Đối với hầu hết phụ nữ, việc sinh con ở bệnh viện là điều rất đỗi tự nhiên và thiết yếu khi họ muốn đảm bảo "mẹ tròn con vuông". Thậm chí một số gia đình còn phải bỏ ra một chi phí không nhỏ để chọn bệnh viện uy tín, với đầy đủ các y, bác sĩ và những cơ sở máy móc kỹ thuật tối tân nhất.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nhỏ bà mẹ cho rằng việc sinh con ở bệnh viện là nghịch lại với tự nhiên và đối diện với y, bác sĩ khiến họ thấy sợ hãi. Thậm chí có một số người cự tuyệt cả bà đỡ tại nhà mà muốn chính bản thân mình tự xoay xở tất cả.
Sinh thuận tự nhiên là một trào lưu không mới nhưng giờ đây nó đang được lan truyền rộng rãi bỏ mặc những rủi ro tiềm ẩn. Ảnh: Duurzaamzwanger
"Sinh thuận tự nhiên" là một trào lưu mới khi sản phụ bác bỏ mọi sự can thiệp của y tế bao gồm cả sự hiện diện của bà đỡ lúc sinh cũng như bỏ qua các "thủ tục" y tế trước khi sinh chẳng hạn như siêu âm, xét nghiệm. Họ cho rằng những kỹ thuật y tế tiên tiến sẽ khiến bản thân và con cái họ có những nguy cơ tiềm ẩn sau này.
BS Michael Gannon, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Úc, đồng thời cũng là bác sĩ sản khoa đã nặng lời chỉ trích trào lưu này, mô tả đây là trào lưu "ngớ ngẩn nhiều cấp độ". “Thật đáng buồn, tôi không hiểu sao phụ nữ sống trong một thế giới phát triển lại đua nhau cổ súy trào lưu sinh con thuần tự nhiên và coi rằng đó là điều bình thường. Trong khi ngày ngày trên thế giới vẫn biết bao nhiêu sản phụ đã mất mạng, mất con vì những biến chứng sau sinh mà không được y tế can thiệp kịp thời. Tại sao lại tự đặt mình vào nguy hiểm với những niềm tin ngớ ngẩn như vậy" - BS Gannon nói với News.com.au.
Hiện vẫn chưa có thống kê chính xác có bao nhiêu em bé ra đời khỏe mạnh với phương pháp sinh thuận tự nhiên nhưng có dữ liệu cho thấy khoảng 1% phụ nữ chọn sinh ở nhà thay vì đến bệnh viện nhưng họ đều có y tá hoặc bà đỡ hỗ trợ. Tuy nhiên, gần đây thông qua Internet và mạng xã hội, trào lưu này được lan truyền chóng mặt và tiếc thay nó lại đang được một số phụ nữ hùa theo bỏ mặc những rủi ro cho cả sản phụ và thai nhi.
Lý do của sự lựa chọn
Đối với một số phụ nữ chọn sinh nở tự nhiên tại nhà, họ nói rằng họ nhận thấy rằng mình được "trao quyền" và ít căng thẳng hơn việc chờ sinh ở bệnh viện. Trả lời trên trang News.com.au (Úc), người mẹ tên Rachel từng sinh hai con ở bệnh viện và em bé gần đây nhất được cô chọn phương pháp sinh thuận tự nhiên tại nhà chia sẻ những trải nghiệm khác biệt so với những lần sinh trước:
"Dù tôi phải mất gần 50 tiếng đồng hồ xoay xở để sinh bé, so với hai anh chị của nó ở bệnh viện tôi chỉ mất khoảng 14 và chín tiếng thì tôi vẫn chọn sinh thuần tự nhiên tại nhà cho em bé tiếp theo. Mặc dù thời gian chuyển dạ và sinh con của tôi kéo dài đến hai ngày nhưng tôi không phải gặp áp lực khi một ai đó cứ đến và ép buộc tôi phải cố sinh con ra. Tôi cũng không thể ngờ rằng tôi lại có thể bình tĩnh và thoải mái trong quá trình sinh con như vậy, nó là một trải nghiệm tuyệt vời".
Sinh thuận tự nhiên cho người mẹ cảm giác được trao quyền và gần gũi với con mình hơn. Ảnh: NEWS
Rachel kể rằng cô chuyển sang phương pháp sinh thuận tự nhiên sau khi mất niềm tin vào bệnh viện sau hai lần sinh trước. Cô kể rằng cô cảm thấy bị bắt nạt và bị ép làm một số xét nghiệm và thủ thuật bao gồm những lần kiểm tra âm đạo không mấy dễ chịu. Và đối với cô thì bà đẻ cũng không khác mấy các nữ hộ sinh ở bệnh viện.
