn có vai trò bảo tồn những trò chơi dân gian truyền thống và thực hiện công tác nghiên cứu, định hướng về xu hướng phát triển tâm lý của trẻ trong những giai đoạn khác nhau của xã hội.
Theo Dung P ( SGTT)