Sau đó cô bắt đầu tìm hiểu phương pháp sinh thuận tự nhiên, bao gồm cả những rủi ro có thể xảy ra. Nhưng cô tin rằng mình tự tin vào sức khỏe sinh sản của mình cho dù cô không làm bất cứ cuộc kiểm tra sức khỏe tiền sản nào. “Mỗi khi đi khám thai, bác sĩ cứ bắt tôi phải cân đo, kiểm tra huyết áp, đo vòng bụng... nhưng tôi thấy rằng nó không có ý nghĩa gì cả, một số sự can thiệp hầu như cho có chứ không hề mang lại lợi ích nào" - Rachel cho hay.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Tuy nhiên, một thực tế là ngoài những trường hợp may mắn, sinh con an toàn và hạnh phúc như Rachel, cũng có những trường hợp tử vong đau đớn cho nhiều sản phụ và trẻ em khi chọn phương pháp sinh thuận tự nhiên hoặc sinh ở nhà có bà đẻ nhưng gặp biến chứng y khoa trong những năm gần đây.
Hồi tháng 6, Lisa Barrett, một phụ nữ sống ở Adelaide, Úc bị buộc phải chịu trách nhiệm với cái chết của hai đứa trẻ sau khi cổ súy việc sinh thuận tự nhiên tại nhà. Hiện Lisa vừa được ra tù sau khi được bảo lãnh. Trường hợp tiếp theo xảy ra ở Melbourne vào năm 2012, sau khi bà mẹ hai con Caroline Lovell tử vong khi sinh bé thứ hai. Nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm này là do cô đã bị chảy máu quá nhiều khi sinh con thuận tự nhiên tại nhà mà không được đưa đi cấp cứu kịp thời. Trước đó, vào năm 2009, báo chí cũng ghi nhận một trường hợp sinh thuận tự nhiên khác dẫn đến cái chết của em bé do gặp biến chứng khi sinh.
Một vụ việc khác đau đớn hơn xảy ra New South Wales vào năm 2015, em bé gặp biến chứng nhưng người mẹ vẫn khăng khăng giữ bé ở nhà mà không chịu đem đến bệnh viện cấp cứu, bé sơ sinh tử vong khi chỉ mới được ba ngày tuổi. BS Gannon, người từng khuyên người mẹ mang con đến bệnh viện, thực sự rất sốc khi một người mẹ lại có thể đứng nhìn con mình chết như vậy mà vẫn bảo thủ những quan điểm điên rồ. “Tôi có thể hiểu lý do tại sao phụ nữ sợ sinh nở nhưng không thể lý giải được tại sao họ lại bài xích những hỗ trợ y khoa, thậm chí là khước từ nó một cách mù quáng như vậy" - BS Gannon cho biết.
GS Hannah Dahlen, một chuyên gia hộ sinh tại ĐH Western Sydney, cũng đặt vấn đề thực tế rằng một số nhóm khuấy động trào lưu sinh thuận tự nhiên thật dễ dàng nhưng liệu những người cổ súy đó có đảm bảo được an toàn cho sản phụ và trẻ sơ sinh khi có biến chứng xảy ra hay không.
Hiện tượng mất niềm tin vào y học tiên tiến?
Vào năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đặt ra câu hỏi "Tại sao chúng ta không cung cấp một dịch vụ mà phụ nữ mong muốn" thay vì tự hỏi "Tại sao phụ nữ không chấp nhận dịch vụ mà y học tiên tiến đang cung cấp".
Phải chăng y học tiên tiến đang dần đánh mất y đức, khiến việc sinh nở tại bệnh viện trở thành nỗi ám ảnh của các bà mẹ. Ảnh: Babble
GS Dahlen đang giám sát một nghiên cứu về trào lưu sinh thuận tự nhiên cho biết: "Rõ ràng là phụ nữ nhìn thấy được những rủi ro tiềm ẩn mà họ có thể mắc phải, tuy nhiên rủi ro tiềm ẩn trong can thiệp khi sinh, sự thiếu gắn kết giữa mẹ con và sự ngược đãi của nhân viên y tế là điều mà họ dễ dàng nhìn thấy hơn ở trước mắt".
Một lý do khác là chi phí sinh nở. Bảo hiểm y tế tại nhiều nước không chi trả nhiều cho các dịch vụ sinh nở, vậy nên nếu để sinh một em bé với nhiều dịch vụ y tế tiên tiến, bạn phải trả một khoản không ít và đôi khi vượt quá tầm chi trả của một số chị em.
Từ giữa thế kỷ 20, sau khi y học tiên tiến khuyến cáo phụ nữ không nên tự sinh ở nhà, số lượng ca tử vong thai sản giảm đáng kể đến 90% ở những nước tiên phong trên thế giới. Tuy nhiên, có thể sự xói mòn trong y đức đã khiến một bộ phận dần rời xa y học để trở về với những thứ thuần tự nhiên, cộng với sự xuất hiện của mạng xã hội đã khuếch đại trào lưu này.